Diện tích tách thửa đất tại Vĩnh Phúc theo quy định mới nhất là bao nhiêu?

Thứ 4 , 19/02/2025, 16:57


Ngày 15/10/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định 46/2024/QĐ-UBND về Quy định hướng dẫn Luật Đất đai và Nghị định 102/2024/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có nội dung quy định về điều kiện, diện tích tối thiểu khi tách thửa đối với các loại đất. Vậy kể từ ngày 15/10/2024, khi Quyết định 46/2024/QĐ-UBND có hiệu lực thì diện tích tách thửa ở Vĩnh Phúc là bao nhiêu?

     Ngày 15/10/2024, Quyết định số 46/2024/QĐ-UBND do UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành chính thức có hiệu lực. Do đó, kể từ khi Quyết định số 46/2024/QĐ-UBND có hiệu lực thì các quy định về điều kiện, diện tích, kích thước... khi tách thửa đất sẽ được áp dụng theo quy định tại Nghị định này.

1. Điều kiện tách thửa đất tại Vĩnh Phúc

     Khi thực hiện thủ tục tách thửa tại Vĩnh Phúc, thửa đất cần đáp ứng các điều kiện sau đây:

1.1 Điều kiện chung

     Tại Luật đất đai 2024 đã có quy định về điều kiện chung để thực hiện thủ tục tách thửa đất như sau:

     Thứ nhất, thửa đất đã được cấp một trong các loại giấy chứng nhận: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

     Thứ hai, thửa đất còn trong thời hạn sử dụng đất;

     Thứ ba, đất không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án, không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp đất có tranh chấp nhưng xác định được phạm vi diện tích, ranh giới đang tranh chấp thì phần diện tích, ranh giới còn lại không tranh chấp của thửa đất đó được phép tách thửa đất, hợp thửa đất;

     Thứ tư, việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải bảo đảm có lối đi; được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có; bảo đảm cấp nước, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý. Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất để làm lối đi, khi thực hiện việc tách thửa đất hoặc hợp thửa đất thì không phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất để làm lối đi đó.

     Thứ năm, các thửa đất sau khi tách thửa phải bảo đảm diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trường hợp thửa đất được tách có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa thì phải thực hiện đồng thời việc hợp thửa với thửa đất liền kề;

     Thứ sáu, trường hợp chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất thì thực hiện tách thửa, diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách phải bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng. Đối với thửa đất có đất ở và đất khác thì không bắt buộc thực hiện tách thửa khi chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất, trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa;

     Thứ bảy, trường hợp phân chia quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định của Tòa án mà việc phân chia không bảo đảm các điều kiện, diện tích, kích thước tách thửa theo quy định thì không thực hiện tách thửa.

1.2 Điều kiện riêng về tách thửa đất tại Vĩnh Phúc

    Theo quy định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ngoài các điều kiện chung theo quy định tại Luật đất đai 2024 thì khi tách thửa đất tại Vĩnh Phúc còn cần đáp ứng các điều kiện riêng sau đây:

  • Thửa đất sau khi tách thửa và thửa đất còn lại phải đảm bảo về diện tích, kích thước (đã trừ phần diện tích thuộc quy hoạch công trình giao thông đã được công bố, cắm mốc) tối thiểu đảm bảo theo quy định.
  • Trường hợp khi chia tách thửa đất có đất ở mà hình thành lối đi chung thì lối đi đó phải có mặt cắt ngang từ 4m trở lên. Trường hợp đường vào thửa đất chia tách (giao thông hiện hữu) có mặt cắt ngang nhỏ hơn 4m thì căn cứ vào hiện trạng khu dân cư và quy hoạch cải tạo chỉnh trang khu dân cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp không có quy hoạch thì mặt cắt ngang tối thiểu bằng độ rộng nhỏ nhất của đường khu dân cư hiện hữu.
  • Đối với trường hợp thửa đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì việc tách thửa đất, hợp thửa phải tuân thủ dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; tuân thủ quy hoạch chi tiết xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
  • Đối với thửa đất ở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất cho người sử dụng đất theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thì không được tách thửa, hợp thửa (trừ trường hợp được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc trường hợp giao đất tái định cư cho người sử dụng đất mà thửa đất sau khi chia tách có cạnh chiều ngang tiếp giáp đường tối thiểu 4m đối với khu vực nông thôn và tối thiểu 3m đối với khu vực đô thị. Đồng thời diện tích sau chia tách thửa tối thiểu phải đảm bảo theo quy định tại mục 2 bài viết này.
  • Đối với thửa đất đã có Thông báo thu hồi đất hoặc Quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không được tách thửa, hợp thửa (trừ trường hợp Thông báo thu hồi đất hết hiệu lực 12 tháng, hoặc đã quá 03 năm kể từ thời điểm có quyết định thu hồi đất mà không thực hiện, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận).​

>>> Diện tích tách thửa đất tại Kon Tum theo quy định mới nhất hiện nay

>>> Diện tích tối thiểu tách thửa đất tại Lâm Đồng mới nhất

>>> Diện tích tối thiểu tách thửa đất tại Hưng Yên mới nhất

diện tích tách thửa đất tại Vĩnh Phúc

2. Diện tích, kích thước tối thiểu tách thửa đất ở tại Vĩnh Phúc

     Diện tích, kích thước tối thiểu tách thửa đất đối với đất ở, thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất được quy định tại Khoản 2 Điều 12 Quyết định 46/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc như sau:

  • Thửa đất tại khu vực đô thị (phường, thị trấn): Sau tách thửa để hình thành thửa đất mới phải đảm bảo:
    • Diện tích đất ở tối thiểu 50 m2,
    • Chiều rộng cạnh tiếp giáp đường (lối đi) của thửa đất tối thiểu 03m,
    • Chiều sâu thửa đất tối thiểu là 05m.
  • Thửa đất tại khu vực nông thôn (các xã): Sau tách thửa để hình thành thửa đất mới phải đảm bảo:
    • Diện tích đất ở tối thiểu 80 m2,
    • Chiều rộng cạnh tiếp giáp đường (lối đi) của thửa đất tối thiểu 04m,
    • Chiều sâu thửa đất tối thiểu là 10m.
  • Trường hợp khi chia tách thửa đất ở mà trên đất mà hình thành lối đi chung, ngoài việc đảm bảo quy định tại mục này này thì lối đi đó phải đảm bảo quy định tại mục 1.2 nêu trên;​
  • Trường hợp chia tách thửa đối với phần diện tích đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở; hoặc chia tách thửa đối với diện tích đất nông nghiệp có nguồn gốc đã được tách ra từ thửa đất ở có vườn ao theo quy định của pháp luật đất đai thành thửa đất riêng biệt thì các thửa đất sau khi tách thửa, phải đảm bảo các điều kiện về diện tích bằng suất tái định cư tối thiểu theo quy định của tỉnh; chiều rộng cạnh tiếp giáp đường (lối đi) và chiều sâu thửa đất tối thiểu như quy định tại mục này;

3. Diện tích, kích thước tách thửa đất đối với đất nông nghiệp tại Vĩnh Phúc

     Căn cứ Khoản 3 Điều 12 Quyết định 46/2024/QĐ-UBND tỉnh Vĩnh Phúc:

Thứ nhất, đất trồng cây hàng năm, diện tích thửa đất sau khi tách thửa phải đảm bảo điều kiện sau: 

  • Đối với khu vực đã thực hiện việc dồn thửa đổi ruộng, diện tích đất được tách thửa phải đảm bảo tối thiểu 720m2;
  • Thuộc địa bàn các xã còn lại tối thiểu 360 m2;
  • Thuộc địa bàn các phường, thị trấn tối thiểu 200 m2;

Thứ hai, đất trồng cây lâu năm, diện tích thửa đất sau khi tách thửa phải đảm bảo điều kiện sau:

  • Thuộc địa bàn các xã tối thiểu 300 m2;
  • Thuộc địa bàn các phường, thị trấn tối thiểu 150 m2;

Thứ ba, đất rừng sản xuất, diện tích thửa đất sau khi tách thửa phải đảm bảo: tối thiểu 3.000 m2.

Thứ tư, đất nuôi trồng thủy sản, diện tích thửa đất sau khi tách thửa phải đảm bảo tối thiểu 300m2.

Thứ năm, đất nông nghiệp khác, diện tích thửa đất sau khi tách thửa phải đảm bảo tối thiểu 300 m2, trừ khu vực đã có quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, kinh tế trang trại trồng trọt, trang trại nuôi thuỷ sản, trang trại tổng hợp có diện tích tối thiểu 1 ha.

Thứ sáu, đất nông nghiệp trong khu dân cư, điều kiện được tách thửa như đối với đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.

Thứ bảy, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được tách thửa.

>>> Diện tích tách thửa đất tại Ninh Thuận mới nhất là bao nhiêu?

>>> Diện tích tối thiểu tách thửa đất tại Khánh Hòa mới nhất

>>> Diện tích tối thiểu tách thửa đất tại Sơn La mới nhất;

>>> Diện tích tối thiểu tách thửa đất tại Lai Châu mới nhất;

4. Diện tích tách thửa đất đối với đất phi nông nghiệp không phải đất ở tại Vĩnh 

     Căn cứ Khoản 4 Điều 12 Quyết định 46/2024/QĐ-UBND tỉnh Vĩnh Phúc, diện tích tách thửa đất đối với đất  phi nông nghiệp không phải đất ở được quy định như sau:

  • Trường hợp đất phi nông nghiệp có thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài phù hợp quy định pháp luật, thuộc trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở theo quy định tại khoản 3 Điều 121 Luật Đất đai, người sử dụng đất có nhu cầu thì được phép tách thửa, hợp thửa. Điều kiện tách thửa, hợp thửa trong trường hợp này phải đảm bảo các điều kiện về diện tích, chiều rộng cạnh tiếp giáp đường (lối đi) và chiều sâu thửa đất như quy định tại mục 2 bài viết này;
  • Trường hợp tách thửa đất trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp cần căn cứ vào dự án đầu tư, chủ trương đầu tư, Quy hoạch chi tiết được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhưng phải đảm bảo khả năng kết nối hạ tầng giao thông và các tiện ích hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo phòng cháy chữa cháy và mật độ xây dựng; hài hòa cảnh quan kiến trúc, bảo vệ môi trường và được cơ quan quản lý nhà nước tại các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp xác nhận điều kiện chia tách thửa đất tại các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp.

diện tích tách thửa đất tại Vĩnh Phúc

5. Chuyên mục hỏi đáp:

Câu hỏi 1: Quy định tách thửa trong quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc không áp dụng trong trường hợp nào?

     Những trường hợp không áp dụng quy định việc tách thửa, hợp thửa:

  • Cấp Giấy chứng nhận cho phần diện tích đất còn lại của thửa đất sau khi nhà nước thu hồi một phần thửa đất.
  • Tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước; tặng cho quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng hoặc mở rộng đường giao thông theo quy hoạch; tặng cho quyền sử dụng đất để làm nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 2: Thửa đất đã có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì có được tách thửa không?

      Đối với thửa đất đã có Thông báo thu hồi đất hoặc Quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không được tách thửa, hợp thửa (trừ trường hợp Thông báo thu hồi đất hết hiệu lực 12 tháng, hoặc đã quá 03 năm kể từ thời điểm có quyết định thu hồi đất mà không thực hiện, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận).

     Bài viết cùng chuyên mục:

     Để biết thêm những thông tin cần thiết về "diện tích tách thửa đất tại Vĩnh Phúc" quý khách hàng vui lòng liên hệ đến số điện thoại: 19006178 để được hỗ trợ nhanh nhất! 

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn! 

Chuyên viên: Lê Hữu Phước

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]