Pháp luật Việt Nam quy định hợp đồng lao động vô hiệu khi nào?
Thứ 5 , 19/09/2024, 10:34
1. Hợp đồng lao động là gì?
Hiện nay, tại Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019 đã có những quy định chi tiết về "hợp đồng lao động" như sau:
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa hai bên với nhau là người lao động và người sử dụng lao động. Nội dung thỏa thuận trong hợp đồng giữa các bên bao gồm: việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động và quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên có sự thỏa thuận với nhau bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì trường hợp này vẫn được coi là hợp đồng lao động.
Đồng thời, tại khoản 2, Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng nêu rõ về việc người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động ngay tại thời điểm trước khi nhận người lao động vào làm việc.
Bên cạnh đó, việc giao kết hợp đồng lao động giữa hai bên (người lao động và người sử dụng lao động) cũng phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 15, Bộ luật Lao động năm 2019 về tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực. Các bên cũng cần lưu ý, khi giao kết hợp đồng lao động các bên có thể tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái với quy định pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.
2. Hợp đồng lao động vô hiệu khi nào?
Theo quy định tại Điều 49 Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động có thể vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần. Cụ thể, về hợp đồng lao động vô hiệu:
Thứ nhất, hợp đồng bị vô hiệu toàn bộ. Theo quy định tại khoản 1, Điều 49 Bộ luật lao động năm 2019 thì hợp đồng lao động sẽ vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau:
-
Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật (những công việc bị pháp luật cấm là những việc làm bất hợp pháp, có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người, thậm chí là an ninh quốc gia, ví dụ như sản xuất, buôn bán, vận chuyển ma túy, pháo, thuốc nổ,…).
-
Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật Lao động năm 2019.
-
Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.
Thứ hai, hợp đồng bị vô hiệu từng phần. Được quy định tại khoản 2, Điều 49 Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động sẽ bị vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.
Ngoài ra, nếu một phần hoặc toàn bộ nội dung hợp đồng quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn quy định của pháp luật, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc làm hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó bị vô hiệu. Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động bị vô hiệu thuộc về Tòa án nhân dân theo quy định tại Điều 50 Bộ luật Lao động năm 2019.
3. Hợp đồng lao động vô hiệu sẽ bị xử lý như thế nào?
Đối với hợp đồng lao động bị vô hiệu, việc xử lý hợp đồng sẽ dựa theo 02 trường hợp chính như sau:
Thứ nhất, xử lý đối với hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần. Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 51 Bộ luật Lao động năm 2019, khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần thì:
-
Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng. Trong trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
-
Hai bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động.
Chi tiết hơn về vấn đề xử lý đối với hợp đồng lao động bị vô hiệu từng phần, tại Điều 9 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động cũng có quy định như sau:
-
Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần, người sử dụng lao động và người lao động tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho phù hợp với thỏa ước lao động tập thể và pháp luật.
-
Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên trong thời gian từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần đến khi hợp đồng lao động được sửa đổi, bổ sung thì được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng, trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trường hợp hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu có tiền lương thấp hơn so với quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì hai bên phải thỏa thuận lại mức lương cho đúng quy định và người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định phần chênh lệch giữa tiền lương đã thỏa thuận lại so với tiền lương trong hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để hoàn trả cho người lao động tương ứng với thời gian làm việc thực tế theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu.
Đặc biệt, đối với trường hợp hai bên không thống nhất sửa đổi, bổ sung các nội dung đã bị tuyên bố vô hiệu thì:
-
Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động;
-
Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của hai bên từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần đến khi chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện theo khoản 2, Điều 9 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
-
Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
-
Thời gian làm việc của người lao động theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian người lao động làm việc cho người sử dụng lao động để làm căn cứ thực hiện chế độ theo quy định của pháp luật về lao động.
Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Thứ hai, xử lý đối với hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ. Tại khoản 2, Điều 51 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp do ký sai thẩm quyền thì hai bên sẽ phải ký lại.
Chi tiết hơn về vấn đề này, tại Điều 10 và Điều 11 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động cũng có quy định chi tiết thành 02 trường hợp như sau:
Một là, trường hợp xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động.
Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ, người lao động và người sử dụng lao động ký lại hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật. Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi hợp đồng lao động được ký lại thực hiện như sau:
-
Nếu quyền, lợi ích của mỗi bên trong hợp đồng lao động không thấp hơn quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động được thực hiện theo nội dung hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu;
-
Nếu hợp đồng lao động có nội dung về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của mỗi bên vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến phần nội dung khác của hợp đồng lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động thực hiện theo khoản 2, Điều 9 Bộ luật Tố tụng dân sự;
-
Thời gian người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian làm việc của người lao động cho người sử dụng lao động để làm căn cứ thực hiện chế độ theo quy định của pháp luật về lao động.
Đối với trường hợp hai bên không ký lại hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì:
-
Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động;
-
Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 10 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
-
Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Đối với các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Hai là, trường hợp xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật hoặc công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.
Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ, người lao động và người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động mới theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi giao kết hợp đồng lao động mới thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 10 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Trong trường hợp hai bên không giao kết hợp đồng lao động mới thì:
-
Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động.
-
Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu đến khi chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện theo khoản 2, Điều 11 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
-
Người sử dụng lao động trả cho người lao động một khoản tiền do hai bên thỏa thuận nhưng cứ mỗi năm làm việc ít nhất bằng một tháng lương tối thiểu vùng theo tháng áp dụng đối với địa bàn người lao động làm việc do Chính phủ quy định tại thời điểm quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Thời gian làm việc của người lao động để tính trợ cấp là thời gian làm việc thực tế theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu xác định theo điểm a, khoản 3, Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
-
Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc đối với các hợp đồng lao động trước hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu theo quy định tại Điều 8 Nghị định này, nếu có.
Ngoài ra, các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật hoặc công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
4. Câu hỏi liên quan đến hợp đồng lao động vô hiệu
Câu 1: Nếu một phần nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật thì hợp đồng lao động có bị vô hiệu không?
Hợp đồng lao động sẽ bị vô hiệu một phần nếu một phần nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2, Điều 49 Bộ luật lao động năm 2019, hợp đồng lao động sẽ bị vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.
Ngoài ra, nếu một phần hoặc toàn bộ nội dung hợp đồng quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn quy định của pháp luật, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc làm hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó bị vô hiệu.
Câu 2: Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu thuộc về ai?
Căn cứ theo Điều 50 Bộ luật Lao động năm 2019 thì Tòa án nhân dân sẽ là cơ quan có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
"Điều 50. Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu
Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu."
Bài viết liên quan:
-
Như thế nào là Phân biệt đối xử trong lao động
-
Thời gian thử việc có được tính hưởng trợ cấp thôi việc không?
Mọi thắc mắc liên quan đến “Pháp luật Việt Nam quy định hợp đồng lao động vô hiệu khi nào”, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6178 để được hỗ trợ tư vấn.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.
Chuyên viên: Vũ Phương Anh
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: [email protected]