Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động hiện nay được pháp luật quy định như thế nào?
Thứ 3 , 26/11/2024, 10:12
1. Giao kết hợp đồng lao động là gì?
Tại Điều 385, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ về khái niệm “hợp đồng”:
“Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Như vậy có nghĩa là hợp đồng chính là sự thoả thuận giữa các bên về việc mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, cho thuê, mượn tài sản hoặc về việc thực hiện một công việc, theo đó làm xác lập, thay đổi hoặc là chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các bên trong hợp đồng. Hợp đồng có thể được giao kết bằng lời nói, hành vi cụ thể hoặc bằng văn bản. Tùy theo từng trường hợp, hợp đồng dân sự có thể phải được công chứng, chứng thực, đăng ký. Đối với những loại hợp đồng mà pháp luật quy định phải đăng ký thì những hợp đồng đó chỉ có hiệu lực khi được đăng ký và có hiệu lực từ thời điểm đăng ký. Qua đó, "giao kết hợp đồng" có thể hiểu là các bên thể hiện ý chí thỏa thuận về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc và quy định của pháp luật cho từng giao kết hợp đồng cụ thể.
Theo đó, với quy định tại Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019 ta có thể hiểu “hợp đồng lao động” chính là sự thỏa thuận, giao kết giữa 02 bên, bao gồm: những người lao động và những người sử dụng lao động, về việc làm có trả công, có trả tiền lương, thỏa thuận về điều kiện lao động, thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động nhằm đi đến sự thống nhất và thực hiện xác lập các điều khoản trong hợp đồng lao động. Đồng thời, việc giao kết hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động phải được thực hiện trước khi người sử dụng lao động nhận người lao động vào làm việc .
2. Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động
Giao kết hợp đồng là việc các bên bày tỏ với nhau ý chí về việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng trên cơ sở tuân theo nguyên tắc do pháp luật quy định. Theo đó, nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động đã được pháp luật nước ta quy định chi tiết tại Điều 15 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
“Điều 15. Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động
1. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.
2. Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.”
Tại đây, các nguyên tắc được quy định rõ bao gồm nguyên tắc: Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực. Bên cạnh việc tuân thủ các nguyên tắc trên, các bên cũng cần chú ý tới việc các bên có thể tự do giao kết hợp đồng lao động, tuy nhiên việc giao kết hợp đồng lao động đó không được trái với quy định pháp luật, không được trái với thỏa ước lao động tập thể và cũng không được trái với đạo đức xã hội.
3. Hợp đồng lao động vi phạm nguyên tắc giao kết thì có hiệu lực không?
Theo quy định tại Điều 49 Bộ luật Lao động năm 2019 đã nêu:
“Điều 49. Hợp đồng lao động vô hiệu
1. Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:
a) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;
b) Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật này;
c) Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.
2. Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng”.
Theo đó, khi một trong hai bên vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động (cụ thể là nguyên tắc thiện chí, trung thực, tự nguyện, bình đẳng và hợp tác trong giao kết hợp đồng) thì hợp đồng lao động sẽ bị vô hiệu toàn bộ. Và hợp đồng vô hiệu toàn bộ do vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động thì bị xử lý theo quy định tại Điều 10 Nghị định 145/2020/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
4. Câu hỏi liên quan đến nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động
Câu 1: Hiện nay hợp đồng lao động có thể được giao kết bằng hình thức nào?
Tại Điều 14 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về hình thức giao kết hợp đồng lao động như sau:
“Điều 14. Hình thức hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.”
Như vậy, hợp đồng lao động có thể được giao kết thông qua một trong ba hình thức sau đây:
-
Hợp đồng lao động bằng văn bản.
-
Hợp đồng lao động điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu.
-
Được giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói áp dụng đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng.
Trừ các trường hợp sau đây bắt buộc phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản dù hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng:
-
Giao kết hợp đồng lao động với nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên thông qua một người lao động trong nhóm được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động để làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
-
Giao kết hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi.
-
Giao kết hợp đồng lao động với lao động là người giúp việc gia đình.
Câu 2: Người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình giao kết hợp đồng lao động hay không?
Theo quy định tại khoản 1, Điều 18 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động được trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Đặc biệt, tại khoản 4, Điều 18 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định:
“Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;
c) Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
d) Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động”.
Trong trường hợp này, người lao động đã từ đủ 15 tuổi trở lên nên được xác định là người chưa thành niên theo quy định tại khoản 1, Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 và thuộc trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi giao kết hợp đồng lao động. Do vậy, người lao động đã từ đủ 15 tuổi trở lên sẽ được trực tiếp giao kết hợp đồng lao động khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật (theo khoản 1, Điều 136 Bộ luật Dân sự năm 2015, người đại diện theo pháp luật của cá nhân được quy định là: “Cha, mẹ đối với con chưa thành niên”).
Bài viết liên quan:
-
Cưỡng bức lao động là hành vi như thế nào, bị xử phạt ra sao?
-
Người sử dụng lao động có được chấm dứt hợp đồng lao động với người tham gia đình công không?
Mọi thắc mắc liên quan đến “Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động hiện nay được pháp luật quy định như thế nào?”, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6178 để được hỗ trợ tư vấn.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.
Chuyên viên: Vũ Phương Anh
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: [email protected]