Doanh nghiệp thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động có thể bị xử phạt thế nào?

Thứ 3 , 26/11/2024, 10:17


Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động để tuyển dụng lao động theo nhu cầu của người sử dụng lao động. Vậy doanh nghiệp có được phép thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động hay không? Doanh nghiệp thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động bị xử phạt thế nào? Cùng Luật Toàn Quốc tìm hiểu qua bài viết dưới đây.  

1. Doanh nghiệp có được phép thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động hay không?

     Căn cứ Điều 11 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như sau:

Điều 11. Tuyển dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động để tuyển dụng lao động theo nhu cầu của người sử dụng lao động.

2. Người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động.

     Theo quy định trên, lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không được phép thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động. Hành vi trên là hành vi vi phạm pháp luật về lao động và có thể bị xử phạt theo quy định.

2. Doanh nghiệp thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động bị xử phạt thế nào?

     Căn cứ khoản 1, khoản 4 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp có hành vi thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động có thể bị xử phạt như sau:

Điều 8. Vi phạm về tuyển dụng, quản lý lao động

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:

a) Không khai trình việc sử dụng lao động theo quy định;

b) Thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động;

c) Không thể hiện, nhập đầy đủ thông tin về người lao động vào sổ quản lý lao động kể từ ngày người lao động bắt đầu làm việc;

d) Không xuất trình sổ quản lý lao động khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc người sử dụng lao động trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

     Cùng với đó, khoản 1 Điều 6 Nghị định này cũng quy định mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân.

     Như vậy, doanh nghiệp có hành vi thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động có thể bị phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn bị buộc trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu.

3. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động.

     Theo quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các cá nhân, tổ chức sau đây có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động:

  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân, bao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
  • Thanh tra lao động, bao gồm: Thanh tra viên lao động, người được giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng đoàn thanh tra lao động cấp Sở, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Trưởng đoàn thanh tra lao động cấp Bộ.
  • Cảnh sát biển: Cảnh sát viên Cảnh sát biển đang thi hành công vụ, Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển, Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển, Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển, Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển; Đoàn trưởng Đoàn trinh sát, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.

4. Hỏi đáp về doanh nghiệp thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động.

Câu hỏi 1. Hành vi nào của người sử dụng lao động được xác định là vi phạm về tuyển dụng, quản lý lao động?

     Căn cứ Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hành vi của người sử dụng lao động được xác định là vi phạm về tuyển dụng, quản lý lao động gồm:

  • Không khai trình việc sử dụng lao động theo quy định;
  • Thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động;
  • Không thể hiện, nhập đầy đủ thông tin về người lao động vào sổ quản lý lao động kể từ ngày người lao động bắt đầu làm việc;
  • Không xuất trình sổ quản lý lao động khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
  • Phân biệt đối xử trong lao động trừ các hành vi phân biệt đối xử quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13, khoản 2 Điều 23, khoản 1 Điều 36 và khoản 2 Điều 37 Nghị định này;
  • Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;
  • Không báo cáo tình hình thay đổi về lao động theo quy định;
  • Không lập sổ quản lý lao động hoặc lập sổ quản lý lao động không đúng thời hạn hoặc không đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định pháp luật.
  • Lôi kéo; dụ dỗ; hứa hẹn; quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích bóc lột, cưỡng bức lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Câu hỏi 2. Trách nhiệm quản lý lao động của người sử dụng lao động được quy định thế nào?

     Căn cứ Điều 12 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về trách nhiệm quản lý lao động của người sử dụng lao động như sau:

Điều 12. Trách nhiệm quản lý lao động của người sử dụng lao động

1. Lập, cập nhật, quản lý, sử dụng sổ quản lý lao động bằng bản giấy hoặc bản điện tử và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

2. Khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Bài viết liên quan:

     Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề “Doanh nghiệp thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động có thể bị xử phạt thế nào”, quý khách hàng xin vui lòng liên hệ với số điện thoại 1900 6178 để được các luật sư của chúng tôi hỗ trợ hiệu quả nhất.

Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Minh Khuê


 

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]