Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm trong hợp đồng thì có bị phạt không?
Thứ 3 , 26/11/2024, 10:17
1. Hợp đồng lao động là gì?
Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động được nêu ra như sau:
“Điều 13. Hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động”.
Theo đó, hợp đồng lao động chính là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Tại Bộ luật này, lần lượt tại khoản 1 và 2 Điều 3 cũng có quy định rõ về hai đối tượng chính tham gia hợp đồng lao động, đó là người lao động và người sử dụng lao động:
“Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật này”.
“Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”.
Đồng thời, Bộ luật Lao động năm 2019 cũng có sự quy định cụ thể và chi tiết về quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia vào quan hệ lao động.
2. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động được pháp luật quy định ra sao?
Tại điểm c, khoản 1, Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019 đã có sự quy định rõ đối với việc trong nội dung hợp đồng cần phải có sự đề cập tới nội dung về công việc và địa điểm làm việc.
Theo đó, trong điểm b, khoản 3, Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về nội dung của hợp đồng lao động, hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con cũng đã có những quy định về ghi địa điểm làm việc trong hợp đồng lao động như sau:
“b) Địa điểm làm việc của người lao động: địa điểm, phạm vi người lao động làm công việc theo thỏa thuận; trường hợp người lao động làm việc có tính chất thường xuyên ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi đầy đủ các địa điểm đó”.
Ngoài ra, tại Bộ luật này cũng quy định về việc thực hiện công việc theo hợp đồng. Theo Điều 28, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về việc người lao động đã giao kết hợp đồng phải thực hiện công việc theo hợp đồng lao động. Địa điểm làm việc cũng sẽ được thực hiện theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Từ đây, theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động năm 2019, việc chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động được pháp luật quy định như sau:
“Điều 29. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động
1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.
Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
3. Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
4. Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 của Bộ luật này”.
Như vậy, địa điểm làm việc phải được thực hiện theo đúng như địa điểm được quy định trong hợp đồng lao động. Tuy nhiên, địa điểm làm việc có thể được thay đổi. Bởi trường hợp thay đổi công việc theo quy nêu trên có thể dẫn đến việc thay đổi địa điểm làm việc để phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh, hoạt động dịch vụ của công ty. Đối với trường hợp người sử dụng lao động có sự bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm trong hợp đồng thì người lao động cần phải căn cứ vào việc:
Thứ nhất, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm trong các trường hợp:
-
Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước.
-
Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
Thứ hai, người sử dụng lao động được quyền chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm khi người lao động đồng ý bằng văn bản.
Đặc biệt, khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động. Do vậy, khi người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận khác hoặc thuộc vào trường hợp được chuyển công việc quy định trên thì người sử dụng lao động mới có thể chuyển người lao động làm việc ở địa điểm khác
3. Việc tự ý bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm trong hợp đồng sẽ bị xử lý như thế nào?
Việc tự ý bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm trong hợp đồng được coi là một trong những hành vi vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động. Chi tiết về các biện pháp xử lý đối với hành vi này, tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã nêu rõ:
Thứ nhất, áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính, với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi:
-
Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Lao động.
-
Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
-
Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do; thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc bị xử phạt hành chính theo quy định trên, người sử dụng lao động còn buộc phải bố trí người lao động làm việc tại đúng địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Mức xử phạt hành chính nêu trên chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức xử phạt hành chính gấp 02 lần so với cá nhân.
Thứ hai, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Khi buộc người sử dụng lao động bố trí người lao động làm việc ở địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động khi có hành vi vi phạm quy định về bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động (trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Lao động năm 2019).
4. Câu hỏi liên quan
Câu 1: Người lao động khi được chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động thì có được trả lương theo công việc mới hay không?
Theo quy định tại khoản 3, Điều 29 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động có được trả lương theo công việc mới. Tại đây, Bộ luật này còn quy định rõ về việc nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì người lao động được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Và đồng thời, tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu của người lao động.
Câu 2. Trường hợp công ty gặp khó khăn đột xuất do hỏa hoạn, dẫn tới việc phải bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì có bị xử phạt hay không?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 29 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về việc chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động như sau:
“Điều 29. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động
1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản”.
Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động. Do vậy, người lao động sẽ được chuyển sang làm việc tại địa điểm khác với thỏa thuận trong hợp đồng lao động trong các trường hợp như gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Nên đối với trường hợp công ty gặp khó khăn đột xuất do hỏa hoạn, dẫn tới việc phải bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì sẽ hoàn toàn không bị xử phạt.
Bài viết liên quan:
-
Như thế nào là Phân biệt đối xử trong lao động
-
Thời gian thử việc có được tính hưởng trợ cấp thôi việc không?
Mọi thắc mắc liên quan đến việc “Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm trong hợp đồng bị phạt không?”, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6178 để được hỗ trợ tư vấn.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.
Chuyên viên: Vũ Phương Anh
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: [email protected]