Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi kết thúc thời gian thử việc là gì?

Thứ 6 , 22/11/2024, 10:38


Giai đoạn thử việc là rất cần thiết khi người lao động ứng tuyển vào bất cứ vị trí nào của một công ty mới. Tuy nhiên, đôi khi người sử dụng lao động lợi dụng sự thiếu kiến thức pháp luật về thử việc của người lao động, mà không thực hiện trách nhiệm của mình sau khi thời gian thử việc kết thúc. Vậy trách nhiệm của người sử dụng lao động khi kết thúc thời gian thử việc là gì

1. Thử việc là gì?

     Thử việc là một giai đoạn trong quá trình tuyển dụng mà một công ty cung cấp cho một ứng viên mới một thời gian hạn chế để làm việc trong công việc mà họ đang ứng tuyển.

     Mục đích của thử việc là cho phép cả ứng viên và nhà tuyển dụng có cơ hội làm việc với nhau trong một thời gian ngắn để kiểm tra xem liệu họ phù hợp với nhau hay không. Trong thời gian thử việc, ứng viên có cơ hội hiểu rõ hơn về công việc, môi trường làm việc và những yêu cầu công việc cụ thể. Từ phía nhà tuyển dụng, thử việc giúp họ đánh giá năng lực và mức độ phù hợp của ứng viên với vị trí ứng tuyển và môi trường làm việc.

2. Khi nào được coi là kết thúc thời gian thử việc?

     Nội dung về thử việc thường sẽ được điều chỉnh bởi hợp đồng, trong đó sẽ bao gồm cả thời gian kết thúc thử việc. 

     Theo quy định của pháp luật, thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc. người lao động chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và thời gian thử việc của người lao động được quy định tại Điều 25 Bộ luật Lao động, cụ thể: 

Điều 25. Thời gian thử việc

Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

     Như vậy, kết thúc thời gian thử việc tức là hết thời gian thử việc hai bên thỏa thuận trong hợp đồng.

3. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi kết thúc thời gian thử việc là gì?

     Căn cứ Điều 27 Bộ luật Lao động 2019, sau khi kết thúc thời gian thử việc, trách nhiệm của người sử dụng lao động được quy định như sau:

Điều 27. Kết thúc thời gian thử việc
1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

     Theo đó, khi hết thời gian thử việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo kết quả thử việc cho nhân viên. Pháp luật không đặt ra yêu cầu cụ thể về hình thức của thông báo này.

     Vì vậy người sử dụng lao động chỉ cần đảm bảo việc thông báo kết quả thử việc cho người lao động, không bắt buộc phải bằng hình thức văn bản. Tùy thuộc vào quy chế làm việc của công ty mà sẽ có cách thức thông báo kết quả thử việc tới nhân viên phù hợp: thông báo trực tiếp, thông báo bằng văn bản,.... Nếu người sử dụng lao động không làm đúng như trách nhiệm thông báo thì sẽ bị xử phạt hành chính.

4. Hỏi đáp về Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi kết thúc thời gian thử việc

Câu hỏi 1. Mức xử phạt hành chính khi người sử dụng lao động không thông báo cho người lao động về kết quả thử việc là bao nhiêu?

     Căn cứ Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định thử việc như sau:

Điều 10. Vi phạm quy định về thử việc
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng;
b) Không thông báo kết quả thử việc cho người lao động theo quy định.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;
b) Thử việc quá thời gian quy định;
c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;
d) Không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp hai bên có giao kết hợp đồng thử việc.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a, b, c khoản 2 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.

     Như vậy, nếu người sử dụng lao động không thông báo kết quả thử việc cho người lao động sau khi hết thời gian thử việc thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Nếu người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt sẽ gấp đôi, từ là 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Câu hỏi 2. Người sử dụng lao động cần thanh toán lương và các khoản phụ cấp cho ứng viên trong suốt giai đoạn thử việc không?

     Theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Điều 26. Tiền lương thử việc
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.


     Tiền lương ở đây được hiểu là bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Như vậy, thử việc được hưởng tiền lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động, trong đó có cả phụ cấp, và người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán những khoản tiền này cho người lao động trong suốt thời gian thử việc.

Bài viết tham khảo:

     Để được tư vấn thêm những thông tin cần thiết về Đăng ký xe khi chưa nộp phạt vi phạm giao thông, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến số điện thoại: 19006178 để được hỗ trợ nhanh nhất!
     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Trần Bảo Ngọc

 

 

 

 

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]