Những hành vi nào được xác định là quấy rối tình dục tại nơi làm việc?
Thứ 2 , 25/11/2024, 15:06
1. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là gì?
Theo nội dung giải thích từ ngữ tại khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 thì Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Theo điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có định nghĩa nơi làm việc là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.
Như vậy, nếu người lao động có hành vi liên quan đến tình dục tại những địa điểm trên, thì được coi là có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
2. Những hành vi nào được xác định là quấy rối tình dục tại nơi làm việc?
Căn cứ vào Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về những hành vi được xem là quấy rối tình dục tại nơi làm việc như sau:
Điều 84. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc
1. Quấy rối tình dục quy định tại khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.
2. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:
a) Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;
b) Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;
c) Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
Như vậy, quấy rối tình dục có thể là những hành động không hướng tới hoặc không rõ ràng hướng tới hành vi giao cấu, quấy rối tình dục còn gồm cả các hành vi mang bản chất tình dục bằng lời nói và không bằng lời nói. Các hành vi làm đồng nghiệp cảm thấy không thoải mái bằng cách tán tỉnh, trêu ghẹo bằng những từ ngữ nhạy cảm về tình dục, trưng bày hình ảnh kích thích tình dục, ôm hôn, quấn vai, áp sát, nhắn tin qua điện thoại, gửi tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật phẩm, tiếp xúc với cơ thể một cách không phù hợp... liên quan đến tình dục; đề nghị hoặc ép buộc quan hệ tình dục... Hoặc, đề nghị, yêu cầu, gợi ý thay đổi quan hệ tình dục để đạt được sự ưu ái trong công việc, lương bổng và phần thưởng.
Hành vi quấy rối tình dục được biểu hiện dưới nhiều hình thức, có những người cho rằng quấy rối tình dục phải là động chạm vào cơ thể mới được coi là quấy rối. Tuy nhiên, căn cứ theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP ở trên, chỉ cần là có lời nói hàm ý tình dục thì đã có thể bị tố cáo vì quấy rối tình dục.
3. Khi bị quấy rối tình dục, người lao động có thể tố cáo lên đâu?
Tại điều 86 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP đã quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
1. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ:
a) Thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc
b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho người lao động;
c) Khi xuất hiện khiếu nại, tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn, xử lý và có biện pháp bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.
Người sử dụng lao động có nghĩa vụ xử lý đơn tố cáo, kiếu nại về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Vậy nên, khi người lao động gặp phải tình huống bị quấy rối tình dục, có thể viết đơn khiếu nại để gửi lên cấp trên của mình. Người sử dụng lao động có quyền xử lý kỷ luật đối với người lao động có hành vi quấy rối tình dục, trong đó nặng nhất là sa thải.
4. Hỏi đáp về Những hành vi nào được xác định là quấy rối tại nơi làm việc?
Câu hỏi 1. Người lao động bị quấy rối tình dục có được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không?
Theo quy định của điểm d, khoản, 2 Điều 35 của Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động nếu bị quấy rối tình dục thì có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước.
Câu hỏi 2. Hành vi quấy rối tình dục có thể bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa nghiêm trọng đến mức bị xử lý hình sự, thì có thể bị phạt tiền từ 15 đến 30 triệu đồng.
Bài viết liên quan:
- Thực hiện hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị xử lý như thế nào
- Được sa thải người lao động có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc không?
- Pháp luật quy định như thế nào về tội gây rối trật tự công cộng?
Để được tư vấn chi tiết về quy định về Những hành vi được xác định là quấy rối tại nơi làm việc, khách hàng xin vui lòng liên hệ đến tổng đài 19006178 để được hỗ trợ.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!
Chuyên viên: Trần Bảo Ngọc
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: [email protected]