Thực hiện hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị xử lý như thế nào
Thứ 7 , 09/11/2024, 09:12
Câu hỏi của bạn:
Xin chào luật sư! Hiện nay, tôi là nhân viên nữ đang làm việc tại một công ty. Trong quá trình làm việc, tôi thường xuyên phải gặp mặt riêng với quản lý của tôi và những lần như thế, người quản lý luôn có những hành vi không đúng mực, xàm xỡ tôi. Luật sư có thể tư vấn cho tôi về trường hợp quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị xử lý như thế nào. Tôi xin chân thành cảm ơn !
Câu trả lời của luật sư:
Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị xử lý như thế nào, chúng tôi xin cung cấp thông tin tư vấn về vấn đề này như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động 2019
- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động
- Nghị định 12/202/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
- Bộ luật Hình sự năm 2015
1. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là gì?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 thì:
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn; hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận; hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Trong đó:
- Quấy rối tình dục: có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi; nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất; tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.
- Nơi làm việc: là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.
2. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi bị cấm
Điều 8 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động như sau:
1. Phân biệt đối xử trong lao động;
2. Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động;
3. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
4. Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật….
Quấy rối tình dục là hành vi bị nghiêm cấm tại nơi làm việc. Cơ quan, doanh nghiệp cần quy định về vấn đề quấy rối tình dục tại Nội quy lao động về các nội dung: Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Đây là trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
3. Trách nhiệm phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc của Người sử dụng lao động
Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 và điểm d khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một nội dung bắt buộc trong nội quy lao động của doanh nghiệp.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng quy định về phòng, chống quấy rối tình dục trong nội quy lao động hoặc bằng phụ lục ban hành kèm theo nội quy lao động, bao gồm các nội dung cơ bản sau:
a) Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
b) Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc;
c) Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan;
d) Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;
đ) Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.
Các quy định của người sử dụng lao động về khiếu nại, tố cáo về quấy rối tình dục và xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục phải bảo đảm các nguyên tắc: nhanh chóng, kịp thời; bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.
Người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho người lao động. Khi xuất hiện khiếu nại, tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn, xử lý và có biện pháp bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.
Người lao động có nghĩa vụ thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; tham gia xây dựng môi trường làm việc không có quấy rối tình dục; ngăn cản, tố cáo hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có trách nhiệm:
a) Tham gia xây dựng, thực hiện, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
b) Cung cấp thông tin, tư vấn và đại diện cho người lao động bị quấy rối tình dục, người lao động đang bị khiếu nại, bị tố cáo có hành vi quấy rối tình dục;
c) Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Khuyến khích người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở lựa chọn nội dung về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc để tiến hành thương lượng tập thể.
4. Thực hiện hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ bị xử lý như thế nào?
Hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc bị xử lý bằng các hình thức sau:
4.1 Xử lý kỷ luật lao động
Cơ quan, doanh nghiệp có trách nhiệm quy định chi tiết hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Theo đó, người lao động có hành vi vi phạm được ghi nhận trong Nội quy lao động sẽ bị xử lý kỷ luật lao động tương ứng. Doanh nghiệp được quy định, áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động cao nhất là sa thải với người lao động có hành vi quấy rối tình dục.
Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 125 Bộ luật lao động năm 2019:
Điều 125. Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:
…2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động.
Như vậy, người lao động thực hiện hành vi quấy rối tình dục trong phạm vi nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động có thể sẽ bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.
4.2 Xử phạt vi phạm hành chính
Tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, trong trường hợp người lao động có hành vi quấy rối tính dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
4.3 Truy cứu trách nhiệm hình sự
Tùy vào mức độ hành vi thỏa mãn các quy định được mô tả trong điều luật nào thì tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng như sau:
Tội hiếp dâm được quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 2015 cụ thể:
Điều 141. Tội hiếp dâm
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm…
Tội cưỡng dâm được quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể:
Điều 143. Tội cưỡng dâm
1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, tùy thuộc vào mô tả của hành vi, mức độ nghiêm trọng của hành vi, người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, phạt hành chính, nghiêm trọng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.
5. Hỏi đáp về quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị xử lý như thế nào:
Câu hỏi 1: Quấy rối tình dục gồm những hình thức nào?
Quấy rối tình dục có thể được thể hiện dưới các hình thức như sau:
- Hành vi quấy rối thể chất: tiếp xúc, cố tình đụng chạm sờ mó, cấu véo thậm chí tấn công tình dục, cưỡng dâm…
- Hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói: nhận xét không phù hợp, viện dẫn, ngụ ý về tình dục, đề nghị, yêu cầu không được mong muốn một cách liên tục; gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc;
- Hành vi quấy rối phi lời nói: ngôn ngữ cơ thể không đúng đắn, nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm
Câu hỏi 2: Người lao động có thể làm gì khi bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc?
Người lao động khi bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể:
- Khiếu nại tới cấp trên
Người lao động bị quấy rối tình dục nơi làm việc có thể khiếu nại về hành vi quấy rối lên cấp trên hoặc người có thẩm quyền giải quyết vấn đề này trong công ty.
Hình thức khiếu nại có thể là trao đổi trực tiếp hoặc viết đơn, gửi mail. Theo khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 thì người có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.
- Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Theo điểm d khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà không cần phải báo trước cho người sử dụng lao động.
Như vậy; nếu người lao động không muốn tiếp tục làm tại công ty mà muốn thay đổi môi trường làm việc lành mạnh hơn thì có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; và không có nghĩa vụ phải báo trước một thời hạn cho công ty. Khi đó; người lao động vẫn sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật.
Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị xử lý như thế nào:
Tư vấn qua Tổng đài 1900 6178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị xử lý như thế nào và các vấn đề khác liên quan. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.
Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi câu hỏi về quấy rối tính dục tại nơi làm việc bị xử lý như thế nào tới địa chỉ: [email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.
Chuyên viên: Nga Đinh
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: [email protected]