Mang thai hộ vì mục đích thương mại có bị xử phạt không?
Thứ 4 , 03/07/2024, 08:17
1. Thế nào là mang thai hộ?
Căn cứ khoản 22 và 23 điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, các hình thức của việc mang thai hộ được giải thích như sau:
Mang thai hộ là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đố cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
Trong đó mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một nguời phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích nào khác.
2. Mang thai hộ có hợp pháp hay không?
Việc mang thai hộ vì mục đích thương mại được coi là một hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, vì trên thực tế có rất nhiều trường hợp vợ chồng không thể tự mang thai do vô sinh.
Để thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ phải đáp ứng một số điều kiện của điều 95 luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện dựa trên sự đồng ý và tự nguyện của cả hai bên được lập thành văn bản.
3. Mang thai hộ vì mục đích thương mại có bị xử phạt không?
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại có điểm chung là đều mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, mục đích là khác nhau, mang thai hộ vì mục đích thương mại là nhằm hưởng một lợi ích nào đó về tiền hay vật chất,… còn mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chỉ nhằm giúp đỡ cặp vợ chồng không thể có con được làm cha mẹ. Chính vì vậy, pháp luật nghiêm cấm hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điểm g, khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Cụ thể, Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về sinh con như sau:
Điều 60. Hành vi vi phạm quy định về sinh con
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, người nào mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và sẽ phải nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi này.
4. Chuyên mục hỏi đáp
Câu 1: Người được nhờ mang thai hộ cần phải đáp ứng điều kiện gì để được mang thai hộ?
Căn cứ khoản 3 điều 95 Luật hôn nhân và gia đình 2014 người được nhờ mang thai hộ phải đáp ứng điều kiện sau:
-
Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
-
Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
-
Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
-
Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
-
Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Câu 2: Hồ sơ đề nghị thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo gồm những gì?
Khoản 1, Điều 14 Nghị định 10/2015/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo gồm:
-
Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo Mẫu số 04 Nghị định 10/2015/NĐ-CP;
-
Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Mẫu số 05 Nghị định 10/2015/NĐ-CP;
-
Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào;
-
Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận;
-
Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
-
Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi và đã từng sinh con;
-
Bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này;
-
Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ.
-
Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa;
-
Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên;
-
Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý;
-
Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo quy định tại Mẫu số 06 Nghị định 10/2015/NĐ-CP.
Các bài viết liên quan
-
Quy định về mang thai hộ theo quy định pháp luật hiện nay
-
Quyền nghĩa vụ của bên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo pháp luật hiện hành
Để được tư vấn thêm những thông tin cần thiết về mang thai hộ vì mục đích thương mại có bị xử phạt không quý khách hàng vui lòng liên hệ đến số điện thoại: 19006178 để được hỗ trợ nhanh nhất! Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!
Chuyên viên: Nguyễn Văn Khánh
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: [email protected]