Quy định về mang thai hộ theo quy định pháp luật hiện nay

Thứ 3 , 21/06/2022, 10:27


Mang thai hộ theo pháp luật hiện hành được quy định như thế nào? Quyền và nghĩa vụ của người mang thai hộ được quy định như thế nào?

 Câu hỏi của bạn:

   Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi muốn nhờ Luật sư tư vấn giúp như sau: mang thai hộ thì cần phải đáp ứng những điều kiện gì? Tôi xin cảm ơn!

Trả lời của Luật sư:

    Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về quy định về mang thai hộ cho chúng tôi, chúng tôi xin đưa ra quan điểm như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Luật hôn nhân gia đình 2014;

  • Bộ luật hình sự 2015;

  • Nghị định 10/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 98/2016/NĐ-CP;
  • Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã;

​​Nội dung tư vấn:

1. Mang thai hộ là gì?

   Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

    Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

    Hiện nay, pháp luật chỉ công nhận việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và nghiêm cấm mọi hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại. 

2. Điều kiện đối với các bên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

2.1 Điều kiện đối với bên nhờ mang thai hộ 

    Để được nhờ người khác mang thai hộ thì bên nhờ mang thai hộ cần phải đáp ứng các điều kiện theo khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau:

  •  Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
  •  Vợ chồng đang không có con chung;
  •  Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

- Nội dung tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý cho vợ chồng nhờ người mang thai hộ được quy định rõ tại Điều 13, 14, 15, 16, 17, 18 Nghị định 10/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 98/2016/NĐ-CP cụ thể như sau:

   Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 10/2015/NĐ-CP, vợ chồng nhờ mang thai hộ cần được tư vấn về y tế với những nội dung sau:

+ Các phương án khác ngoài việc mang thai hộ hoặc xin con nuôi;

+ Quá trình thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ;

+ Các khó khăn khi thực hiện mang thai hộ…

    Theo Điều 16 Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về vợ chồng nhờ mang thai hộ được tư vấn về pháp lý với các nội dung như:

Điều 16. Nội dung tư vấn về pháp lý

1. Xác định cha mẹ con trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình.

2. Quyền, nghĩa vụ của người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 97 Luật Hôn nhân và gia đình.

3. Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 98 Luật Hôn nhân và gia đình.

4. Các nội dung khác có liên quan.

     Xác định cha mẹ con trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; quyền, nghĩa vụ của người mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Luật hôn nhân và gia đình 2014.

     Bên cạnh đó, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ cần được tư vấn về tâm lý như: Các vấn đề về tâm lý trước mắt và lâu dài của việc nhờ mang thai hộ, người thân và bản thân đứa trẻ sau này; người mang thai hộ có thể có ý định muốn giữ đứa bé sau sinh; tâm lý, tình cảm khi nhờ người mang thai và sinh con,…

2.2 Điều kiện đối với bên được nhờ mang thai hộ 

    Theo khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau:

  •  Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;

  •  Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;

  •  Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;

  •  Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;

  •  Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Lưu ý:

    Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.

    Đồng thời việc mang thai hộ chỉ được thực hiện tại một số cơ sở khám chữa bệnh nhất định theo Điều 13 Nghị định 10/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 98/2016/NĐ-CP, cơ sở khám chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kể từ ngày được Bộ Y tế cho phép;

- Tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1.000 chu kỳ mỗi năm trong 02 năm.

3. Quyền và nghĩa vụ đối với các bên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

3.1 Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ

    Theo Điều 98 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:

-  Bên nhờ mang thai hộ có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế.

- Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra. Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

- Bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật này và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan; nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết thì con được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật đối với di sản của bên nhờ mang thai hộ.

- Giữa con sinh ra từ việc mang thai hộ với các thành viên khác của gia đình bên nhờ mang thai hộ có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và luật khác có liên quan.

- Trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con.

3.2 Quyền, nghĩa vụ của bên mang thai hộ 

     Theo Điều 97 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của bên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:

- Người mang thai hộ, chồng của người mang thai hộ có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ; phải giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ.

- Người mang thai hộ phải tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường, dị tật của bào thai theo quy định của Bộ Y tế.

- Người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày. Việc sinh con do mang thai hộ không tính vào số con theo chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

- Bên mang thai hộ có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Trong trường hợp vì lý do tính mạng, sức khỏe của mình hoặc sự phát triển của thai nhi, người mang thai hộ có quyền quyết định về số lượng bào thai, việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai phù hợp với quy định của pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

- Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con.

4. Hỏi đáp quy định về mang thai hộ như sau:

Câu hỏi 1: Luật sư cho tôi hỏi: Xác định cha mẹ cho con khi nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được xác định như thế nào? Tôi cảm ơn!

     Căn cứ theo quy định tại điều 94 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 thì việc xác định cha mẹ cho con trong trường hợp mang thai hộ là trường hợp con sinh ra do mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.

Câu hỏi 2: Luật sư cho tôi hỏi: mang thai hộ vì mục đích thương mại thì bị xử phạt như thế nào? Tôi cảm ơn!

   Hiện nay theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nghiêm cấm các bên tiến hành thực hiện mang thai hộ vì mục đích thương mại. Theo đó nếu các bên có hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại thì bị xử phạt như sau:

     Theo Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định về hành vi vi phạm quy định về sinh con như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Lưu ý:  Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân theo khoản 4 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

     Bên cạnh đó còn có thể bị xử lý hình sự với người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại tại Điều 187 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể như sau:

1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

     Như vậy, tùy từng đối tượng vi phạm thì mức phạt hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ khác nhau. Thậm chí, người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù đến 05 năm.

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về quy định về mang thai hộ như sau:

Tư vấn qua Tổng đài 19006178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về quy định về mang thai hộ,..Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về địa chỉ: lienheluattoanquoc.vn@gmail.com chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

Tư vấn trực tiếp: Nếu bạn sắp xếp được công việc và thời gian bạn có thể đến trực tiếp Công ty Luật Toàn Quốc để được tư vấn về quy định về mang thai hộ theo quy định pháp luật hiện nay. Lưu ý trước khi đến bạn nên gửi câu hỏi, tài liệu kèm theo và gọi điện đặt lịch hẹn tư vấn trước để Luật Toàn Quốc sắp xếp Luật Sư tư vấn cho bạn, khi đi bạn nhớ mang theo hồ sơ.

Luật Toàn Quốc  xin chân thành cảm ơn./.

Chuyên viên: Nguyễn Huệ

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com