Tên gọi giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của một số quốc gia

Thứ 3 , 23/07/2024, 10:30


Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là một trong những giấy tờ quan trọng trong nhiều thủ tục pháp lý khác nhau, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của công dân không thể không có trong thành phần hồ sơ (như là đăng ký kết hôn, mua bán đất đai, đi lao động nước ngoài…). Mỗi quốc gia lại có những quy định khác nhau về Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Cùng Luật Toàn Quốc tìm hiểu một số tên gọi giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của một số quốc gia qua bài viết dưới đây

1. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là gì?

     Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là giấy tờ do cơ quan quản lý hộ tịch cấp nhằm xác định tình trạng của một cá nhân thuộc tình trạng độc thân hay không (chưa kết hôn lần nào, đã kết hôn hoặc kết hôn nhưng đã ly hôn, vợ hoặc chồng đã chết..). Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là một trong những giấy tờ quan trọng cần phải có trong nhiều thủ tục pháp lý khác nhau.

2. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân dùng để làm gì?

     Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được sử dụng để kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài. 

     Ngoài ra giấy xác nhận tình trạng hôn nhân còn được sử dụng trong các giao dịch mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán xe,... để chứng minh quan hệ tài sản. Theo đó, để xác định tài sản thuộc sở hữu chung hình thành trong thời kỳ hôn nhân hay sở hữu riêng, thì cơ quan nhà nước sẽ yêu cầu cung cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Cùng với đó, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân còn nhằm mục đích xác định nghĩa vụ trả nợ. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không có giá trị khi sử dụng vào mục đích khác với mục đích ghi trong Giấy xác nhận.

3. Tên gọi giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của một số quốc gia

     Theo Danh mục giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân (Kèm theo Công văn số 840/HTQTCT-HT ngày 13 tháng 8 năm 2019 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực), các giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của một số quốc gia sử dụng để làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam gồm:

  • Liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Alien: Bản tuyên thệ/Bản khai về tình trạng hôn nhân (Được chứng thực bởi Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán Anh tại Việt Nam hoặc Công chứng viên tại Anh, cung cấp thông tin về tình trạng hôn nhân và việc đương sự đủ điều kiện kết hôn)

  • Cộng hòa Áo: Giấy chứng nhận đủ điều kiện kết hôn (Ehefähigkeitszeugnis)

  • Australia: Giấy xác nhận/Công hàm không cản trở hôn nhân (Do Bộ Ngoại giao và thương mại/Đại sứ quán/Tổng Lãnh sự quán Úc cấp cho công dân Úc hoặc người nước ngoài cư trú tại Úc)

  • Ấn Độ: Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân (Do Tòa án cấp quận của Ấn Độ cấp, trường hợp công dân Ấn Độ cư trú ở nước ngoài thì cơ quan đại diện ngoại giao của Ấn Độ sẽ cấp giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân trên cơ sở Bản tuyên thệ độc thân của công dân Ấn Độ đã được cơ quan tòa án cấp quận ở Ấn Độ xác nhận)

  • Argentina: Giấy tờ có thông tin về tình trạng hôn nhân (Do Đại sứ quán/Lãnh sự quán của Argentina cấp)

  • Vương quốc Bỉ: Giấy chứng nhận không cản trở hôn nhân (Do Đại sứ quán Vương quốc Bỉ tại Việt Nam chứng nhận không có gì cản trở về mặt pháp luật theo luật pháp Bỉ đối với việc kết hôn của công dân Bỉ)

  • Ba Lan: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Thủ trưởng cơ quan dân sự tại Ba Lan cấp. Công dân có thể nhận được cả Giấy xác nhận đủ điều kiện kết hôn do Thủ trưởng cơ quan dân sự/cơ quan lãnh sự của Ba Lan cấp)

  • Belarus: Giấy chứng nhận về tình trạng hôn nhân (Do cơ quan đăng ký hộ tịch/Phòng Lãnh sự - Đại sứ quán CH Belarus cấp)

  • Braxin: Giấy khai sinh (được cấp không quá 6 tháng)/Giấy đăng ký kết hôn và giấy chứng nhận ly hôn/Giấy chứng tử/Thông cáo về tình trạng kết hôn/Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân do phòng đăng ký nơi người yêu cầu đăng ký khai sinh cấp (Thông thường công dân Braxin sẽ nộp Giấy khai sinh có nội dung về tình trạng hôn nhân hoặc Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân do Đại sứ quán/Lãnh sự quán/Cơ quan ngoại giao của Braxin cấp)

  • Canada: Bản tuyên thệ về tình trạng hôn nhân (Tuyên thệ tại Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán Canada tại Việt Nam/Phòng công chứng ở Canada)

  • Colombia: Giấy chứng nhận khai sinh (Do văn phòng đăng ký dân sự/cơ quan đại diện ngoại giao của Colombia cấp)

  • Cuba: Giấy chứng minh tình trạng hôn nhân (Giấy chứng nhận độc thân/giấy chứng nhận hôn nhân/Giấy chứng tử/Giấy chứng nhận ly hôn) (Do cơ quan đăng ký hộ tịch thuộc Bộ Tư pháp cấp)

  • CHLB Đức: Giấy chứng nhận đủ điều kiện kết hôn (Do cơ quan chức năng nơi đăng ký cư trú của công dân Đức cấp cho công dân Đức, kể cả trường hợp công dân Đức thường trú ở nước khác).

  • Đan Mạch: Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân

  • Hàn Quốc: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (Do cơ quan tư pháp địa phương của Hàn Quốc cấp. Trường hợp công dân Hàn Quốc cư trú tại nước ngoài thì do Đại sứ quán/Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc cấp)

  • Hoa Kỳ: Bản tuyên thệ về việc đủ điều kiện kết hôn (Được công chứng bởi viên chức lãnh sự của cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ)

  • Hy Lạp: Giấy phép kết hôn (Adia Gamou) (Do cơ quan có thẩm quyền của thành phố/đô thị, cơ quan đại diện ngoại giao/lãnh sự của Hy Lạp cấp)

  • Indonexia: Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân (Do cơ quan địa phương của Indonexia cấp. Trường hợp công dân Indonexia cư trú ở nước ngoài thì giấy này được chứng nhận bởi Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán/Lãnh sự quán)

  • Italia: Giấy chứng nhận độc thân/tình trạng hôn nhân + Giấy chứng nhận không cản trở hôn nhân (Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân nơi công dân Italia cư trú tại Italia cấp/cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài nơi công dân Italia tạm trú hoặc thường trú cấp; Giấy chứng nhận không cản trở hôn nhân do cơ quan đại diện ngoại giao của Italia cấp)

  • Lào: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân/Giấy xác nhận thông tin về gia đình và cá nhân của người đề nghị kết hôn (Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do bản, xã cấp được Bộ Tư pháp xác nhận, sau đó Bộ Ngoại giao Lào và Cục Lãnh sự sẽ cấp giấy xác nhận thông tin về gia đình và cá nhân của người đề nghị kết hôn)

  • Liên bang Nga: Văn bản đăng ký tình trạng dân sự (Do cơ quan đăng ký về tình trạng dân sự cấp; Cơ quan đại diện ngoại giao của Nga có thể cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kết hôn hoặc chứng thực chữ ký của công dân trong đơn về việc không cản trở kết hôn)

  • Malaysia: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (Do Phòng đăng ký kết hôn và ly hôn - Cục đăng ký quốc gia - Bộ Nội vụ Malaysia cấp cho người không phải tín đồ Hồi giáo)

  • Myanmar: Bản tuyên thệ/cam đoan/Giấy chứng nhận về việc đang sinh sống cùng cha mẹ, được cha mẹ bảo hộ/ giám hộ

  • Cộng hòa Nam Phi: Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân

  • Nhật Bản: Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân (Giấy chứng nhận độc thân của Nhật Bản) (Do Thủ trưởng của thành phố, quận, xã, thôn nơi có hộ khẩu; Thủ trưởng Sở Tư pháp hoặc Sở Tư pháp địa phương; Công sứ hoặc Lãnh sự cấp)

  • Oman: Bản tuyên thệ về tình trạng hôn nhân (Do Vụ Công chứng - Bộ Tư pháp/Đại sứ quán Oman tại Việt Nam chứng nhận)

  • Panama: Giấy chứng minh tình trạng hôn nhân (Do Cục Hộ tịch quốc gia Tòa án bầu cử Panama cấp)

  • Cộng hòa Pháp: Giấy chứng nhận khả năng kết hôn + Giấy chứng nhận độc thân (Do Đại sứ quán/Lãnh sự quán Pháp tại Việt Nam cấp cho công dân Pháp, thông tin về tình trạng hôn nhân và việc đủ điều kiện kết hôn)

  • Phần Lan: Giấy xác nhận không cản trở hôn nhân (Do cơ quan đăng ký tại địa phương cấp; trường hợp công dân Phần Lan cư trú ở nước ngoài thì phải nộp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cấp)

  • Philippines: Giấy xác nhận đủ điều kiện kết hôn + Giấy xác nhận độc thân

  • Peru: Giấy chứng nhận chưa đăng ký kết hôn (Do Cục đăng ký quốc gia về nhân thân và tình trạng hôn nhân cấp. Trường hợp công dân Peru cư trú tại nước ngoài thì có thể nộp Bản tuyên thệ độc thân tại Đại sứ quán/Tổng Lãnh sự quán)

  • Rumani: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và Bản tuyên thệ độc thân (Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan đăng ký hộ tịch cấp; Bản tuyên thệ độc thân trước viên chức lãnh sự của Đại sứ quán Rumani tại Hà Nội)

  • Singapore: Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân (thông qua kết quả tìm kiếm) (Do cơ quan đăng ký kết hôn hoặc cơ quan đăng ký kết hôn hồi giáo cấp)

  • Sudan: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (Do cơ quan Tư pháp/Đại sứ quán cấp)

  • Saudi Arabia (Ả rập Saudi): Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân/được phép kết hôn (Do cơ quan có thẩm quyền của Ả rập Saudi hoặc Đại sứ quán Ả rập Saudi cấp/chứng nhận)

  • CH Séc: Giấy xác nhận không cản trở kết hôn (Do Phòng đăng ký của văn phòng thành phố tại thị trấn/thành phố nơi thường trú cuối cùng của người nộp đơn ở CH Séc; đối với công dân Séc cư trú ở nước ngoài do Phòng đăng ký của Văn phòng Praha 1 cấp)

  • Tây Ban Nha: Giấy chứng nhận còn sống và tình trạng hôn nhân/Tuyên thệ về tình trạng hôn nhân (Do cơ quan đăng ký hộ tịch cấp quận/cơ quan đại diện ngoại giao của Tây Ban Nha cấp)

  • Thái Lan: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (Do Văn phòng Tư pháp các huyện thuộc Bộ Nội Vụ Thái Lan cấp)

  • Thổ Nhĩ Kỳ: Giấy tờ (giấy khai sinh) có thông tin về tình trạng hôn nhân (Do Tổng cục/Cục dân số và các vấn đề công dân thuộc Bộ Nội vụ cung cấp. Sau đó, Đại sứ quán (tại bất kỳ quốc gia nào) trên cơ sở thông tin đó sẽ cấp giấy tờ chứng nhận)

  • Thụy Sĩ: Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân (Do văn phòng hộ tịch nơi cư trú của công dân Thụy Sĩ cư trú tại Thụy Sĩ cấp; văn phòng hộ tịch nơi đăng ký gốc cấp cho công dân Thụy Sĩ cư trú ở nước ngoài)

  • Thụy Điển: Giấy phép kết hôn (Do cơ quan thuế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán và Bộ Ngoại giao Thụy Điển có thẩm quyền cấp Giấy phép kết hôn

  • Trung Quốc (Đài Loan): Giấy chứng nhận/Tuyên thệ độc thân + Công hàm giới thiệu kết hôn (Giấy chứng nhận độc thân do Tòa án địa phương huyện, thành phố cấp; Công hàm giới thiệu kết hôn do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội/TP Hồ Chí Minh cấp)

4. Hỏi đáp về “Tên gọi giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của một số quốc gia”

Câu hỏi 1: Thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

     Theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Trường hợp công dân Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó đăng ký tạm trú cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Câu hỏi 2: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có thời hạn bao lâu?

     Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp.

Bài viết liên quan:

     Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề “Tên gọi giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của một số quốc gia”, quý khách hàng xin vui lòng liên hệ với số điện thoại 1900 6178 để được các luật sư của chúng tôi hỗ trợ hiệu quả nhất.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Minh Khuê

 
Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com