Có bắt buộc ly thân trước khi ly hôn không?

Thứ 4 , 04/09/2024, 10:15


Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng khi cả hai người đang còn sống, do cả hai bên vợ chồng thuận tình và được Tòa án công nhận bằng quyết định công nhận thuận tình ly hôn hoặc chỉ do một bên yêu cầu, được Tòa án đưa ra xét xử và phán quyết bằng một bản án cho ly hôn. Để tìm hiểu chi tiết hơn về việc pháp luật có bắt buộc ly thân trước khi ly hôn hay không, mời bạn theo dõi bài viết dưới đây cùng Luật Toàn Quốc.  

1. Thế nào là ly thân?

     Hiện nay, pháp luật nước ta chưa có bất cứ quy định cụ thể về vấn đề ly thân. Theo đó, dưới góc độ phân tích dựa trên Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, khái niệm “ly thân” có thể được hiểu là tình trạng khi hai vợ chồng quyết định sống riêng, tạm thời không còn chung sống dưới một mái nhà, không tham gia sinh hoạt chung, không giao tiếp… nhưng vẫn duy trì quan hệ hôn nhân hợp pháp. Ly thân không chấm dứt quan hệ hôn nhân theo pháp luật.

     Trên thực tế cho thấy, việc ly hôn có thể giúp các bên có thời gian và không gian để giải quyết các mâu thuẫn, đánh giá lại mối quan hệ và quyết định liệu có tiếp tục hôn nhân hay không. Mặt khác, ly thân cũng có thể là bước chuẩn bị cho việc ly hôn, cho phép các bên thảo luận và giải quyết các vấn đề như phân chia tài sản, quyền nuôi con, và nghĩa vụ tài chính.

     Mặc dù trên thực tế ly thân chưa được pháp luật công nhận nhưng đây là căn cứ để xác định tình trạng hôn nhân giữa vợ và chồng có trầm trọng hay không.

2. Có bắt buộc ly thân trước khi ly hôn không?

     Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hiện không có quy định bắt buộc phải ly thân trước khi ly hôn. Cụ thể, theo quy định tại khoản 14, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

“Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.

      Cũng theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

     Theo đó, việc ly thân không phải là điều kiện bắt buộc trước khi ly hôn theo pháp luật Việt Nam. Các bên có thể trực tiếp thực hiện thủ tục ly hôn mà không cần phải trải qua giai đoạn ly thân. Tuy nhiên, ly thân có thể giúp các bên chuẩn bị tốt hơn cho việc ly hôn bằng cách giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, quyền nuôi con, và nghĩa vụ tài chính.

Có bắt buộc ly thân trước khi ly hôn không?

3. Ly thân có phải là căn cứ để yêu cầu giải quyết ly hôn không?

     Ly thân là tình trạng hai vợ chồng sống riêng và không còn duy trì mối quan hệ vợ chồng như trước đây, nhưng về mặt pháp lý, họ vẫn là vợ chồng vì chưa có quyết định ly hôn của Tòa án. Tại Việt Nam, ly thân không được quy định cụ thể trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, và cũng không phải là một căn cứ pháp lý độc lập để yêu cầu giải quyết ly hôn.

     Căn cứ pháp lý để yêu cầu giải quyết ly hôn chính là tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, để yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn, cần chứng minh rằng hôn nhân hiện đã:

  • Trong tình trạng hôn nhân trầm trọng: Mâu thuẫn giữa vợ chồng đã ở mức độ nghiêm trọng, kéo dài, không thể hòa giải được, chẳng hạn như có sự hành hạ, bạo lực gia đình, hoặc một trong hai người không thực hiện nghĩa vụ vợ chồng.

  • Đời sống chung không thể kéo dài: Quan hệ vợ chồng không còn khả năng hồi phục, tiếp tục sống chung sẽ gây ra các hậu quả xấu hơn, như ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, hoặc hạnh phúc của các bên.

  • Mục đích hôn nhân không đạt được: Cuộc sống chung không mang lại hạnh phúc, con cái không được chăm sóc, giáo dục tốt.

     Mặc dù ly thân không phải là căn cứ pháp lý độc lập để yêu cầu ly hôn, nhưng nó có thể là một trong các yếu tố chứng minh rằng hôn nhân đã lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, và mục đích hôn nhân không đạt được. Tòa án có thể xem xét việc ly thân như một dấu hiệu cho thấy mâu thuẫn giữa hai vợ chồng đã đến mức không thể hòa giải và không còn khả năng duy trì hôn nhân.

Có bắt buộc ly thân trước khi ly hôn không?

4. Câu hỏi liên quan

Câu 1. Ai có nghĩa vụ chăm sóc con cái trong thời gian ly thân?

     Trong thời gian ly thân, cả bố và mẹ vẫn có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái như khi họ còn sống chung. Mặc dù ly thân không chấm dứt quan hệ hôn nhân về mặt pháp lý, nhưng nghĩa vụ đối với con cái vẫn phải được thực hiện đầy đủ. Căn cứ tại Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
    Theo đó, cả cha và mẹ đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Mọi quyết định liên quan đến việc chăm sóc con cái trong thời gian ly thân phải bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho con, đặc biệt là về mặt tinh thần và vật chất.

     Trong thời gian ly thân, vợ chồng có thể thỏa thuận về việc ai sẽ trực tiếp chăm sóc con cái và điều kiện, cách thức để bên còn lại thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, thăm nom con. Thỏa thuận này nên dựa trên lợi ích tốt nhất của con. Nếu hai bên không thể thỏa thuận, thì cần có sự can thiệp của Tòa án hoặc cơ quan chức năng để xác định người sẽ trực tiếp chăm sóc con cái trong thời gian ly thân.

     Đặc biệt, dù ly thân, cả bố và mẹ vẫn phải đóng góp tài chính để nuôi dưỡng con cái, dựa trên khả năng kinh tế của mỗi bên. Bên không trực tiếp chăm sóc con có thể được yêu cầu đóng góp chi phí nuôi con cho bên còn lại. Đồng thời, mỗi bên vẫn có quyền thăm nom, liên lạc và chăm sóc con cái mà không bị cản trở, trừ khi có lý do chính đáng và được Tòa án xác nhận.

Câu 2. Đang ly thân thì có đăng ký kết hôn được với người khác hay không?

     Căn cứ Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định rõ rằng việc kết hôn với người khác khi đang có vợ hoặc chồng hợp pháp là hành vi bị cấm.

     Đồng thời, Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác có thể bị xử lý hình sự, với mức phạt tùy thuộc vào mức độ vi phạm.

     Do đó, trong thời gian ly thân, bạn không thể đăng ký kết hôn với người khác. Mặc dù ly thân có nghĩa là vợ chồng không còn sống chung, nhưng về mặt pháp lý, quan hệ hôn nhân của hai người vẫn tồn tại. Tức là, cả hai vẫn được coi là đang có vợ hoặc chồng, và theo pháp luật Việt Nam, việc kết hôn với người khác khi đang có vợ hoặc chồng là vi phạm pháp luật.

     Để có thể đăng ký kết hôn hợp pháp với người khác, bạn cần phải hoàn tất thủ tục ly hôn và nhận được quyết định ly hôn chính thức từ tòa án, khi đó quan hệ hôn nhân cũ của bạn mới chấm dứt về mặt pháp lý.

Bài viết liên quan:

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề có bắt buộc ly thân trước khi ly hôn không, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6178 để được hỗ trợ tư vấn.

Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

Chuyên viên: Vũ Phương Anh

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com