Doanh nghiệp không thông báo chấm dứt hợp đồng lao động bằng văn bản có bị phạt không?

Thứ 3 , 26/11/2024, 10:17


     Việc chấm dứt hợp đồng lao động sẽ làm chấm dứt việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động. Do vậy, các bên liên quan (người lao động và người sử dụng lao động) sẽ luôn cần trang bị cho mình kiến thức, những hiểu biết cần thiết về lĩnh vực này. Bài viết dưới đây, Luật Toàn Quốc sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về vấn đề “Doanh nghiệp không thông báo chấm dứt hợp đồng lao động bằng văn bản có bị phạt không?”.  

1. Quy định về hợp đồng lao động và chấm dứt hợp đồng lao động?

     Được quy định tại Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa hai bên với nhau là người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động. Hợp đồng lao động phải được người sử dụng lao động giao kết với người lao động trước khi nhận người lao động được nhận vào làm việc.

     Qua đó, chấm dứt hợp đồng lao động có thể hiểu là sự chấm dứt việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động (giữa người lao động và người sử dụng lao động). Khi hợp đồng lao động chấm dứt, quan hệ lao động giữa các bên cũng sẽ không còn tồn tại, đồng thời các bên không phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lao động.

2. Doanh nghiệp có cần thông báo chấm dứt hợp đồng lao động bằng văn bản không?

     Theo quy định tại Điều 34 về các trường hợp chấm dứt hợp đồng và Điều 45 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về việc thông báo chấm dứt hợp đồng lao động:

“Điều 45. Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động

1. Người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 34 của Bộ luật này.

2. Trường hợp người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động thì thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động tính từ thời điểm có thông báo chấm dứt hoạt động.

Trường hợp người sử dụng lao động không phải là cá nhân bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật theo quy định tại khoản 7 Điều 34 của Bộ luật này thì thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động tính từ ngày ra thông báo”.

     Vậy theo quy định trên thì doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động bằng văn bản đối với các trường hợp sau:

  • Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4, Điều 177 Bộ luật Lao động năm 2019.

  • Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

  • Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

  • Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019.

  • Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019.

  • Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 Bộ luật Lao động năm 2019.

  • Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Lao động năm 2019.

  • Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc (theo khoản 1, Điều 45 Bộ luật Lao động năm 2019).

     Tuy nhiên, bên cạnh các quy định nêu trên, pháp luật cũng có quy định về các trường hợp doanh nghiệp không phải bắt buộc thông báo chấm dứt hợp đồng lao động bằng văn bản bao gồm:

  • Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5, Điều 328 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

  • Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

  • Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

  • Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

  • Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.

     Do vậy, khi thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, người sử dụng cần căn cứ theo từng trường hợp cụ thể để thông báo tới người lao động theo đúng hình thức mà pháp luật quy định

3. Nếu không thông báo chấm dứt hợp đồng lao động bằng văn bản, doanh nghiệp sẽ bị xử lý ra sao?

     Theo quy định tại khoản 1, Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã có quy định về hình thức và mức xử phạt đối với hành vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

Điều 12. Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 34 của Bộ luật Lao động”.

     Như vậy, theo quy định trên thì công ty không gửi thông báo chấm dứt hợp đồng bằng văn bản cho người lao động sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Tuy nhiên mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định này là mức phạt đối với cá nhân. Đối với tổ chức, mức phạt tiền sẽ là gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

4. Câu hỏi liên quan

Câu 1: Nếu chấm dứt hợp đồng lao động do hết hạn hợp đồng thì có được nhận trợ cấp thôi việc hay không?

     Theo quy định tại khoản 1, Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định về trợ cấp thôi việc như sau:

     “Điều 46. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này”.

     Dẫn chiếu đến quy định tại khoản 1, Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019 có nêu về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động có bao gồm việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với các hợp đồng lao động đã hết hạn, trừ trường hợp phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.

     Theo đó, việc chấm dứt hợp đồng lao động do hết hạn hợp đồng thì người lao động nghỉ việc sẽ thuộc vào trường hợp được công ty chi trả trợ cấp thôi việc.

Câu 2: Người sử dụng lao động có trách nhiệm như thế nào khi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động?

     Theo quy định tại khoản 3, Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động cần phải có trách nhiệm như sau:

     Thứ nhất, hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động

     Thứ hai, cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Cùng các chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

Bài viết liên quan:

Mọi thắc mắc liên quan đến việc “Doanh nghiệp không thông báo chấm dứt hợp đồng lao động bằng văn bản có bị phạt không”, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6178 để được hỗ trợ tư vấn.

Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

Chuyên viên: Vũ Phương Anh

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]