Công ty có được nợ lương người lao động không?

Thứ 5 , 14/12/2023, 11:23


Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc. Đây là quyền lợi của người lao động khi tham gia quan hệ lao động. Vậy công ty có được nợ lương người lao động hay không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn về vấn đề trên?

1. Tiền lương là gì? Các hình thức trả lương cho người lao động.

     Khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 đưa ra định nghĩa về tiền lương như sau: "Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác".

     Về hình thức trả lương, khoản 1 Điều 96 Bộ luật Lao động 2019 cho phép người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận việc trả lương được thực hiện dưới các hình thức là theo thời gian, theo sản phẩm hoặc khoán. Cụ thể, Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết về hình thức trả lương như sau:

Điều 54: Hình thức trả lương

Hình thức trả lương theo Điều 96 Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau:

1. Căn cứ vào tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động hình thức trả lương theo thời gian, theo sản phẩm và trả lương khoán như sau:

a) Tiền lương theo thời gian được trả cho người lao động hưởng lương theo thời gian, căn cứ vào thời gian làm việc theo tháng, tuần, ngày, giờ theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, cụ thể:

a1) Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc;

a2) Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng thì tiền lương tuần được xác định bằng tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần;

a3) Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tuần thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tuần chia cho số ngày làm việc trong tuần theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

a4) Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng hoặc theo tuần hoặc theo ngày thì tiền lương giờ được xác định bằng tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 105 Bộ luật lao động.

b) Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.

c) Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.

2. Tiền lương của người lao động theo các hình thức trả lương quy định tại khoản 1 Điều này được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương khi chọn trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động.

2. Nguyên tắc trả lương cho người lao động? Công ty có được nợ lương của người lao động không?

     Theo quy định tại khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải trả lương cho người lao động trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn. Trong trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động phải trả lương cho người đươc người lao động ủy quyền hợp pháp.

     Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

Điều 97: Kỳ hạn trả lương

1. Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần

2. Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ

3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng

...

     Từ quy định trên có thể thấy, dù thỏa thuận lựa chọn trả lương theo hình thức nào thì người sử dụng lao động cũng phải tuân thủ nguyên tắc đúng thời hạn bởi lẽ tiền lương có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống của người lao động, ảnh hưởng tới mọi mặt trong đời sống của họ.

     Tuy nhiên, cũng trong Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 thì pháp luật có quy định như sau: "Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương"

     Như vậy, có thể thấy người sử dụng lao động có thể trả lương cho người lao động không đúng thời hạn nhưng chỉ trong trường hợp xảy ra những sự cố bất khả kháng và người sử dụng lao động đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể thực hiện nghĩa vụ trả lương đúng thời hạn. Ngoài ra, khi trả lương chậm từ 15 ngyaf trở lên thì người sử dụng lao động còn phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

3. Xử lý hành vi cố ý trả lương không đúng hạn của người sử dụng lao động như thế nào?

     Người sử dụng lao động cố tình không trả lương đúng hạn cho người lao động thì sẽ bị pháp luật coi như là một hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt. Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, hành vi không trả lương đúng hạn sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt như sau:

  • Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 NLĐ

  • Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 NLĐ

  • Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 NLĐ

  • Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 NLĐ

  • Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 NLĐ trở lên

     Theo đó, tùy theo số lượng nhân viên mà doanh nghiệp chậm trả lương, mức phạt đối với hành vi trả lương không đúng hạn, không trả lương có thể dao động từ thấp nhất là 5.000.000 đồng đến cao nhất là 50.000.000 đồng.

4. Một số câu hỏi liên quan đến vấn đề "Công ty có được nợ lương người lao động không?

Câu hỏi 1: Khi bị công ty nợ lương, người lao động nên xử lý như thế nào?

     Có nhiều cách để giải quyết khi người sử dụng lao động nợ lương đối với người lao động. Người lao động có thể chọn một trong các cách sau đây để giải quyết vấn đề này:

- Gửi đơn đề nghị, đơn yêu cầu lên người đứng đầu công ty:  Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận của các bên, do đó, mọi vấn đề phát sinh trong trong quan hệ lao động đều có thể giải quyết bằng thỏa thuận. Nếu hai bên có thể tìm được tiếng nói chung và công ty đồng ý giải quyết quyền lợi cho người lao động thì đây là cách tối ưu, nhanh chóng và ít tốn kém nhất. Tuy nhiên, nếu công ty đã cố tình không trả lương thì việc giải quyết sẽ trở nên khá khó khăn.

- Gửi đơn khiếu nại lên Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Đây là một cơ quan chuyên môn chuyên về lĩnh vực lao động tại các Ủy ban nhân dân huyện. Tuy nhiên, theo Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động chỉ được gửi đơn khiếu nại lên đây khi đã tiến hành khiếu nại lần đầu tới người sử dụng lao động mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết đó. Các thời hạn khi gửi đơn khiếu nại được quy định như sau:

  • Thời hạn thụ lý: 07 ngày làm việc kể từ ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền.

  • Thời hạn giải quyết: Không quá 45 ngày (vụ việc phức tạp không quá 60 ngày), kể từ ngày thụ lý; Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày (vụ việc phức tạp không quá 90 ngày), kể từ ngày thụ lý.

- Yêu cầu hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động: Theo khoản 1 Điều 190 Bộ luật Lao động năm 2019, thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết là 06 tháng kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Tại phiên họp hòa giải, người lao động phải có mặt hoặc ủy quyền cho người khác tham gia. Tại đây, các bên sẽ thống nhất phương án giải quyết với nhau. Trường hợp không thỏa thuận được, người lao động có thể xem xét phương án mà hòa giải viên lao động đưa ra. Trường hợp hòa giải không thành hoặc thành nhưng người sử dụng lao động không thực hiện hoặc hết thời hạn giải quyết thì người lao động có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.

- Yêu cầu giải quyết bởi Hội đồng trọng tài lao động: Theo Điều 189 Bộ luật Lao động năm 2019, cách này được tiến hành sau khi đã trải qua bước hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động. Đồng thời chỉ giải quyết tranh chấp bằng Hội đồng trọng tài lao động khi cả hai bên đồng ý lựa chọn.  Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết. Quyết định của Ban trọng tài lao động về việc giải quyết tranh chấp sẽ được gửi cho các bên. Trường hợp một bên không thi hành quyết định này thì bên còn lại có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

- Khởi kiện tại Tòa án: Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019, tranh chấp về tiền lương bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải bởi Hòa giải viên Lao động, sau đó mới được khởi kiện tại Tòa án. Như vậy, người lao động bắt buộc phải trải qua thủ tục Hòa giải viên lao động trước rồi mới có thể khởi kiện người sử dụng lao động về hành vi không thanh toán, thanh toán không đúng hạn tiền lương tại Tòa án.

  • Căn cứ khoản 3 Điều 190 Bộ luật Lao động năm 2019, thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là 01 năm kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

  • Người lao động gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự theo hướng dẫn của Tòa án.

Câu 2: Khi bị nợ lương, người lao động có được tự ý nghỉ việc không?

     Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy ddunhj như sau:

Điều 35: Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

...

     Như vậy, khi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải thông báo trước cho doanh nghiệp một khoảng thời gian là 3 ngày hoặc 30 ngày hoặc 45 ngày tùy thuộc vào loại hợp đồng lao động đang làm việc. Tuy nhiên cũng tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, khoản 2 quy định như sau:

Điều 35: Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

...

2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;

     Như vậy khi bị người sử dụng lao động nợ lương, trả lương không đúng kỳ hạn thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước. Tuy nhiên người lao động cũng phải lưu ý, người sử dụng lao động được phép nợ lương người lao động trong trường hợp vì lý do bất khả kháng và đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể trả lương đúng hạn. Do đó, trường hợp này người lao động vẫn cần thông báo trước cho doanh nghiệp trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao đồng lao động.

     Bài viết liên quan:

Để được tư vấn chi tiết về các quy định liên quan đến vấn đề "Công ty có được nợ lương người lao động không?", khách hàng xin vui lòng liên hệ đến tổng đài 19006178 để được hỗ trợ.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Phạm Đắc Thơm

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com