Thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động tối đa bao lâu theo quy định của pháp luật

Thứ 6 , 22/11/2024, 10:38


Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Người lao động phải thực hiện hợp đồng lao động theo thỏa thuận, tuy nhiên trong quá trình này, do lý do chủ quan hoặc khách quan, họ có thể tạm hoãn hợp đồng lao động. Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành, thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động tối đa là bao lâu? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn liên quan đến vấn đề trên.

1. Tạm hoãn hợp đồng lao động là gì? 

     Trong quá trình thực hiện hợp đồng, hợp đồng lao động có thể bị tạm hoãn nhằm mục đích giúp các bên giải quyết một số khó khăn hoặc lí do cá nhân. Hiện nay, pháp luật vẫn chưa đưa ra định nghĩa về tạm hoãn hợp đồng lao động, tuy nhiên theo cách hiểu thông thường, tạm hoãn hợp đồng lao động có thể hiểu là "việc tạm dừng thực hiện hợp đồng lao động trong một thời gian nhất định vì các lý do theo pháp luật quy định hoặc thỏa thuận giữa hai bên". Tạm hoãn hợp đồng lao động được hiểu là trường hợp quan hệ lao động tuy chưa chấm dứt nhưng các bên lại ngừng thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong một khoảng thời gian nhất định.

 2. Thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động tối đa bao lâu?

     Dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành, có thể thấy rằng pháp luật về lao động hiện này chưa có quy định cụ thể về trình tự, nội dung, thời gian,... thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động, ngoại trừ quy định liên quan đến người lao động là nữ mang thai phải có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, khi tạm hoãn hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người lao động kèm theo xác nhận của cơ quan ý tế có thẩm quyền.

     Ngoài ra, khi tạm hoãn hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

     Từ đó, có thể thấy rằng pháp luật không quy định cụ thể về thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động tối đa mà đề cao sự thỏa thuận của các bên. Khi có nhu cầu tạm hoãn hợp đồng lao động, người lao động có thể đề nghị với người sử dụng lao động và người lao động cùng nhau thỏa thuận về thời gian cũng như nội dụng tạm hoãn.

3. Nghĩa vụ của các bên sau khi hết thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động.

     Điều 31 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

Điều 31: Nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

     Như vậy, khi kết thúc thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc:

  • Người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc. Nếu không thể có mặt tại nơi làm việc theo đúng thời hạn quy định thì người lao động phải thỏa thuận với người sử dụng lao động về thời điểm có mặt.

  • Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí người lao động làm công việc trong hợp đồng lao động đã giao kết. Trường hợp không bố trí được công việc trong hợp đồng lao động đã giao kết thì hai bên thỏa thuận công việc mới và thực hiện sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động đã giao kết hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

4. Hỏi đáp về thời  gian tạm hoãn hợp đồng lao động tối đa

Câu hỏi 1: Thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động có được tính vào thời hạn của hợp đồng lao động không?

     Qua quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động 2019 đã nêu ở phân trên, có thể ngầm hiểu rằng thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động được tính vào thời hạn của hợp đồng. Nếu tại thời điểm người lao động trở lại làm việc mà thời hạn của hợp đồng lao động đã hết thì hợp đồng lao động sẽ chấm dứt, trừ trường hợp hai bên đồng ý gia hạn thời hạn của hợp đồng.

Câu hỏi 2: Người lao động không trở lại làm việc sau khi kết thúc thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động bị xử lý như thế nào?

     Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

Điều 36: Quyền đơn phương chấm dứt hợp đông lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

...

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;

...

     Vậy đối với việc người lao động không quay trở lại làm việc sau thời gian tạm hoãn hợp đồng trong vòng 15 ngày thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Câu hỏi 3: Người sử dụng lao động không nhận lại người lao động sau khi hết thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động bị xử lý như thế nào?

     Nhận lại người lao động sau khi hết thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động là nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Nếu người sử dụng lao động không nhận lại người lao động quay lại làm việc được coi là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

     Căn cứ điểm b khoản 2 và điểm b khoản 5 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, nếu người sử dụng lao động không nhận lại người lao động sau khi hết thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động  thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng, đồng thời phải buộc nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác và buộc trả lương cho người lao động trong những ngày không nhận người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

     Trong trường hợp người sử dụng lao động vi phạm là tổ chức thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 6 - 14 triệu đồng.

     Bài viết liên quan:

     Để được tư vấn chi tiết về các quy định liên quan đến vấn đề "Thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động tối đa bao lâu theo quy định của pháp luật", khách hàng xin vui lòng liên hệ đến tổng đài 19006178 để được hỗ trợ.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Phạm Đắc Thơm

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]