Luật sư tư vấn giành quyền nuôi con sau ly hôn

Thứ 6 , 20/08/2021, 08:24


     Người xưa đã có câu "Con cái là lộc trời cho" và là tài sản quý giá của hai vợ chồng. Tuy nhiên, trong cuộc sống, không phải ai cũng có một cuộc sống hôn nhân gia đình hạnh phúc, bền vững. Khi vợ chồng không thể tìm được tiếng nói chung nữa thì ly hôn là giải pháp để cả hai có thể giải thoát cho nhau. Vậy, khi ly hôn việc nuôi con sẽ giải quyết như thế nào? Luật Toàn Quốc xin tư vấn giành quyền nuôi con sau ly hôn như sau:

1. Quy định của pháp luật về quyền nuôi con của vợ chồng

     Điều 88 luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về xác định con chung của hai vợ chồng như sau:

  • Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
  • Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
  • Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
  • Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

    Ngoài ra, pháp luật định về quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con cái tại điều 103 và 110 luật hôn nhân và gia đình, cụ thể:

  • Các thành viên gia đình có quyền, nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ, tôn trọng nhau. Quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản của các thành viên gia đình được pháp luật bảo vệ.
  • Trong trường hợp sống chung thì các thành viên gia đình có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động tạo thu nhập; đóng góp công sức, tiền hoặc tài sản khác để duy trì đời sống chung của gia đình phù hợp với khả năng thực tế của mình.
  • Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
  • Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

     Như vậy, sau khi ly hôn nếu cha hoặc mẹ không phải là người trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. 

2. Tư vấn giành quyền nuôi con sau ly hôn

     Để giành quyền nuôi con khi ly hôn là không đơn giản, đặc biệt là đối với trường hợp cả hai vợ chồng có điều kiện ngang nhau hoặc người muốn giành quyền nuôi con chỉ làm nội trợ và ở nhà chăm sóc con cái. Tuy nhiên, luật Toàn Quốc sẽ tư vấn giành quyền nuôi con sau ly hôn để giúp bạn giành được lợi thế trong cuộc chiến pháp lý này bằng cách chứng minh các điều kiện sau:

2.1. Điều kiện về kinh tế để nuôi con

     Điều kiện về kinh tế (vật chất) bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập cho con…các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ. Theo đó, nếu muốn giành quyền nuôi con, mỗi bên phải chứng minh được mình có điều kiện kinh tế để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con tốt hơn bên còn lại.  Ví dụ: Thu nhập tốt hơn (Xuất trình bảng lương, hợp đồng lao động, sổ tiết kiệm, giấy tờ về hiệu quả kinh doanh của bản thân,....), có nơi ở ổn định (có nhà ở sổ đỏ đứng tên riêng, hợp đồng ký mua nhà với chủ đầu tư, biên bản bàn giao nhà,....), 

2.2. Thời gian chăm sóc con cái

     Trẻ em cần được chăm sóc, nuôi dưỡng và được quan tâm thường xuyên, tránh tình trạng các cháu bị các bệnh về tâm lý. Do đó, khi quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng tòa án cũng sẽ căn cứ vào việc bố, mẹ có thời gian trông nom, chăm sóc con hay không? Vì vậy, luật sư sẽ giúp khách hàng thu thập những bằng chứng về vấn đề này, đưa ra các lập luận chứng minh khách hàng có nghề nghiệp ổn định, làm việc tự do về thời gian hay có thể cân đối được công việc để chăm sóc con.

2.3. Các điều kiện và yếu tố khác

   Ngoài ra, cha mẹ muốn giành quyền nuôi con cũng cần chú ý đến các yếu tố sau:

  • Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian gắn bó với con từ lúc scon sinh ra, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, trình độ học vấn … của cha mẹ. Do đó, nếu một bên chỉ ở nhà nội trợ và chăm sóc con cái thì đây cũng là một yếu tố có lợi khi giành quyền nuôi con. Cùng với đó, luật hôn nhân và gia đình cũng đã quy định công việc nội trợ cũng là lao động có thu nhập. 
  • Xem xét nguyện vọng của con: Nếu con đủ 7 tuổi trở lên thì cần phải hỏi con mong muốn được ở với ai sau khi bố mẹ ly hôn
  • Xem xét nhân thân của cha mẹ có tốt không? Có tiền án, tiền sự hay hành vi bạo lực gia đình không?...Từ đó luật sư có thể nêu ra các vi phạm phạm về nghĩa vụ vợ/chồng và tư cách nhân thân, đạo đức không tốt của bên còn lại để thuyết phục tòa không giao quyền nuôi con cho họ.

     Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác để giành quyền nuôi con sau khi ly hôn, luật sư sẽ hỗ trợ thân chủ của mình thu thập nhiều chứng cứ có lợi và đưa ra chứng cứ bất lợi cho đối phương trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn giành quyền nuôi con.

3. Một số lưu ý về quyền nuôi con sau ly hôn

3.1. Quyền thăm nom con sau ly hôn

      Sau khi ly hôn người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con. Việc thăm con theo định kỳ hoặc thường xuyên do các bên thoả thuận. Luật hôn nhân và gia đình đã quy định không ai được cản trở quyền thăm con. Tuy nhiên, nếu một bên lạm dụng thăm nom để cản trở hoặc làm ảnh hưởng không tốt đến việc nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc con thì người trực tiếp nuôi con quyền yêu cầu Toà án hạn chế quyền thăm nom con đối với người kia.  

3.2. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

     Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con nếu có một trong các căn cứ sau đây:
  • Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
  • Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
  • Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
  • Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
    Ngoài ra, trong trường hợp có căn cứ trên đây thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
  • Người thân thích;
  • Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
  • Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
  • Hội liên hiệp phụ nữ.

     Như vậy, bố muốn giành quyền nuôi con vẫn được ngay cả khi mẹ đã được tòa án giao trực tiếp nuôi con nếu có các căn cứ trên đây vẫn có thể thay đổi. Quy định này nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho con.

4. Thủ tục giải quyết tranh chấp giành quyền nuôi con sau ly hôn

4.1. Mẫu đơn ly hôn giành quyền nuôi con

    Về cơ bản, mẫu đơn ly hôn giành quyền nuôi con được sử dụng chung theo mẫu đơn xin ly hôn. Tuy nhiên, việc kê khai mẫu đơn là vấn đề quan trọng cần được quan tâm. 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN XIN LY HÔN

Kính gửi: Tòa án nhân dân quận/huyện.......................................

Tôi tên : ................................................. năm sinh : ..............................

CMND/CCCD (Hộ chiếu) số: ............ ngày cấp: .../..../...... và nơi cấp: Công an tỉnh/thành phố......

Hiện cư trú tại:..........................................................................................

Xin được ly hôn với: .............................. năm sinh ..................................

CMND/CCCD (Hộ chiếu) số: .......... ngày cấp:.../.../..... và nơi cấp: Công an tỉnh/thành phố...........

Hiện cư trú tại: ................................................................................................

- Nội dung xin ly hôn: (Các bên trình bày theo hoàn cảnh và lý do thực tế của mình), Ví dụ:

Chúng tôi đã đăng ký kết hôn ngày .....tháng ..... năm ..... tại UBND phường ...., quận ...., thành phố Hà Nội.

Sau khi kết hôn, chúng tôi chung sống hạnh phúc đến năm........thì phát sinh mâu thuẫn.

Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trên là do: Chúng tôi luôn trái ngược về quan điểm sống; vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, người nào chỉ biết bổn phận của người đó. Chồng tôi luôn tìm ra lí do để đánh chửi tôi, mỗi lần như thế khiến tôi bị sưng tím hết toàn bộ cơ thể, anh còn vác dao dọa chém tôi nếu tôi kêu la, khiến tôi tê dại vì đau đớn. Mặc dù chúng tôi đã được hai bên gia đình hòa giải nhiều lần nhưng vẫn không thể hàn gắn, dẫn đến gia đình thường xuyên mâu thuẫn, ảnh hưởng đến việc tâm sinh lý cũng như việc học hành của các con tôi. Đến nay, chúng tôi đã ly thân được ..... tháng. Tôi đã quá sức chịu đựng để tiếp tục cuộc hôn nhân này.

Nhận thấy tình trạng của vợ chồng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Vì vậy, tôi xin tự nguyện được ly hôn với anh ......, mong quý tòa xem xét để giải thoát cho tôi, để tôi và các con có một cuộc sống mới tốt  đẹp hơn.

- Về con chung: (Ghi thông tin con chung và thỏa thuận quyền nuôi con và trợ cấp cho con nếu có, các căn cứ giành quyền nuôi con)

Chúng tôi có hai con chung:

1. Cháu: .................. Sinh năm:....

2. Cháu ................... Sinh năm .......

Hiện là học sinh .......................................

Tôi xin được nuôi cả hai cháu bởi các lý do sau đây:...........................

- Về tài sản chung: (Các bên có quyền tự thỏa thuận phân chia tài sản hoặc yêu cầu tòa án phân chia theo quy định của pháp luật nếu như không thể đạt được thỏa thuận).

- Về nợ chung vợ chồng (Các bên có quyền tự thỏa thuận về xử lý nợ chung hoặc yêu cầu tòa án phân giải quyết theo quy định của pháp luật, nếu không có ghi rõ là không yêu cầu tòa án giải quyết).

Xin trân trọng cảm ơn!

.................. Ngày ........... tháng........... năm........

Người làm đơn

(Ký tên, Ghi rõ họ và tên)

 

4.2. Thẩm quyền giải quyết

     Căn cứ khoản 1 Điều 28 Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là: Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.

     Cũng theo điểm a khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 39 Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì trong trường hợp bạn ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con phải nộp đơn tại Tòa án nhân dân quận, huyện nơi bị đơn cư trú, có thể là thường trú hoặc tạm trú. 

     >>>Xem thêm: Dịch vụ tư vấn ly hôn đơn phương

4.3. Trình tự giải quyết thủ tục ly hôn giành quyền nuôi con

     Luật Toàn Quốc xin tư vấn giành quyền nuôi con sau ly hôn sẽ tiến hành theo các bước sau:

     Bước 1: Nộp hồ sơ xin ly hôn tại TAND quận/huyện nơi bị đơn (chồng hoặc vợ) đang cư trú, làm việc;

    Bước 2: Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ Tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí;

     Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án;

     Bước 4: Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng giải quyết vụ án dân sự về theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự hiện hành, bao gồm các thủ tục như: Hòa giải, mở phiên họp tiếp cận công khai chứng cứ, lấy lời khai, đối chất, mở phiên tòa xét xử....

5. Dịch vụ tư vấn giành quyền nuôi con sau ly hôn của luật Toàn Quốc

     Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm thực tế chuyên giải quyết các vụ án ly hôn thuận tình, ly hôn đơn phương, giành quyền nuôi con cả trong và ngoài nước. Chúng tôi cam kết mang đến cho khách hàng một dịch vụ tốt nhất. Hiểu rõ những vụ án ly hôn thường tồn đọng những mâu thuẫn gay gắt nên chúng tôi cung cấp dịch vụ ly hôn nhanh, trọn gói để khách hàng sớm ổn định công việc, cuộc sống mà vẫn đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của quý khách.

     Đặc biệt, chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn soạn thảo đơn ly hôn theo đúng quy định của pháp luật cũng như hướng dẫn Quý khách soạn thảo các văn bản để hạn chế việc đi lại của khách hàng và rút ngắn thời gian giải quyết. Ngoài ra, với đội ngũ nhân viên nghiệp vụ xuất thân từ thừa phát lại, công chứng viên, IT....sẽ hỗ trợ tối đa các luật sư trong quá trình thu thập chứng cứ cơ lợi để giành quyền nuôi con.

    >>>Xem thêm: Dịch vụ tư vấn ly hôn miễn phí qua tổng đài

6. Cách thức liên hệ luật sư tư vấn giành quyền nuôi con sau ly hôn

    Nếu bạn có nhu cầu tư vấn giành quyền nuôi con sau ly hôn, cũng như cần luật sư hỗ trợ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật, bạn có thể Liên hệ với chúng tôi - Công ty luật TNHH Toàn Quốc theo địa chỉ sau:

  • Liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật: 19006178 để nhận được sự hỗ trợ nhanh nhất từ các luật sư, chuyên viên pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm;
  • Gửi nội dung cầu hỏi đến địa chỉ mail: lienheluattoanquoc.vn@gmail.com;
  • Đến trực tiếp trụ sở công ty tại: Số 463 Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế, quận Bắc từ Liêm, Hà Nội để được các chuyên gia pháp lý hàng đầu đưa ra các phương án giải quyết một cách chính xác, hiệu quả;
  • Ngoài ra, Quý khách có thể đề nghị gặp luật sư tư vấn ngoài trụ sở công ty sau khi đặt lịch hẹn qua tổng đài 19006178.

     Trên đây là bài viết liên quan đến cách giành quyền nuôi con khi ly hôn cũng như hướng dẫn việc khởi kiện đòi lại quyền nuôi con theo quy định của pháp luật. Nếu có thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn giành quyền nuôi con sau ly hôn của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ trên đây.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Văn Chung

 

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com