Làm việc theo ca là gì?

Thứ 3 , 24/10/2023, 14:37


     Hiện nay làm việc theo ca ngày càng trở nên phổ biến bởi tính linh hoạt nên thuận tiện cho nhiều người tìm việc. Việc bố trí ca làm việc và thời giờ nghỉ ngơi hợp lý có ý nghĩa quan trọng với sức khỏe của người lao động cũng như chất lượng công việc.Vậy như làm việc theo ca là gì và khi làm việc theo ca thì người lao động cần lưu ý những gì? Hãy cùng Luật Toàn Quốc tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Làm việc theo ca là gì?

     Hiện nay pháp luật chưa làm rõ làm việc theo ca là gì. Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 63 Nghị định 145/2020/NĐ-CP đã giải thích về khái niệm ca làm việc: Ca làm việc là khoảng thời gian làm việc của người lao động từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi kết thúc và bàn giao nhiệm vụ cho người khác, bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ. Cùng với đó, Điều 105 Bộ Luật lao động năm 2019 cũng nêu đã rõ về thời gian làm việc của người lao động. Như vậy, ca làm việc bình thường đối với người làm việc theo ngày là không quá 08 giờ/ngày. Trường hợp làm việc theo tuần thì ca làm việc bình thường tối đa là 10 giờ/ngày.

2. Tổ chức làm việc theo ca như thế nào cho đúng luật?

     Quy định về tổ chức ca làm việc là nội dung hoàn toàn mới được ghi nhận tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Cụ thể, Điều 63 Nghị định này quy định: Tổ chức làm việc theo ca là việc bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc, tính trong thời gian 01 ngày (24 giờ liên tục).

     Theo đó, khi tổ chức làm việc theo ca, người sử dụng lao động phải bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc.Khi tiến hành làm việc theo ca, doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ giữa giờ theo thời gian theo đúng quy định, đồng thời bố trí lịch nghỉ để đảm bảo người lao động được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác theo Điều 119 Bộ luật lao động năm 2019.

     Đặc biệt, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, khoản 3 Điều 64 Nghị định 145/2020/NĐ-CP còn quy định, người sử dụng lao động có quyền quyết định thời điểm nghỉ trong giờ làm việc, nhưng không được bố trí thời gian nghỉ vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc để đảm bảo người lao động được nghỉ ngơi trong quá trình làm việc.

3. Một số lưu ý khi làm việc theo ca

     Căn cứ theo điều 109 và 110 Bộ luật lao động 2019 người lao động làm việc theo ca cần lưu ý:

     Thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc:

  • Người lao động làm việc theo ca thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc khi đáp ứng đủ các điều kiện: Người lao động làm việc trong ca từ 06 giờ trở lên; Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút.

     Thời gian nghỉ chuyển ca:

  • Thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc là ít nhất 30 phút, riêng trường hợp làm việc ban đêm thì được tính ít nhất 45 phút.

  • Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác.

4. Hỏi đáp về làm việc theo ca là gì

Câu hỏi 1: Người lao động làm ca đêm tính lương như thế nào?

     Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 98  luật lao động 2019, được hướng dẫn bởi Điều 55, Điều 56, Điều 57 Nghị đinh 145/2020/NĐ-CP quy định về tiền lương làm việc vào ban đêm như sau:

2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.

Câu hỏi 2: Người sử dụng lao động không trả đủ lương cho người lao động làm ca đêm có bị phạt?

     Theo Điều 94 Bộ luật lao động 2019, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Do đó, với trường hợp làm ca đêm, phía công ty cũng phải trả đủ tiền lương cho người đó theo đúng quyền lợi đáng được hưởng.

     Trường hợp không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm cho người lao động, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2020/NĐ-CP như sau:

  • Phạt từ 05 đến 10 triệu đồng: Nếu không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm cho 01 người đến 10 người lao động.
  • Phạt từ 10 đến 20 triệu đồng: Nếu không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm cho 11 người đến 50 người lao động.
  • Phạt từ 20 đến 30 triệu đồng: Nếu không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm cho 51 người đến 100 người lao động.
  • Phạt từ 30 đến 40 triệu đồng: Nếu không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm cho 101 người đến 300 người lao động.
  • Phạt từ 40 đến 50 triệu đồng: Nếu không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm cho 301 người lao động trở lên.

     Mức phạt trên áp dụng cho cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp 2 lần, theo quy định tại Điều 6 Nghị định 12/2020/NĐ-CP.

Bài viết liên quan:

     Mọi thắc mắc liên quan đến làm việc theo ca là gì quý khách có thể liên hệ đến tổng đài 1900 6178 để được hỗ trợ tư vấn.

Luật Toàn Quốc xin chân thành cản ơn./.

Chuyên viên: Trà My

 

 

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com