Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật
Thứ 5 , 14/12/2023, 11:18
1. Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động
Điều 15 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Điều 15: Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động
1. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.
2. Tự do giao kết hợp đồng lao động những không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.
Theo đó, hợp đồng lao động được xây dựng trên cơ sở thoả thuận của các bên. Dựa trên sự tự nguyện, thỏa thuận, bình đẳng để cùng đi đến việc xác lập mối quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động. Các bên trong quan hệ lao động thể hiện tinh thần thiện chí, hợp tác, trung thực cùng hỗ trợ nhau để đạt được mục đích cuối cùng là giao kết hợp đồng.
Các bên tự do thỏa thuận hợp tác giữa các bên trong quan hệ lao động nhưng phải phù hợp với khuôn khổ pháp luật và không trái với chuẩn mực xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên cũng như giữ gìn trật tự xã hội.
2. Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi ký hợp đồng lao động
Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Điều 17: Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động
Thứ nhất, người sử dụng lao động không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
Giấy tờ tùy thân là những giấy tờ rất quan trọng liên quan đến xác định nhân thân của công dân, không chỉ trong mục đích xin việc, giấy tờ tùy thân còn là căn cứ thực hiện các thủ tục pháp lý khác trong cuộc sống thường ngày. Còn các loại văn bằng chứng chỉ là kết quả quá trình đào tạo và rèn luyện, là căn cứ để đánh giá năng lực của một người. Chính vì thế, các văn bằng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xin việc.
Việc giữ văn bằng và giấy tờ tùy thân có thể ảnh hưởng đến quá trình xin việc của người lao động và các giao dịch dân sự khác, Cho nên, pháp luật quy định người sử dụng lao động không được giữ các loại giấy tờ đó là nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nói chung và công dân nói riêng.
Thứ hai, người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Khi giao kết hợp đồng lao động cũng như quá trình thực hiện hợp đồng lao động, người sử dụng lao động không có quyền thỏa thuận với người lao động về việc ký quỹ một số tiền cho người sử dụng lao động đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng lao động, dù cho người lao động đồng ý thì việc này vẫn vi phạm quy định của pháp luật.
Thứ ba, người sử dụng lao động không được buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Quy định này liên quan trực tiếp tới nguyên tắc giao kết, thực hiện hợp đồng đồng lao động. Nếu người sử dụng lao động có hành vi buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động tức là đã đi ngược lạ với nguyên tắc tự nguyện theo quy định của pháp luật. Do đó, đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
3. Người sử dụng lao động thực hiện các hành vi không được làm khi ký hợp đồng lao động bị xử phạt như thế nào?
Các hành vi quy định tại Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 đã bị pháp luật nghiêm cấm, do đó khi người sử dụng lao động thực hiện các hành vi này thì sẽ bị xử phạt.
Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, nếu người sử dụng lao động thực hiện các hành vi không được làm khi ký hợp đồng lao động thì sẽ bị xử lý như sau:
Điều 8: Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;
b) Buộc người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;
c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
c) Buộc giao kết đúng loại hợp đồng với người lao động đối với hành vi không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Một số câu hỏi liên quan đến vấn đề "Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi ký hợp đồng lao động"
Câu hỏi 1: Người sử dụng lao động có được giữ lương của người lao động để giữ chân người lao động không?
Căn cứ theo Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc trả lương như sau:
Điều 94. Nguyên tắc trả lương
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
2. Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Đồng thời tại khoản 2 Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Điều 17. Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Theo đó, người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải trả lương đầy đủ cho người lao động, đồng thời, không được phép yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Tức là, người sử dụng lao động không được giữ một phần lương người lao động để giữ chân người lao động tiếp tục làm việc cho doanh nghiệp.
Câu hỏi 2: Pháp luật quy định như thế nào về nghĩa vụ cung cấp thông tin của các bên khi ký hợp động lao động:
Theo Điều 16 Bộ luật Lao động 2019, khi ký hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin, cụ thể như sau:
-
Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.
-
Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.
Câu hỏi 3: Khi ký kết hợp động lao động, người lao động có thể từ chối giao kết nếu nhận thấy công việc có khả năng đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của mình hay không?
Căn cứ theo Điều 15 Bộ luật Lao động, một trong các nguyên tắc khi giao kết hợp đồng lao động là tự nguyện và tự do giao kết, do vậy nếu trong quá trình giao kết hợp đồng, nếu nhận thấy công việc có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe hay tính mạng của mình thì người lao động hoàn toàn có quyền từ chối làm việc.
Bài viết liên quan:
Để được tư vấn chi tiết về các quy định liên quan đến vấn đề "Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi ký hợp đồng lao động", khách hàng xin vui lòng liên hệ đến tổng đài 19006178 để được hỗ trợ.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!
Chuyên viên: Phạm Đắc Thơm
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: [email protected]