Đang làm thủ tục ly hôn mà bị chồng bạo hành thì có được khởi kiện hay không?
Thứ 5 , 21/09/2023, 17:28
1. Bạo lực gia đình là gì?
Điều 2. Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022:
Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình…
Xét về hình thức, có thể chia phân chia bạo lực gia đình thành các hình thức chủ yếu như sau:
-
Bạo lực thể chất: Là hành vi ngược đãi, đánh đập thành viên gia đình, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của họ.
-
Bạo lực về tinh thần: Là những lời nói, hành vi, thái độ gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, tâm lý của thành viên trong gia đình.
-
Bạo lực về kinh tế: Là hành vi xâm hại đến các quyền lợi về kinh tế của thành viên trong gia đình (quyền tự do lao động, quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh,…)
-
Bạo lực về tình dục: Là bất cứ hành vi nào có tính chất cưỡng ép trong các quan hệ tình dục giữa các thành viên trong gia đình, kể cả đối với việc cưỡng ép sinh con.
2. Có được khởi kiện chồng bạo hành khi đang làm thủ tục ly hôn không?
Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Như vậy, trong trường hợp này, người vợ tự mình hoặc thông qua người đại diện hoàn toàn có quyền khởi kiện chồng bạo hành (kể cả khi đang làm thủ tục ly hôn) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ ở đây có thể hiểu là về yếu tố sức khỏe, tinh thần, kinh tế, danh dự, nhân phẩm,...
3. Người vợ bị chồng bạo hành có các quyền lợi gì?
Người chồng bạo hành là hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người vợ. Theo Khoản 1 Điều 9 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022, người vợ có những quyền sau:
-
Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, các quyền và lợi ích hợp pháp khác có liên quan đến hành vi bạo lực gia đình.
-
Yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
-
Được bố trí địa điểm để tạm lánh, được giữ bí mật về nơi ở, thông tin đời sống riêng tư, bí mật của cá nhân, gia đình.
-
Được cung cấp các dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý cũng như các kỹ năng để phòng chống bạo lực gia đình.
-
Yêu cầu người chồng khắc phục hậu quả, bồi thường tổn hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và các thiệt hại về tài sản (kể cả đang làm thủ tục ly hôn chưa xong).
-
Được tư vấn về quyền và nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, xử lý hành vi bạo lực gia đình.
-
Được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện khi bị người chồng bạo lực gia đình và một số quyền khác theo quy định.
4. Câu hỏi về đang làm thủ tục ly hôn mà người chồng bạo hành thì có được khởi kiện không
Câu hỏi 1. Người chồng bạo hành gây thương tích cho vợ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Nếu hành vi bạo lực gia đình của người chồng gây ra thương tích nghiêm trọng cho người vợ, lúc này người vợ có thể đi trưng cầu giám định thương tích, yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự người chồng về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Câu hỏi 2. Bị chồng bạo hành có được đơn phương ly hôn không?
Điều 56 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định:
Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Như vậy, người vợ có thể đơn phương ly hôn và được Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu chứng minh được chồng có hành vi bạo lực gia đình. Trường hợp này, người vợ hãy chuẩn bị chứng cứ việc bị chồng bạo lực gia đình như:
-
Chụp ảnh, quay video về hành vi đánh đập, vũ phu;
-
Xin xác nhận của cơ sở y tế về việc điều trị chấn thương do đánh đập;
-
Nếu trước đó hành vi bạo lực gia đình của người chồng đã bị xử phạt hành chính hay được cơ sở hòa giải thì bạn có thể nộp quyết định xử phạt hoặc biên bản hòa giải đó đến Tòa án.
Bài viết liên quan
Nếu còn băn khoăn về vấn đề đang làm thủ tục ly hôn mà bị chồng bạo hành có được khởi kiện hay không, quý khách hàng xin vui lòng liên hệ đến tổng đài 19006178 để được các luật sư của chúng tôi hỗ trợ hiệu quả nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!
Chuyên viên: Tiến Đạt
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: lienhe@luattoanquoc.com