Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành

Thứ 4 , 18/09/2024, 10:32


Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hiện là một vấn đề đang được các doanh nghiệp rất quan tâm. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đang có nhu cầu hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Để làm rõ hơn về những quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành, mời bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây của Luật Toàn Quốc.  

1. Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là gì?

     Hiện nay, theo quy định tại khoản 8, Điều 4, Luật Phá sản năm 2014 đã có quy định chi tiết về khái niệm “doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” như sau:

  “8. Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản”.

     Theo đó, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là doanh nghiệp hành nghề trong lĩnh vực quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết việc phá sản. Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được thành lập và hoạt động theo hình thức quy định tại khoản 1, Điều 13 của Luật Phá sản. Việc thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tuân theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về phá sản.

2. Quyền của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được quy định như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 16, Luật Phá sản năm 2014, quyền của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được quy định bao gồm những quyền như sau:

     Thứ nhất, quyền quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, gồm:

  • Xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã.

  • Lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ.

  • Bảo quản tài sản; ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của Thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi bán, thanh lý tài sản. 

  • Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

  • Được thuê cá nhân, tổ chức thực hiện công việc theo quy định của pháp luật.

  • Đề xuất với Thẩm phán về việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã để bảo đảm chi phí phá sản.

  • Bán tài sản theo quyết định của Thẩm phán để bảo đảm chi phí phá sản.

  • Tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản theo quy định của Luật này; báo cáo cơ quan thi hành án dân sự, thông báo đến người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài sản.

  • Gửi các khoản tiền thu được vào tài khoản do Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng.

     Thứ hai, quyền đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo pháp luật.

    Thứ ba, quyền báo cáo về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

     Thứ tư, quyền đề nghị Thẩm phán tiến hành các công việc như:

  • Thu thập tài liệu, chứng cứ.

  • Tuyên bố giao dịch vô hiệu và quyết định thu hồi tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp.

  • Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng biện pháp xử phạt hành chính; chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật.

     Thứ năm, quyền được hưởng thù lao và thực hiện trách nhiệm bảo hiểm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

     Từ đó, cho thấy rõ được những quyền mà pháp luật hiện đang công nhận và đảm bảo thực hiện đối với doanh nghiệp thanh lý, quản lý tài sản hiện nay.

3. Nghĩa vụ của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được quy định như thế nào?

     Bên cạnh các vấn đề liên quan đến quyền của doanh nghiệp trong quản lý, thanh lý tài sản thì nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với việc quản lý, thanh lý tài sản cũng đã được quy định rõ tại Điều 16, Luật Phá sản năm 2014. Theo đó, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản sẽ có hai nghĩa vụ chính như sau:

  • Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo yêu cầu của Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự. 

  • Chịu trách nhiệm trước Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

4. Câu hỏi liên quan 

Câu 1. Doanh nghiệp tư nhân có được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản không?

     Theo khoản 1, Điều 13 Luật Phá sản 2014, quy định về doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản như sau:

   “Điều 13. Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản

1. Các loại doanh nghiệp sau đây được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản:

a) Công ty hợp danh;

b) Doanh nghiệp tư nhân.”

      Như vậy, theo quy định nêu trên, doanh nghiệp tư nhân có thể được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.

Câu 2. Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có quyền đề nghị Thẩm phán tiến hành việc thu thập tài liệu, chứng cứ hay không?

     Căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 16 Luật Phá sản năm 2014 thì doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hoàn toàn có quyền đề nghị Thẩm phán tiến hành công việc thu thập tài liệu, chứng cứ. 

     Ngoài ra, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cũng có quyền đề nghị Thẩm phán tiến hành các công việc khác như: Tuyên bố giao dịch vô hiệu và quyết định thu hồi tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp; Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng biện pháp xử phạt hành chính; chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật.

Bài viết liên quan:

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề “Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành”, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6178 để được hỗ trợ tư vấn.

Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

Chuyên viên: Vũ Phương Anh

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com