Hậu quả pháp lý của phá sản doanh nghiệp

Thứ 7 , 14/09/2024, 03:38


Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Việc doanh nghiệp phá sản sẽ gây ra những hậu quả pháp lý ra sao, mời bạn theo dõi bài viết dưới đây cùng Luật Toàn Quốc.   

1. Phá sản doanh nghiệp là gì?

     Hiện nay, quy định về “phá sản doanh nghiệp” đã được quy định tại Điều 214 Luật doanh nghiệp năm 2020. Cụ thể: 

“Điều 214. Phá sản doanh nghiệp

Việc phá sản doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản”.

     Theo đó, các quy định chi tiết hơn về việc phá sản doanh nghiệp đã được nêu ra tại Luật Phá sản năm 2014. Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Luật Phá sản năm 2014, thì việc phá sản doanh nghiệp được hiểu là việc doanh nghiệp đang trong tình trạng mất khả năng thanh toán và bị Toà án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp. Cụ thể hơn, phá sản doanh nghiệp chính là tình trạng một doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn và không có khả năng phục hồi. Nói cách khác, doanh nghiệp đó đã “mất khả năng sống sót” về mặt tài chính và buộc phải chấm dứt hoạt động.

Hậu quả pháp lý của phá sản doanh nghiệp

2. Khi nào một doanh nghiệp được coi là phá sản?

    Theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Luật Phá sản năm 2014, hiện một doanh nghiệp để được coi là phá sản cần phải đáp ứng được các điều kiện như sau:

“Điều 4. Giải thích từ ngữ

2. Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”.

     Tại đây, một doanh nghiệp được coi là phá sản nếu đang trong tình trạng: 

  • Mất khả năng thanh toán. 

  • Bị Toà án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. 

     Cụ thể hơn, theo khoản 1, Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 thì việc doanh nghiệp bị coi là mất khả năng thanh toán ở đây được xác định thông qua việc doanh nghiệp này đã không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ trong thời hạn ba tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán các khoản nợ đó.

Hậu quả pháp lý của phá sản doanh nghiệp 

3. Hậu quả pháp lý của phá sản doanh nghiệp như thế nào?

     Phá sản doanh nghiệp là một sự kiện pháp lý nghiêm trọng, mang theo nhiều hệ lụy pháp lý đối với doanh nghiệp, chủ sở hữu, người quản lý và các bên liên quan. Các hậu quả pháp lý của việc phá sản doanh nghiệp có thể nêu ra như sau:

Điều 109. Gửi và thông báo quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản

1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Tòa án nhân dân phải thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này; đồng thời gửi trích lục tuyên bố phá sản trong trường hợp quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản có nội dung cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã cho Sở Tư pháp nơi Tòa án nhân dân có trụ sở.

2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Tòa án nhân dân phải gửi quyết định cho cơ quan đăng ký kinh doanh để xoá tên doanh nghiệp, hợp tác xã trong sổ đăng ký kinh doanh; trong trường hợp Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giải quyết đề nghị xem xét lại, kiến nghị theo quy định tại Điều 113 của Luật này thì thời hạn có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định”.

    Theo đó, tình trạng pháp lý sau khi doanh nghiệp phá sản sẽ bao gồm:

  • Bị Tòa án nhân dân ra thông báo phá sản (trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản) và đồng thời gửi trích lục tuyên bố phá sản trong trường hợp quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản có nội dung cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã cho Sở Tư pháp nơi Tòa án nhân dân có trụ sở.

  • Tòa án nhân dân phải gửi quyết định cho cơ quan đăng ký kinh doanh để xóa tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh (trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản). Trong trường hợp Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giải quyết đề nghị xem xét lại, kiến nghị theo quy định tại Điều 113 của Luật Phá sản năm 2014 thì thời hạn có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định. 

     Bên cạnh đó, các nghĩa vụ pháp lý khác mà doanh nghiệp khi phá sản cũng cần phải thực hiện sẽ bao gồm:

    Thứ nhất, nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp sau khi phá sản. Theo Điều 110 Luật phá sản năm 2014 quy định, doanh nghiệp sau khi có quyết định tuyên bố phá sản có nghĩa vụ về tài sản là:

  • Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản đối với các trường hợp: Tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo thủ tục rút gọn (Điều 105 Luật Phá sản năm 2014); Quyết định tuyên bố phá sản khi Hội nghị chủ nợ không thành (Điều 106 Luật Phá sản năm 2014); Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản sau khi có Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ (Điều 107 Luật Phá sản năm 2014) không được miễn trừ nghĩa vụ về tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh đối với chủ nợ chưa được thanh toán nợ, trừ trường hợp người tham gia thủ tục phá sản có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

  • Nghĩa vụ về tài sản phát sinh sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản được giải quyết theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

     Thứ hai, cấm đảm nhiệm chức vụ đối với chủ doanh nghiệp phá sản. Cụ thể, theo Điều 130 Luật phá sản năm 2014 quy định các cá nhân bị cấm đảm nhiệm chức vụ sau khi doanh nghiệp phá sản, bao gồm:

  • Người giữ chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị không được đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước.

  • Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp có vốn nhà nước mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn của Nhà nước.

  • Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm các quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28 và khoản 1 Điều 48 của Luật phá sản năm 2014 thì Thẩm phán sẽ xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản.

     Giải thể doanh nghiệp dẫn đến chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp và doanh nghiệp bị xóa tên trong sổ đăng ký doanh nghiệp. Đồng thời, việc phá sản doanh nghiệp không phải bao giờ cũng là chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, không phải trường hợp mở thủ tục phá sản nào cũng dẫn đến việc doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, phải chấm dứt hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp còn có thể có cơ hội phục hồi hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không nhất thiết sẽ dẫn tới việc mở thủ tục phá sản; ngay cả khi yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp còn tới thời gian 03 tháng có thể thương lượng với chủ nợ. Khi doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động kinh doanh thì được coi là không còn lâm vào tình trạng phá sản nếu thủ tục phục hồi doanh nghiệp được thực hiện thành công.

4. Câu hỏi liên quan

Câu 1. Doanh nghiệp có được tự mình ra quyết định phá sản hay không?

     Theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Luật phá sản năm 2014 thì doanh nghiệp không được tự mình ra quyết định phá sản mà việc phá sản của doanh nghiệp phải đáp ứng được hai yếu tố: 

  • Doanh nghiệp đang trong tình trạng mất khả năng thanh toán.

  • Bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Câu 2. Chủ thể nào có quyền nộp đơn yêu cầu phá sản?

     Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Luật phá sản năm 2014 thì các chủ thể sau sẽ có quyền nộp đơn yêu cầu phá sản:

  • Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

  • Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

  • Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

  • Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

  • Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Bài viết liên quan:

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề “Hậu quả pháp lý của phá sản doanh nghiệp”, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6178 để được hỗ trợ tư vấn.

Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

Chuyên viên: Vũ Phương Anh

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com