Quản lý thị trường có được tịch thu hàng hóa không?

Chủ nhật , 31/03/2024, 08:28


Cơ quan quản lý thị trường là một cơ quan quan trọng để đảm bảo hàng hoá trên thị trường được kinh doanh đúng theo quy định của pháp luật, cũng như đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng không bị xâm hại. Trong trường hợp phát hiện hàng hoá vi phạm quy định pháp luật, quản lý thị trường có được tịch thu hàng hoá không?  

1. Quản lý thị trường là cơ quan nào?

     Khái niệm quản lý thị trường chưa được quy định rõ trong Luật, tuy nhiên có thể hiểu quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách được tổ chức từ Trung ương đến huyện, có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước. Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ để lãnh đạo, quản lý lực lượng quản lý thị trường này.

2. Quản lý thị trường có được tịch thu hàng hóa không?

     Để xem quản lý thị trường có được tịch thu hàng hoá hay không thì cần nhìn vào Điều 8 Pháp lệnh quản lý thị trường năm 2016, trong đó quy định rõ về nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý thị trường:

Điều 8. Nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng Quản lý thị trường

1. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi kiểm tra theo quy định tại Điều 17 của Pháp lệnh này.

2. Thanh tra chuyên ngành.

3. Xử lý vi phạm hành chính.

4. Thu thập tài liệu, chứng cứ, lấy mẫu sản phẩm hàng hóa, tang vật, phương tiện có dấu hiệu vi phạm, trưng cầu giám định, kiểm nghiệm mẫu vật là hàng hóa, tài liệu, giấy tờ, vật chứng liên quan đến vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân.

5. Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phục vụ hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính.

6. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật với các tổ chức, cá nhân.

7. Tổ chức thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật.

8. Xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý địa bàn, kết quả kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính và cơ sở dữ liệu khác phục vụ hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường; tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường với cấp có thẩm quyền; đề xuất, kiến nghị ban hành, sửa đổi các quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao.

9. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính.

10. Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công thương thực hiện các nội dung quản lý nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh này.

     Theo đó, cơ quan quản lý thị trường có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, mà trong khoản 1 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, có 05 hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

  • Cảnh cáo;

  • Phạt tiền;

  • Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

  • Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính

  • Trục xuất.

     Vậy nên có thể hiểu cơ quan quản lý thị trường hoàn toàn có thẩm quyền để tịch thu những loại hàng hoá nhập lậu và được bày bán trái quy định của pháp luật.

3. Những loại hàng hoá có thể bị tịch thu là gì?

     Theo điều 7 Pháp lệnh về quản lý thị trường năm 2016 quy định có quy định rằng:

Điều 7. Vị trí, chức năng của lực lượng Quản lý thị trường

Lực lượng Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

     Như vậy, nếu những loại hàng hoá thuộc một trong các trường hợp sau thì sẽ bị đội quản lý thị trường tịch thu:

  • Hàng hoá từ hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu: là sản phẩm nhập lậu từ các quốc gia khác;

  • Hàng hoá từ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ: là sản phẩm được nhái lại từ sản phẩm khác hoặc là hàng hoá không được ghi rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ;

  • Hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: là hàng hoá sản xuất từ hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ví dụ như nhái lại thương hiệu của các hãng thời trang nổi tiếng, khiến người mua hiểu lầm về nguồn gốc của loại hàng hoá đó;

  • Hàng hoá vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại: là hàng hoá không đáp ứng chất lượng, hàng hoá bán phá giá so với thị trường hoặc hàng hoá quảng cáo thông tin sản phẩm một cách sai lệch để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng

  • Hàng hoá vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: ví dụ như hàng hoá gây nguy hại cho sức khoẻ người tiêu dùng, hoặc không có điều kiện bảo hành rõ ràng hay không quy định được rõ những thông tin quan trọng của sản phẩm như nguồn gốc, nguyên liệu.

4. Hỏi đáp về Quản lý thị trường có được tịch thu hàng hóa không?

Câu hỏi 1. Các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng quản lý thị trường là gì?

     Theo khoản 1 điều 32 của Pháp lệnh quản lý thị trường 2016, các biện pháp nghiệp vụ mà lực lượng quản lý thị trường có thể thực hiện là:

  • Quản lý theo địa bàn đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại;

  • Thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin phục vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính;

  • Giám sát hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân;

  • Xây dựng cơ sở cung cấp thông tin để phục vụ hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường

Câu hỏi 2. Cá nhân được kiểm tra bởi quản lý thị trường có quyền gì?

     Các cá nhân khi được cơ quan quản lý thị trường kiểm tra có các quyền sau đây theo Điều 30 Pháp lệnh quản lý thị trường 2016:

  • Được thông báo bằng văn bản về kế hoạch kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề; được thông báo về nội dung, thời gian kiểm tra khi công bố quyết định kiểm tra đột xuất.

  • Từ chối việc kiểm tra nếu có căn cứ cho rằng việc kiểm tra không đúng quy định của Pháp lệnh này và pháp luật có liên quan.

  • Giải trình và đưa ra ý kiến, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình liên quan đến nội dung kiểm tra.

  • Trực tiếp làm việc hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp làm việc với cơ quan kiểm tra khi được kiểm tra, bị xử lý vi phạm hành chính.

  • Yêu cầu cơ quan kiểm tra cải chính công khai hoặc xin lỗi và bồi thường thiệt hại nếu có căn cứ cho rằng việc kiểm tra, xử lý không đúng pháp luật ảnh hưởng đến uy tín, danh dự hoặc gây thiệt hại vật chất của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

  • Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện về việc kiểm tra, xử lý không đúng pháp luật theo quy định của pháp luật.

Bài viết liên quan:

     Để được tư vấn thêm những thông tin cần thiết về Quản lý thị trường có được tịch thu hàng hóa không?, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến số điện thoại: 19006178 để được hỗ trợ nhanh nhất!
     
 Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Trần Bảo Ngọc

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com