Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự trong thủ tục phá sản

Thứ 7 , 20/07/2024, 04:24


Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Vậy tại đây nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự trong thủ tục phá sản hiện nay được quy định như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu tại bài viết dưới đây của Luật Toàn Quốc.  

1. Cơ quan thi hành án dân sự là gì? 

     Hiện nay, pháp luật không có định nghĩa cụ thể về “thi hành án dân sự”. Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 1 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi bởi khoản 1, Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi năm 2014 quy định thì khái niệm này có thể được hiểu như sau:

     Thi hành án dân sự là một trình tự, thủ tục thi hành gắn liền với hoạt động xét xử của Tòa án, trọng tài, luật sư. Giải quyết tranh chấp vì xét xử, giải quyết tranh chấp và thi hành án dân sự là hai mặt của quá trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Thi hành án dân sự tiếp nối với xét xử làm cho bản án, quyết định có hiệu lực trên thực tế.

     Theo đó, khái niệm “cơ quan thi hành án dân sự” được hiểu là Cơ quan nhà nước có chức năng tổ chức việc thi hành án dân sự. Các cơ quan thi hành án gồm có cơ quan thi hành án cấp tỉnh, quận, huyện thị xã, thành phố thuộc tỉnh. 

     Trong cơ quan thi hành án dân sự có chấp hành viên trưởng, các chấp hành viên và các cán bộ làm công tác thi hành án. Đứng đầu cơ quan thi hành án có thủ trưởng cơ quan thi hành án. Ngoài các cơ quan thi hành án nêu trên thì Ủy ban nhân dân cấp xã cũng tham gia thi hành án dân sự đối với những vụ việc được thi hành án cấp huyện giao.

     Cơ quan thi hành án dân sự cũng là chủ thể tham gia quá trình giải quyết yêu cầu phá sản. Chủ thể này sẽ tham gia quá trình giải quyết yêu cầu phá sản trong trường hợp có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án.

2. Nhiệm vụ của cơ quan thi hành án dân sự trong thủ tục phá sản gồm những gì?

     Hiện nay, pháp luật nước ra đã nêu rõ về những nhiệm vụ của cơ quan thi hành án dân sự trong thủ tục phá sản tại Điều 17, Luật Phá sản năm 2014. Cụ thể:

   “Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự

1. Thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu, quyết định tuyên bố phá sản và các quyết định khác theo quy định của Luật này.

2. Yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tổ chức thực hiện việc định giá, thanh lý tài sản; thực hiện việc thanh lý tài sản trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 121 của Luật này.

3. Giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản khi thực hiện thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo việc thanh lý tài sản.

4. Đề xuất Tòa án nhân dân thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình thực hiện việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo quy định tại Điều 46 của Luật này.

5. Phân chia tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định của Tòa án nhân dân.

6. Quyết định kết thúc việc thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

7. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”.

     Theo đó, với quy định pháp luật đã nêu trên, nhiệm vụ của của cơ quan thi hành án dân sự trong thủ tục phá sản được nêu rõ bao gồm những nhiệm vụ như sau:

     Thứ nhất, thi hành các quyết định của Tòa án:

  • Thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
  • Thi hành quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu.
  • Thi hành quyết định tuyên bố phá sản.
  • Thi hành các quyết định khác theo quy định của Luật Phá sản.

    Thứ hai, giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản:

  • Giám sát việc định giá, thanh lý tài sản.
  • Yêu cầu báo cáo về việc thanh lý tài sản.
  • Đề xuất thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản nếu có vi phạm.

     Thứ ba, phân chia tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản: 

  • Thực hiện theo quyết định của Tòa án nhân dân.

     Thứ tư, kết thúc việc thi hành quyết định tuyên bố phá sản: 

  • Khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định.

    Thứ năm, thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

3. Quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự trong thủ tục phá sản được quy định như thế nào?

     Đối với các quyền hạn thuộc về cơ quan thi hành án dân sự trong thủ tục phá sản, hiện nay Điều 17, Luật Phá sản năm 2014 đã có quy định chi tiết về vấn đề này. Theo đó, các quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự trong thủ tục giải quyết phá sản được nêu rõ như sau:

     Thứ nhất, quyền yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện các công việc:

  • Định giá, thanh lý tài sản.
  • Báo cáo về việc thanh lý tài sản.

     Thứ hai, có quyền đề xuất Tòa án thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản:

  • Trong trường hợp có vi phạm hoặc không thực hiện đúng nghĩa vụ.
  • Quyết định kết thúc việc thi hành quyết định tuyên bố phá sản.

    Theo đó, cơ quan thi hành án dân sự trong thủ tục phá sản sẽ chỉ có thẩm quyền thi hành các quyết định của Tòa án trong thủ tục phá sản và không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh trong thủ tục phá sản.

4. Câu hỏi liên quan

Câu 1. Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hay không?

     Căn cứ theo quy định tại Điều 49, Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì cơ quan thi hành án dân sự hoàn toàn có thẩm quyền xử phạt đối với các vi phạm hành chính. Cụ thể:

  • Chấp hành viên thi hành án dân sự đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 500.000 đồng.

  • Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 2.500.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật này.

  • Chấp hành viên thi hành án dân sự là Tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản của vụ việc phá sản có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 5.000.000 đồng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật này.

  • Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Trưởng phòng Phòng Thi hành án cấp quân khu có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 20.000.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật này.

  • Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực thi hành án dân sự quy định tại Điều 24 của Luật này; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật này.

Câu 2. Cơ quan thi hành án dân sự có nhiệm vụ thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu, quyết định tuyên bố phá sản hay không?

     Căn cứ, theo quy định tại khoản 1, Điều 17, Luật Phá sản năm 2014 thì cơ quan thi hành án dân sự chính là cơ quan có nhiệm vụ thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu, quyết định tuyên bố phá sản.

Bài viết liên quan:

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề “Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự trong thủ tục phá sản”, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6178 để được hỗ trợ tư vấn.

Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

Chuyên viên: Vũ Phương Anh

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com