Quyền và nghĩa vụ của công ty quản lý thanh lý tài sản theo quy định pháp luật

Thứ 2 , 25/11/2024, 14:58


Theo nghĩa thông thường, phá sản là việc đơn vị kinh doanh không thể tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh cũng như trả các khoản nợ, khoản tiền khác. Lúc này cần đến sự trợ giúp của công ty quản lý, thanh lý tài sản để giúp doanh nghiệp đó giải quyết những khoản nợ còn tồn tại và những tài sản thuộc sở hữu của công ty. Vậy quyền và nghĩa vụ của công ty quản lý thanh lý tài sản theo quy định pháp luật như thế nào?

1. Công ty quản lý, thanh lý tài sản là gì?

     Theo khoản 8 điều 4 Luật phá sản 2014, công ty hay doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là:

Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.

     Như vậy, các công ty quản lý, thanh lý tài sản sẽ giúp cho những doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản hoặc đã phá sản giải quyết những vấn đề liên quan đến mua bán tài sản để tối ưu hoá lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp đó.

2. Quyền và nghĩa vụ của công ty quản lý, thanh lý tài sản

     Điều 16 Luật phá sản 2014 đã quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công ty quản lý, thanh lý tài sản. Sở dĩ không chia ra làm hai phần quyền và nghĩa vụ riêng là bởi quyền của công ty quản lý, thanh lý tài sản hầu như chính là nghĩa vụ mà họ phải thực hiện, theo đó bao gồm những quyền và nghĩa vụ sau đây:

  • Quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, bao gồm những công việc sau:​ Xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã; Lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ; Bảo quản tài sản; ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của Thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi bán, thanh lý tài sản; Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật; Được thuê cá nhân, tổ chức thực hiện công việc theo quy định của pháp luật; Đề xuất với Thẩm phán về việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã để bảo đảm chi phí phá sản; Bán tài sản theo quyết định của Thẩm phán để bảo đảm chi phí phá sản; Tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản theo quy định của Luật này; báo cáo cơ quan thi hành án dân sự, thông báo đến người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài sản; Gửi các khoản tiền thu được vào tài khoản do Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng.

  • Đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo pháp luật: nếu doanh nghiệp hoặc hợp tác xã phá sản mà không còn người đại diện theo pháp luật, lúc này công ty quản lý, thanh lý tài sản có thể thay mặt doanh nghiệp phá sản đứng ra giải quyết những vấn đề liên quan đến tài sản.

  • Báo cáo về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán: công ty quản lý, thanh lý tài sản còn có trách nhiệm báo cáo về tình trạng nợ nần của doanh nghiệp, hợp tác xã. Đối với những doanh nghiệp và hợp tác xã sắp phá sản, công ty quản lý, thanh lý tài sản còn có thể giúp phục hồi hoạt động kinh doanh, đưa doanh nghiệp ra khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán.

  • Đề nghị Thẩm phán tiến hành các công việc sau: Thu thập tài liệu, chứng cứ; Tuyên bố giao dịch vô hiệu và quyết định thu hồi tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp; Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng biện pháp xử phạt hành chính; chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật.

  • Được hưởng thù lao và thực hiện trách nhiệm bảo hiểm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật: Công ty quản lý, thanh lý tài sản khi giúp doanh nghiệp và hợp tác xã xử lý tài sản thì có quyền được hưởng thù lao, ngoài ra cũng có trách nhiệm mua bảo hiểm nghề nghiệp cho quản tài viên.

  • Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo yêu cầu của Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự; chịu trách nhiệm trước Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình: Công ty quản lý, thanh lý tài sản cần phải thông báo về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền, ngoài ra phải đảm bảo rằng việc thực hiện những quyền và nghĩa vụ đó sẽ tuân theo quy định của pháp luật.

3. Ai có trách nhiệm giám sát công ty thanh lý, quản lý tài sản thực hiện quyền và nghĩa vụ?

     Tại điều 9 Luật phá sản 2014 đã quy định về nghiệm vụ và quyền hạn của thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản, theo đó:

Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản

1. Xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản trong trường hợp cần thiết.

2. Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.

3. Quyết định chỉ định hoặc thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

4. Giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

5. Quyết định việc thực hiện kiểm toán doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong trường hợp cần thiết.

6. Quyết định việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán sau khi mở thủ tục phá sản để bảo đảm chi phí phá sản.

7. Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

8. Áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền dẫn giải đại diện của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật.

9. Tổ chức Hội nghị chủ nợ.

10. Quyết định công nhận Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ về phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.

11. Quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản.

12. Quyết định tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

13. Áp dụng biện pháp xử phạt hành chính, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật.

14. Tham khảo quyết định giải quyết phá sản trước đó trong vụ việc phá sản tương tự theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao.

15. Phải từ chối giải quyết phá sản nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật này.

16. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

     Như vậy, thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản sẽ có trách nhiệm giám sát hoạt động của công ty quản lý, thanh lý tài sản. Ngoài ra, nếu thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản nhận thấy công ty quản lý, thanh lý tài sản đang hoạt động không đúng với quyền và nghĩa vụ theo pháp luật, thì họ cũng có quyền thay đổi công ty khác.

4. Hỏi đáp về quyền và nghĩa vụ của công ty quản lý, thanh lý tài sản

Câu hỏi 1. Loại hình doanh nghiệp nào được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản?

     Căn cứ Khoản 1 Điều 13 Luật Phá sản 2014 các loại doanh nghiệp sau đây được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản:

  • Công ty hợp danh;

  • Doanh nghiệp tư nhân.

     Như vậy, chỉ doanh nghiệp loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân mới được phép hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.

Câu hỏi 2. Phí thẩm định điều kiện để được hoạt động quản lý, thanh lý tài sản là bao nhiêu?

     Tại Điều 4 Thông tư số 224/2016/TT-BTC quy định phí thẩm định điều kiện hoạt động quản lý, thanh lý tài sản đối với quản tài viên đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản hay với tư cách doanh nghiệp đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản là 500.000 đồng/ hồ sơ.

Bài viết liên quan:

     Để được tư vấn thêm những thông tin cần thiết về quyền và nghĩa vụ của công ty quản lý thanh lý tài sản, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến số điện thoại: 19006178 để được hỗ trợ nhanh nhất!
   
  Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Trần Bảo Ngọc

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]