Quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con
Thứ 5 , 14/11/2024, 09:07
Câu hỏi của bạn:
Xin chào luật sư! Tôi đang làm thủ tục ly hôn đơn phương với chồng tôi. Tôi muốn giành quyền nuôi con. Vậy tôi có thể yêu cầu chồng tôi cấp dưỡng nuôi con được không? Rất mong được Luật sư giải đáp. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Câu trả lời của luật sư:
Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con, chúng tôi xin cung cấp thông tin tư vấn về vấn đề nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014
- Bộ luật Dân sự 2015
- Bộ luật Hình sự 2015
- Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính
Nội dung tư vấn:
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng là gì?
Tại Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 đã ghi nhận:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
24. Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.
...”
Theo quy định trên, ta có thể thấy quan hệ cấp dưỡng chỉ tồn tại giữa hai chủ thể, một bên là người có nghĩa vụ cấp dưỡng, một bên là người nhận cấp dưỡng. Và quan hệ này là quan hệ đặc trưng trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Đây là một quan hệ pháp luật có điều kiện, tương ứng với mỗi quan hệ khác nhau giữa các thành viên trong gia đình với những đặc điểm cơ bản sau:
- Nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh giữa các chủ thể trên cơ sở quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng.
- Quan hệ cấp dưỡng không chỉ là quan hệ nhân thân mà còn mang tính tài sản, song không mang tính đền bù ngang giá.
- Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
- Nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh trong điều kiện nhất định.
- Việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thông qua lương tâm, đạo đức, dư luận xã hội và cả các biện pháp cưỡng chế thi hành.
2. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con
Theo quy định tại Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình 2014 nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con như sau:
"Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con."
Từ quy định trên, ta có thể thấy, nghĩa vụ cấp dưỡng phát sinh trong các trường hợp sau:
- Con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với cha mẹ
Vẫn đang trong quan hệ hôn nhân mà cha mẹ không có điều kiện trực tiếp nuôi con, con được giao cho người khác trông nom thì cha mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng con. Hoặc sau khi cha mẹ ly hôn, con sống với cha hoặc mẹ, khi đó người còn lại phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Nghĩa vụ cấp dưỡng cũng phát sinh cả khi cha và mẹ không trong quan hệ hôn nhân, khi đó con sống chung với ai thì người còn lại vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015, người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp cha, mẹ ly hôn khi con chưa đủ 18 tuổi, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ phải chi trả tiền cấp dưỡng để đảm bảo quyền lợi cho con về tài sản cho đến khi con trưởng thành.
Đối với con đã thành niên, cha, mẹ vẫn có trách nhiệm phải chi trả cấp dưỡng nếu thuộc các trường hợp sau: Con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Không có khả năng lao động có thể là do mất sức lao động, bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự... Tuy nhiên, không có khả năng lao động phải đi kèm với điều kiện không có tài sản để tự nuôi mình thì mới phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp sống chung nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi con.
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định cha mẹ có nghĩa vụ: Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Cha mẹ thì có nghĩa vụ ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con. Nhưng trong một số trường hợp, cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên và bị Tòa án ra quyết định giao con cho người giám hộ nuôi dưỡng. Khi đó con sẽ không được sống chung với cha mẹ và lúc đó sẽ phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha mẹ với con.
Căn cứ theo Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cha mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên nếu bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Trong trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cha mẹ bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên thì người được quyền thực hiện quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật cho con theo Điều 87 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Khi đó cha hoặc mẹ hoặc cha mẹ vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Mức cấp dưỡng của cha mẹ đối với con
Theo quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cách xác định mức cấp dưỡng được thực hiện như sau:
- Thứ nhất, căn cứ vào sự thỏa thuận giữa người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ.
- Thứ hai, nếu các bên không thể thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án quyết định căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.
Phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con có thể thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận với nhau về phương thức nhận cấp dưỡng.
Nếu bên cấp dưỡng gặp khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì có thể yêu cầu thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng.
4. Hỏi đáp về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con
Câu hỏi 1: Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng xử lý như thế nào?
-
Về hành chính: Căn cứ theo Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;
+ Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định.
-
Về hình sự: Căn cứ theo Điều 186 Bộ Luật Hình sự 2015
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, thuộc một trong hai trường hợp sau và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật Hình sự thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
- Làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe;
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự mà còn vi phạm.
Câu hỏi 2: Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối con bị chấm dứt khi nào?
Căn cứ theo Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con chấm dứt trong các trường hợp sau:
- Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;
- Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
- Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
- Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Câu hỏi 3: Con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ không?
Căn cứ theo điều 111 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con
Tư vấn qua Tổng đài 1900 6178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con và những vấn đề có liên quan mà bạn còn chưa rõ. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.
Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con tới địa chỉ: [email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.
Chuyên viên: Lê Hằng
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: [email protected]