Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài như thế nào
Thứ 6 , 08/11/2024, 08:42
1. Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài là gì?
Đăng ký kết hôn là thủ tục hành chính nhằm xác lập và ghi nhận quan hệ vợ chồng hợp pháp cho hai bên nam, nữ khi đáp ứng các điều kiện của pháp luật. Hiện nay, nước ta đã tạo điều kiện không chỉ công dân Việt Nam được đăng ký kết hôn mà người nước ngoài cũng có thể thực hiện thủ tục này.
Khoản 25 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình có quy định như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
....
25. Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
Như vậy, có thể hiểu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài là việc đăng ký kết hôn mà có ít nhất một bên là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
2. Điều kiện đăng ký kết hôn với người nước ngoài
Việc kết hôn nói chung và đăng ký kết hôn với người nước ngoài phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định. Điều 126 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định như sau:
Điều 126. Kết hôn có yếu tố nước ngoài
1. Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn.
2. Việc kết hôn giữa những người nước ngoài thường trú ở Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn.
Như vậy, điều kiện đầu tiên mà pháp luật đưa ra đó là mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn, đồng thời nhấn mạnh nếu việc kết hôn được tiến hành ở Việt Nam thì còn phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối chiếu với quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình, nam, nữ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Thứ nhất, nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
Đây là độ tuổi mà các bên đã trưởng thành đầy đủ về mặt tâm lý và thể chất, đáp ứng được những điều kiện tối thiểu để có thể bắt đầu cuộc sống hôn nhân.
Trong một số trường hợp nếu việc xác định tuổi chính xác của các bên khó khăn thì sẽ căn cứ theo nguyên tắc của Bộ luật Dân sự và Luật Hộ tịch, cụ thể như sau:
- Nếu xác định được năm sinh nhưng không xác định được tháng sinh thì tháng sinh là tháng 01 của năm sinh đó;
- Nếu xác định được năm sinh, tháng sinh nhưng không xác định được ngày sinh thì ngày sinh là ngày mùng 01 của tháng sinh đó.
- Thứ hai, việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
Đây là nguyên tắc được xem là quan trọng nhất đối với hôn nhân, bởi vậy mà đã được duy trì trong Luật Hôn nhân và Gia đình ở nhiều thời kì. Nguyên tắc này vừa góp phần bảo đảm quyền tự do của công dân vừa thể hiện sự tiến bộ, tôn trọng của Nhà nước đối với mỗi cá nhân.
- Thứ ba, không bị mất năng lực hành vi dân sự;
Việc kết hôn phải đến từ ý chí tự nguyện quyết định của cả hai bên, trong khi đó người mất năng lực hành vi dân sự là người không thể làm chủ được nhận thức và hành vi, do đó không thể đáp ứng điều kiện để có thể đăng ký kết hôn.
- Thứ tư, việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết, bao gồm:
- Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo
- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn
- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ
- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng
- Thứ năm, Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Ở thời điểm hiện tại, pháp luật Việt Nam không còn ngăn cấm hôn nhân đồng giới như trước đây nữa. Tuy nhiên trong các văn bản pháp lý cũng chưa từng công nhận vấn đề này, đồng thời đưa ra khẳng định như sau:
Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Như vậy, có thể ngầm hiểu rằng tuy không ngăn cấm nhưng quan hệ hôn nhân đồng giới vì chưa từng được pháp luật công nhận một cách chính thức và không có giá trị về mặt pháp lý.
- Thứ sáu, việc đăng ký kết hôn phải được thực hiện ở cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng trình tự, thủ tục.
3. Hồ sơ cần chuẩn bị
– Với người Việt Nam:
- Giấy tờ tùy thân (Căn cước hoặc chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu) (bản sao có chứng thực)
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (được cấp có hiệu lực trong vòng 6 tháng);
- Giấy khám sức khỏe của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi
- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu
- Trường hợp đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì còn phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn; nếu là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó
– Với người nước ngoài:
- Hộ chiếu/Thẻ tạm trú (đã được hợp pháp hóa lãnh sự);
- Giấy tờ tương đương xác nhận tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
- Giấy khám sức khỏe của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi
- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu
4. Thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, các bên nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền, việc đăng ký kết hôn của các bên sẽ được tiến hành theo trình tự sau:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tư pháp tiến hành nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ và xác minh nếu thấy cần thiết. Trưởng phòng Phòng Tư pháp chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra và đề xuất của Phòng Tư pháp trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn.
Nếu hồ sơ hợp lệ, các bên có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, không thuộc trường hợp từ chối kết hôn đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 33 của Nghị định này thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
Căn cứ tình hình cụ thể, khi cần thiết, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quy định bổ sung thủ tục phỏng vấn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên và hiệu quả quản lý Nhà nước.
5. Thẩm quyền đăng ký kết hôn
Thẩm quyền đăng ký kết hôn hiện nay được quy định tại Điều 37 Luật Hộ tịch 2014, cụ thể như sau:
Điều 37. Thẩm quyền đăng ký kết hôn
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.
2. Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.
Như vậy, đối với trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về Ủy ban nhân dân cấp huyện.
6. Hỏi đáp về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài
Câu hỏi 1: Nếu ly hôn với người nước ngoài thì người nước ngoài có nghĩa vụ cấp dưỡng như thế nào?
Theo quy định tại Điều 129, nghĩa vụ cấp dưỡng có yếu tố nước ngoài được quy định như sau:
Nghĩa vụ cấp dưỡng tuân theo pháp luật của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng cư trú. Trường hợp người yêu cầu cấp dưỡng không có nơi cư trú tại Việt Nam thì áp dụng pháp luật của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng là công dân.
Câu hỏi 2: Xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ở đâu?
Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì thẩm quyền cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho thuộc về Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của công dân.
Trường hợp công dân Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó đăng ký tạm trú cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài
Tư vấn qua Tổng đài 19006178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi và những vấn đề có liên quan về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài như nơi đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài - kết hôn có yếu tố nước ngoài là gì - lệ phí đăng ký kết hôn với người nước ngoài hay lệ phí đăng ký kết hôn với người nước ngoài.. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.
Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu cho công ty và các vấn đề có liên quan về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài địa chỉ: [email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!
Chuyên viên: Hải Quỳnh
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: [email protected]