Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu theo quy định pháp luật

Thứ 5 , 12/05/2022, 03:59


     Khi nào hợp đồng lao động vô hiệu? Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu thuộc về cơ quan nào? Trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu sẽ xử lý như thế nào

Câu hỏi của bạn:    

     Xin chào luật sư! Tôi nghe nói hợp đồng vô hiệu thì không phát sinh hiệu lực pháp luật. Vậy khi tôi đã làm được một thời gian mà mới phát hiện ra hợp đồng lao động của tôi bị vô hiệu thì xử lý như thế nào? Rất mong được Luật sư giải đáp. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Câu trả lời của luật sư:

       Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về xử lý hợp đồng lao động vô hiệu theo quy định pháp luật, chúng tôi xin cung cấp thông tin tư vấn về vấn đề này như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Lao động 2019

  • Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động

  • Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động

1. Khái niệm hợp đồng lao động

     Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 thì hợp đồng lao động là văn bản ghi nhận sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả tiền lương, trả công, về điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Kể cả khi các bên thỏa thuận ký kết các loại hợp đồng có tên gọi khác nhưng trong nội dung của hợp đồng có thể hiện về việc các vấn đề bao gồm làm có trả công, tiền lương và quy định về sự điều hành, quản lý, giám sát của một bên với bên còn lại thì cũng sẽ được coi là hợp đồng lao động.

2. Các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu

     Theo Điều 49 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng lao động có thể vô hiệu từng phần hoặc toàn bộ.

     Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:

  • Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;
  • Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực trong giao kết hợp đồng lao động.
  • Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.

     Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.

3. Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu

     Tại khoản 1 Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Điều 50 Bộ luật lao động 2019 quy định: "Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu."

     Bên cạnh đó, điểm v khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền toà án theo lãnh thổ như sau:

Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

...2. Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

...v) Tòa án nơi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể đó vô hiệu;…"

     Theo quy định trên thì Toà án nhân dân nơi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động sẽ có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

4. Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu

4.1 Hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần 

      Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 145/2020/NĐ-CP về việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần như sau:

 a) Trường hợp hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần sẽ xử lý như sau:

  • Sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động cho phù hợp.
  • Trường hợp không thống nhất sửa đổi, bổ sung thì chấm dứt hợp đồng lao động.

b) Quyền lợi của các bên khi hợp đồng lao động vô hiệu từng phần

  • Trường hợp sửa đổi, bổ dung hợp đồng lao động:

+ Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên trong thời gian làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần đến khi hợp đồng được sửa đổi, bổ sung thì được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng (nếu không có thì thực hiện theo pháp luật).

+ Hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu có tiền lương thấp hơn so với quy định pháp luật, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng: Thỏa thuận lại mức lương cho đúng quy định; Người sử dụng lao động hoàn trả phần tiền chênh lệch giữa tiền lương sau thỏa thuận và tiền lương trước đó.

  • Trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động:

+ Quyền và lợi ích của các bên được giải quyết như trường hợp đồng ý sửa phần hợp đồng vô hiệu.

+ Người lao động được trả trợ cấp thôi việc nếu đủ điều kiện.

+ Thời gian làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian người lao động làm việc để thực hiện chế độ về lao động.

     Các vấn đề khác liên quan do Tòa án giải quyết.

4.2 Xử lý hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ

     Căn cứ theo quy định tại Điều 10, 11 Nghị định 145/2020/NĐ-CP về việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn phần như sau: 

a) Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động   

     Cách xử lý:

  • Ký lại hợp đồng lao động.
  • Trường hợp không ký lại hợp đồng lao động thì chấm dứt hợp đồng lao động.

     Quyền lợi của các bên:

  • Trường hợp ký lại hợp đồng:

+ Nếu quyền, lợi ích của mỗi bên trong hợp đồng lao động không thấp hơn quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì thực hiện theo nội dung hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu;

+ Nếu hợp đồng lao động có nội dung về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của mỗi bên vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến phần nội dung khác của hợp đồng lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động thực hiện theo khoản 2 Điều 9 Nghị định này;

+Thời gian người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian làm việc của người lao động cho người sử dụng lao động để thực hiện chế độ theo quy định về lao động.

  • Trường hợp chấm dứt hợp đồng:

+ Quyền lợi các bên được thực hiện như hợp đồng ký lại

+ Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định.

     Các vấn đề khác do Tòa án giải quyết.

b) Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật hoặc công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm

     Cách giải quyết:

  • Giao kết hợp đồng mới.
  • Chấm dứt hợp đồng.

     Quyền lợi các bên:

  • Trường hợp ký hợp đồng mới:

Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động thực hiện theo trường hợp, hợp đồng vô hiệu do người giao kết hợp đồng không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết.

  • Trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động:

+ Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động giải quyết theo trường hợp ký hợp đồng mới.

+ Người sử dụng lao động trả cho người lao động một khoản tiền do hai bên thỏa thuận nhưng cứ mỗi năm làm việc ít nhất bằng một tháng lương tối thiểu vùng theo tháng áp dụng đối với địa bàn người lao động làm việc do Chính phủ quy định tại thời điểm quyết định tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Thời gian làm việc của người lao động để tính trợ cấp là thời gian làm việc thực tế theo hợp đồng lao động.

+ Giải quyết trợ cấp thôi việc theo quy định cho người lao động.

     Các vấn đề khác do Tòa án giải quyết.

5. Hỏi đáp về xử lý hợp đồng lao động vô hiệu theo quy định pháp luật

Câu hỏi 1Người 15 tuổi có được tự tham gia giao kết hợp đồng lao động không?

     Căn cứ Điều 18 Bộ luật lao động 2019 thì người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi muốn giao kết hợp đồng lao động cần có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó.

Câu hỏi 2:  Giao kết hợp đồng lao động dưới 01 tháng có phải thử việc không?

     Theo Điều 24 của Bộ luật lao động năm 2019 quy định thử việc sẽ do người sử dụng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng giao kết hợp đồng thử việc. Hợp đồng có đầy đủ các nội dung chủ yếu gồm có thời gian thử việc và các nội dung khác theo quy định của Luật này.

    Tuy nhiên theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Bộ luật Loa động 2019 quy định: “Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng”.  Như vậy, nếu bạn là người giao kết hợp đồng lao động dưới 1 tháng với người sử dụng lao động thì sẽ không phải thử việc.

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về xử lý hợp đồng lao động vô hiệu theo quy định pháp luật:

Tư vấn qua Tổng đài 1900 6178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về hợp đồng vô hiệu theo quy định pháp luật và các vấn đề khác liên quan. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi câu hỏi về xử lý hợp đồng lao động vô hiệu theo quy định pháp luật tới địa chỉ: lienheluattoanquoc.vn@gmail.com chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

       Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

Chuyên viên: Đinh Nga

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com