Tiền lương của giám đốc có được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp không?

Thứ 4 , 27/04/2022, 04:56


Chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế TNDN là một vấn đề quan trọng không thể bỏ qua đối với doanh nghiệp. Bài viết sau sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về tiền lương, tiền công của giám đốc liệu có được tính vào chi phí hợp lý không.

Câu hỏi của bạn:        

     Xin chào luật sư! Công ty tôi có thuê anh A làm Giám đốc, vậy khoản tiền lương và thưởng mà công ty tôi trả cho anh A có được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp khi tính thuế TNDN không? Xin cảm ơn! Tôi xin chân thành cảm ơn !

Câu trả lời của luật sư:

       Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về tiền lương của giám đốc được tính vào chi phí hợp lý không, chúng tôi xin cung cấp thông tin tư vấn về vấn đề này như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Doanh nghiệp 2020
  • Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành nghị định số 218/2013 ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 
  • Thông tư 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014, thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/08/2014, thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính

1. Chi phí hợp lý là gì?

     Chi phí hợp lý hay chi phí được trừ được sử dụng rất phổ biến trong các doanh nghiệp, nhất là bộ phận kế toán nhưng pháp luật nói chung và pháp luật về thuế nói riêng không có định nghĩa thế nào là chi phí hợp lý.

     Việc không định nghĩa là điều hợp lý, bởi lẽ chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế, tính thuế thu nhập doanh nghiệp rất đa dạng và phức tạp nên không thể quy định một khái niệm chung để nhận diện mọi chi phí.

     Mặc dù pháp luật không định nghĩa nhưng có quy định về điều kiện được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; theo đó một khoản chi chỉ cần đáp ứng điều kiện theo quy định sẽ trở thành chi phí hợp lý và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

     Căn cứ điều kiện chi phí được trừ quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC có thể hiểu chi phí hợp lý như sau:

     Chi phí hợp lý là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế và tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Điều kiện trở thành chi phí hợp lý

     Điều 4 Thông tư 96/2015/NĐ-CP quy định trừ các khoản chi không được trừ nêu tại khoản 2 Điều này thì doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ 03 điều kiện sau:

     Điều kiện 1: Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

     Điều kiện 2: Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định pháp luật.

     Điều kiện 3: Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần mà có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định pháp luật thuế giá trị gia tăng.

     Tóm lại, doanh nghiệp sẽ được trừ mọi khoản chi nếu khoản chi đó phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và khoản chi đó có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

     Lưu ý:

  • Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ mà từng lần mua có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
  • Trường hợp khi thanh toán mà doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh khoản chi phí này).

3. Tiền lương của giám đốc có được tính vào chi phí hợp lý không? 

     Tại điểm 2.6 khoàn 2 Điều 4 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định:

"2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
...
2.5. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
....
d) Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh."

    Do đó, trong trường hợp:

  •  Nếu giám đốc là chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty TNHH MTV, dù có hoặc không tham gia trực tiếp điều hành công ty thì chi phí lương vẫn không được tính và chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
  •  Nếu giám đốc của công ty TNHH 2 Thành viên trở lên hoặc Công ty Cổ phần thì Chi phí này vẫn là chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
  • Nếu giám đốc thuê ngoài, nhận lương hằng tháng từ chủ doanh nghiệp thì chi phí này được xem là chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.

4. Hỏi đáp về tiền lương của giám đốc có được tính vào chi phí hợp lý không:

Câu hỏi 1:Tiền thưởng tết cho người lao động có được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty hay không?

     Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC thì các khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau đây thì không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp:

  • Hợp đồng lao động.
  • Thoả ước lao động tập thể.
  • Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn.
  • Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

     Các khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ trên đây thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 2: Giám đốc công ty cổ phần có phải ký Hợp đồng lao động không?

     Về thẩm quyền  ký kết hợp đồng lao động của công ty cổ phần phải căn cứ Khoản 4 Điều 162 Luật doanh nghiệp năm 2020. Ngoài ra, vấn đề bổ nhiệm một người hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải căn cứ theo Điều 162 Luật doanh nghiệp năm 2020 có quy định như sau:

1. Hội đồng quản trị bổ nhiệm một thành viên Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

2. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao.

     Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

     Tiêu chuẩn và điều kiện của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc áp dụng theo quy định tại Điều 64 của Luật này.

    Như đã phân tích ở phân trên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty cổ phần được hội đồng quản trị bổ nhiệm từ một trong thành viên trong số họ thì trường hợp này công ty không cần ký hợp đồng lao động, hội đồng quản trị cần họp lại và ra quyết định bổ nhiệm chức danh giám đốc/ tổng giám đốc công ty.

     Nếu mà công ty muốn thuê mướn lao động bên ngoài công ty làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty thì phải kí hợp đồng lao động theo quy định tại Bộ luật lao động năm 2019. Quy định về thực hiện pháp luật hợp đồng lao động đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty sẽ do Hội đồng quản trị đảm nhận chức năng ký kết. Bởi vì theo Khoản 2 Điều 153 Luật doanh nghiệp 2020 quy định nghĩa vụ của Hội đồng quản trị:

Điều 153. Hội đồng quản trị

2. Hội đồng quản trị có quyền và nghĩa vụ sau đây:

i) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký kết hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định; quyết định tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của những người quản lý đó; cử người đại diện theo uỷ quyền tham gia Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông ở công ty khác, quyết định mức thù lao và quyền lợi khác của những người đó;

     Vấn đề ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được thực hiện theo quyết định của Hội đồng quản trị được thông qua nếu được đa số thành viên dự họp chấp thuận.

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về quy định về tiền lương của giám đốc có được tính vào chi phí hợp lý:

Tư vấn qua Tổng đài 1900 6178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về quy định về tiền lương của giám đốc có được tính vào chi phí hợp lý và các vấn đề khác liên quan. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi câu hỏi về quy định về quy định về tiền lương của giám đốc có được tính vào chi phí hợp lý tới địa chỉ: lienheluattoanquoc.vn@gmail.com chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

       Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

Chuyên viên: Đinh Nga

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com