Thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo pháp luật hiện hành

Thứ 5 , 14/11/2024, 09:07


     Hiện nay, tranh chấp là không tránh khỏi trong cuộc sống hiện nay, đặc biệt là trong lao động cá nhân. Thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là vấn đề quan trọng để đảm bảo giải quyết tranh chấp trong lao động. Nếu có các vấn đề liên quan đến thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân thì sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong quá trình làm thời hiệu giải quyết trang chấp. Để tránh những rắc rối liên quan, Luật Toàn Quốc sẽ giải đáp những vấn đề liên quan đến thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân  trong bài viết dưới đây.

Câu hỏi của bạn:

     Xin chào luật sư! Tôi với Công ty đang làm việc có xảy ra xung đột và công ty quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với tôi trước thời hạn. Tôi tính làm đơn khởi kiện công ty ra Tòa, tuy nhiên tôi nghe nói tranh chấp lao động có thời hiệu. Vậy thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là bao lâu. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Câu trả lời của luật sư: 

  Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân,chúng tôi xin cung cấp thông tin tư vấn về thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân như sau: 

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ Luật lao động 2019

1. Tranh chấp lao động là gì?

       Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Các loại tranh chấp lao động bao gồm: tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể.

2. Tranh chấp lao động cá nhân được hiểu thế nào?

          Tranh chấp lao động cá nhân được hiểu là sự mâu thuẫn, xung đột về quyền và lợi ích cá nhân người lao động và người sử dụng lao động về vấn đề liên quan đến điều kiện làm việc, lao động, tiền lương, thu thập hay việc thực hiện hợp đồng đã cam kết trong suốt quá trình làm việc, học nghề hoặc dạy nghề. Sự tranh chấp thường giữa các bên như người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại. 

3. Thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

      Thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo điều 190 Bộ luật lao động quy định như sau: 

Điều 190. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
1. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
2. Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
3. Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
4. Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. 
      Theo đó, thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân sẽ tùy thuộc vào yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động. Trường hơp yêu cầu giải quyết tại Tòa án thì thời hiệu là 1 năm, Hội đồng trọng tài lao động giải quyết là 9 tháng còn tại Hòa giải viên lao động là  6 tháng từ ngày phát hiện ra quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
       Khi người lao động phát hiện ra việc chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động…. thì có quyền khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. Thời điểm xác định thời hiệu kể từ ngày người lao động biết và có văn bản đề nghị giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. 
   

4. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

       Căn cứ theo quy định tại Điều 187 Bộ luật lao động 2019, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân gồm:

Điều 187. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:
1. Hòa giải viên lao động;
2. Hội đồng trọng tài lao động;
3. Tòa án nhân dân. 

      Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có quyền yêu cầu các bên tranh chấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ, trưng cầu giám định, mời người làm chứng và người có liên quan.

      Hòa giải viên lao động là người do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề; hỗ trợ phát triển quan hệ lao động. Tiêu chuẩn hòa giải viên lao động:

  • Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt.
  • Có trình độ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động.
  • Không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.

       Hội đồng trọng tài lao động: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng trọng tài lao động, bổ nhiệm Chủ tịch, thư ký và các trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động. Nhiệm kỳ của Hội đồng trọng tài lao động là 05 năm. Số lượng trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, ít nhất là 15 người, bao gồm số lượng ngang nhau do các bên đề cử, cụ thể như sau:

  • Tối thiểu 05 thành viên do cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề cử, trong đó có Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo và thư ký Hội đồng là công chức của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
  • Tối thiểu 05 thành viên do công đoàn cấp tỉnh đề cử;
  • Tối thiểu 05 thành viên do các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh thống nhất đề cử.

         Tiêu chuẩn và chế độ làm việc của trọng tài viên lao động được quy định như sau:

  • Trọng tài viên lao động là người hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm trong lĩnh vực quan hệ lao động, có uy tín và công tâm;
  • Khi đề cử trọng tài viên lao động, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, công đoàn cấp tỉnh, tổ chức đại diện của người sử dụng lao động có thể cử người của cơ quan, tổ chức mình hoặc cử người khác đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đối với trọng tài viên lao động theo quy định;
  • Thư ký Hội đồng trọng tài lao động thực hiện nhiệm vụ thường trực của Hội đồng trọng tài lao động. Trọng tài viên lao động làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.

5. Câu hỏi liên quan đến Thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Câu hỏi 1: Những nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động có gì?

  • Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
  • Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.
  • Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.
  • Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
  • Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.

Câu hỏi 2: Theo quy định pháp luật lao động có các loại tranh chấp lao động nào?

      Tranh chấp giữa cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động

  • Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

      Tranh chấp lao động tập thể với người sử dụng lao động

  • Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.

Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

Chuyên viên: Ngọc Hồng

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]