Tai nạn lao động phải giám định ở đâu?
Thứ 5 , 03/08/2023, 16:38
Câu hỏi của bạn:
Chào Luật sư, chồng tôi là công nhân xây dựng tại một công trường, khi đang xây dựng khung thép thì khung thép đổ sập xuống làm chồng tôi bị thương nặng. Theo tôi được biết thì trường hợp này được xem là tai nạn lao động. Vậy Luật sư cho tôi hỏi tai nạn lao động phải giám định ở đâu? Mong Luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Câu trả lời của Luật sư:
Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về tai nạn lao động phải giám định ở đâu? Chúng tôi xin cung cấp thông tin tư vấn về tai nạn lao động phải giám định ở đâu như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
- Thông tư 56/2017/TT-BYT
- Quyết định 2968/QĐ-BYT
1. Thế nào là tai nạn lao động?
Khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 đưa ra định nghĩa tai nạn lao động như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
8. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Như vậy, tai nạn lao động được hiểu là trường hợp tổn thương do những tai nạn bất ngờ xảy ra trong quá trình lao động, làm việc của người lao động và gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của người lao động. Trong đó, dấu hiệu về tai nạn xảy ra gắn với công việc, thực hiện nhiệm vụ của người lao động là dấu hiệu quan trọng nhất để phân biệt các tai nạn thông thường.
2. Tai nạn lao động phải giám định ở đâu?
Căn cứ theo Quyết định 2968/QĐ-BYT khi người lao động giám định thương tật lần đầu do tai nạn lao động và khám giám định lại đối với trường hợp tái phát tổn thương do tai nạn lao động thì các cơ quan có thẩm quyền giám định tai nạn lao động gồm:
- Hội đồng giám định Y khoa tỉnh;
- Hội đồng Giám định y khoa thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Bộ Giao thông vận tải;
- Hội đồng giám định Y khoa Trung ương.
3. Hồ sơ giám định tai nạn lao động
3.1. Hồ sơ giám định lần đầu
Khi giám định tai nạn lao động lần đầu, người lao động cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:
- Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động hoặc Giấy đề nghị khám giám định;
- Bản chính hoặc bản sao Giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế cấp;
- Bản chính hoặc bản sao Biên bản Điều tra tai nạn lao động;
- Giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án;
- CMND/CCCD/Hộ chiếu còn hiệu lực.
3.2. Hồ sơ giám định tái phát
Người bị tai nạn lao động khi đi giám định tái phát cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị khám giám định;
- Bản chính hoặc bản sao Tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc Giấy ra viện ghi rõ tổn thương thứ phát.
- Bản chính hoặc bản sao biên bản Giám định y khoa lần gần nhất kèm theo các Giấy chứng nhận thương tích ghi nhận các tổn thương trong biên bản;
- CMND/CCCD/Hộ chiếu.
4. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động như sau:
Điều 45. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;
3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Như vậy, người lao động chỉ được hưởng chế độ tai nạn lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Bị tai nạn tại nơi làm việc; Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người lao động; Trên tuyến đường từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc đến nơi ở thực hiện trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn.
Tuy nhiên, Người lao động sẽ không được hưởng chế độ tai nạn lao động dù tai nạn xảy ra trong quá trình lao động, làm việc, thực hiện nhiệm vụ của người lao động khi thuộc các trường hợp sau đây:
- Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
- Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
- Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
5. Hỏi đáp về tai nạn lao động phải giám định ở đâu?
Câu hỏi 1.Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng?
Người lao động bị tai nạn lao động mà suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng. Theo đó, suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
Hiện nay, mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu/tháng nên mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng tối thiểu mà người lao động có thể được hưởng là 447.000 đồng/tháng. Từ ngày, 01/7/2023, mức lương cơ sở sẽ tăng lên 1,8 triệu/tháng. Vì vậy, mức hưởng trợ cấp lao động hằng tháng tối thiểu mà người lao động có thể được hưởng sẽ tăng lên 540.000 đồng/tháng.
Câu hỏi 2. Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động gồm những gì?
Để làm thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động, người có yêu cầu chuẩn bị đẩy đủ các loại giấy tờ sau:
- Sổ bảo hiểm xã hội.
- Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú.
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
- Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động.
- Biên bản điều tra tai nạn lao động.
Cần tư vấn thêm về tai nạn lao động phải giám định ở đâu bạn có thể liên hệ đến Luật Toàn Quốc theo số 1900.6178.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!
Chuyên viên: Thanh Huyền
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: [email protected]