Khai khống vốn điều lệ bị xử phạt thế nào?

Thứ 4 , 20/03/2024, 10:08


Vốn điều lệ được coi là điều kiện tiền đề để thành lập công ty. Tuy nhiên phần lớn các công ty và doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay không góp đủ số vốn điều lệ như trên giấy tờ. Vậy khai khống vốn điều lệ bị xử phạt thế nào?

1. Vốn điều lệ là gì?

     Theo Khoản 34 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020, định nghĩa về vốn điều lệ là:

Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

     Như vậy, có thể hiểu vốn điều lệ là phần góp vốn hoặc cam kết góp vốn của các cá nhân/tổ chức vào công ty để trở thành chủ sở hữu/sở hữu chung khi thành lập công ty.

2. Thế nào được coi là hành vi khai khống vốn điều lệ?

     Căn cứ khoản 5 Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

Các hành vi bị nghiêm cấm
...
5. Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.

     Theo từ điển Tiếng Việt thì “khống” là không có trong thực tế, nhưng được xem, được tính như có thật, theo đó, có thể hiểu khai khống vốn điều lệ là việc ghi nhận vốn điều lệ không đúng với thực tế góp vốn. Từ quy định trên, có thể hiểu rằng hành vi khai khống vốn điều lệ có thể là hành vi thông báo số vốn điều lệ lớn hơn hoặc nhỏ hơn thực tế, hoặc cố tình định giá tài sản góp vốn với giá trị lớn hơn hoặc nhỏ hơn giá trị thực của tài sản.

     Tuy nhiên trên thực tế các doanh nghiệp và các công ty thường khai vốn điều lệ lớn hơn thực tế. Có rất nhiều công ty, doanh nghiệp đã thông báo vốn điều lệ của mình với cơ quan nhà nước lớn hơn hoặc thậm chí lớn hơn rất nhiều so với số vốn điều lệ thực góp. Mục đích của việc khai khống này chủ yếu để tăng sự uy tín trong mắt nhà đầu tư hoặc khách hàng có ý định hợp tác với công ty, bởi lẽ có quan niệm rằng, vốn điều lệ của một doanh nghiệp càng lớn thì đồng nghĩa với địa vị kinh tế trên thị trường của doanh nghiệp đó càng cao. Do vậy, khi con số vốn điều lệ được thổi phồng, doanh nghiệp có cơ hội lớn hơn trong tìm kiếm hợp đồng làm ăn, hoặc thông qua đó, thu hút thêm nhiều khách hàng và nhà đầu tư.

3. Khai khống vốn điều lệ bị xử phạt thế nào?

     Căn cứ theo Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm về kê khai vốn điều lệ như sau:

Điều 47. Vi phạm về kê khai vốn điều lệ
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.
4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng.
5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.

     Như vậy, tùy vào giá trị vốn điều lệ kê khai khống sẽ có mức phạt tiền tương ứng nêu trên. Mức phạt cho hành vi này nhỏ nhất là 20 triệu đồng và lớn nhất là 100 triệu đồng. Đồng thời, công ty hoặc doanh nghiệp còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp đối với từng hành vi.

4. Hỏi đáp về Khai khống vốn điều lệ bị xử phạt thế nào?

Câu hỏi 1. Cơ quan nào chịu trách nhiệm kiểm tra vốn điều lệ của công ty/ doanh nghiệp?

      Trên thực tế sẽ không có cơ quan nào kiểm tra vốn điều lệ công ty. Việc đăng ký vốn điều lệ và việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức vốn điều lệ là vấn đề của doanh nghiệp, phần lớn trường hợp bị phát hiện khai khống vốn điều lệ là khi làm việc với cơ quan thuế hoặc mắc sai phạm nào khác dẫn đến việc tài sản của công ty bị kiểm tra.

Câu hỏi 2. Giấy tờ chứng minh góp vốn điều lệ gồm những gì?

     Với mỗi loại hình doanh nghiệp khác nhau, nội dung trong Giấy chứng nhận góp vốn cũng khác nhau. Tuy nhiên, thông thường trên Giấy chứng nhận góp vốn của hầu hết loại hình doanh nghiệp đều ghi nhận các nội dung sau (theo khoản 5 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020):

  • Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
  • Vốn điều lệ của công ty;
  • Thông tin của cá nhân, tổ chức góp vốn: Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân (đối với thành viên là cá nhân); tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính (đối với thành viên là tổ chức);
  • Phần vốn góp, tỷ lệ phần vốn góp;
  • Số, ngày cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp;
  • Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.

Bài viết liên quan:

     Để được tư vấn thêm những thông tin cần thiết về khai khống vốn điều lệ, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến số điện thoại: 19006178 để được hỗ trợ nhanh nhất!
      
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Trần Bảo Ngọc

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com