Định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định hiện nay

Thứ 2 , 25/12/2023, 15:58


Góp vốn là hoạt động thường gặp trong quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Việc định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp là khâu vô cùng quan trọng, hãy cùng Luật Toàn Quốc tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nhé

     Góp vốn là hoạt động thường gặp trong quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Việc định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp là khâu vô cùng quan trọng, hãy cùng Luật Toàn Quốc tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nhé.

1. Tài sản góp vốn là gì?

     Theo khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.

     Theo Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tài sản góp vốn như sau:

Điều 34. Tài sản góp vốn

1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.

     Như vậy, có thể hiểu tài sản góp vốn sử dụng để góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm các tài sản là Đồng Việt Nam hoặc tài sản có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

2. Quy định về định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp

     Theo Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020, định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp được quy định như sau:

     Thứ nhất, tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.

     Thứ hai, tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Nếu tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.

     Nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

     Thứ ba, tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.

     Nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

3. Trách nhiệm pháp lý khi cố tình định giá tài sản góp vốn doanh nghiệp sai

     Theo điểm b Khoản 3 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm về thành lập doanh nghiệp. Cụ thể, hành vi cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

     Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:

2. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28; điểm a và điểm b khoản 2 Điều 38; Điều 62 và Điều 63 Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.

     Như vậy, hành vi cố ý định giá tài sản góp vốn doanh nghiệp sai đối với tổ chức mức phạt tiền là 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; đối với cá nhân mức phạt tiền là 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.

4. Câu hỏi liên quan định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp

Câu hỏi 1. Những loại tài sản góp vốn doanh nghiệp thường gặp?

     Thông thường, các loại tài sản được sử dụng để góp vốn vào doanh nghiệp là:

  • Đồng Việt Nam;

  • Ngoại tệ tự do chuyển đổi như bảng Anh, đồng Đô la Mỹ, đồng Euro,...

  • Vàng;

  • Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ (bao gồm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với cây trồng, quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả), công nghệ, bí quyết kỹ thuật và các loại tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Câu hỏi 2. Thành viên công ty tự định giá tài sản góp vốn khi thành lập được không?

     Theo Khoản 2 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020, khi thành lập doanh nghiệp, các thành viên, cổ đông sáng lập có thể cùng nhau định giá tài sản góp vốn theo nguyên tắc đồng thuận. Tuy nhiên, nếu định giá tài sản góp vốn cao hơn so với giá trị thực tế thì phải liên đới chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả.

Bài viết liên quan:

     Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp, khách hàng vui lòng liên hệ với tổng đài 1900 6178 để được các luật sư của chúng tôi hỗ trợ hiệu quả nhất.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

 
Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com