Quy định về điều chuyển người lao động sang làm vị trí khác
Thứ 6 , 08/11/2024, 08:43
Câu hỏi của bạn:
Thưa Luật sư, hiện nay tôi có một vấn đề muốn nhờ Luật sư tư vấn như sau: Do nhân viên làm ở vị trí quản lý kho của công ty tôi nghỉ sinh em bé nên giám đốc điều chuyển tôi đến thay thế vị trí đó tạm thời nhưng không nói rõ về mức lương hay các chế độ khác. Vậy tôi muốn hỏi Luật sư về việc điều chuyển người lao động sang làm vị trí khác.
Câu trả lời của Luật sư:
Chào bạn, Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về điều chuyển người lao động sang làm vị trí khác, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về điều chuyển người lao động sang làm vị trí khác như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động 2019
- Nghị định 28/2020/NĐ-CP
1. Điều chuyển người lao động sang làm vị trí khác là gì?
Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hiện nay không đưa ra định nghĩa cụ thể thế nào là điều chuyển người lao động, tuy nhiên dựa vào các quy định trong luật và thực tế, có thể hiểu:
Điều chuyển người lao động sang làm vị trí khác là trường hợp người sử dụng lao động căn cứ vào điều kiện thực tế của doanh nghiệp để sắp xếp vị trí làm việc tạm thời mới cho người lao động nhằm đảm bảo sự hoạt động bình thường và lợi ích thiết yếu của doanh nghiệp.
2. Các trường hợp được điều chuyển người lao động sang vị trí khác
Người sử dụng lao động có quyền điều chuyển người lao động, tuy nhiên không phải mọi trường hợp đều có thể tự do thực hiện. Điều 29 Bộ luật Lao động có quy định như sau:
Công ty chỉ có thể điều chuyển người lao động khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 29 Bộ luật Lao động, cụ thể gồm:
- Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm,
- Áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,
- Sự cố điện, nước
- Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh
Riêng đối với trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì trước đó, người sử dụng lao động phải thể hiện điều này trong nội quy lao động.
3. Thời gian điều chuyển
Với ý nghĩa tạm thời điều chuyển để bảo đảm và không làm đứt gãy hoạt động bình thường của doanh nghiệp, người sử dụng lao động có thể điều chuyển người sử dụng trong phạm vi quyền hạn của mình nhưng đồng thời phải tôn trọng quy định về thời hạn và ý muốn của người lao động.
Theo đó, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
Đồng thời, việc điều chuyển này không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.
4. Quyền lợi về tiền lương của người lao động khi được điều chuyển sang vị trí khác
Khi được điều chuyển sang vị trí khác, một trong những vấn đế mà người lao động vô cùng quan tâm đó là mức lương liệu có thay đổi hay không, nếu chuyển công việc khác có mức lương thấp hơn thì nguyên tắc nào để áp dụng tính tiền lương?
Dự liệu vấn đề đó, khoản 3 Điều 29 Bộ luật Lao động có quy định như sau:
- Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới.
- Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc.
- Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
5. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi điều chuyển người lao động sang làm vị trí khác
Khi điều chuyển người lao động sang làm vị trí khác, người sử dụng lao động có những trách nhiệm sau đây:
Thứ nhất, thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác. Nội dung thông báo phải đầy đủ về công việc, thời gian điều chuyển.
Thứ hai, về công việc: Đáp ứng đầy đủ các trách nhiệm thông thường của người sử dụng lao động, đồng thời phải bố trí công việc điều chuyển sao cho phù hợp với sức khỏe của người lao động.
Thứ ba, về tiền lương:
- Đảm bảo quy định về mức lương dành cho người bị điều chuyển công việc theo quy định tại khoản 3 Điều 29
- Nếu người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc
6. Hỏi đáp về điều chuyển người lao động sang làm vị trí khác
Câu hỏi 1: Mức phạt đối trường hợp công ty tự ý điều chuyển người lao động trái pháp luật
Khi công ty tự ý điều chuyển người lao động mà không thuộc những trường hợp được quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Khoản 1 Điều 5, khoản 1, khoản 2 Điều 10 Nghị định 28/2020/NĐ-CP có quy định như sau về mức phạt đối với trường hợp này:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 03 ngày làm việc hoặc không thông báo rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có một trong các hành vi chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do, thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật.
Câu hỏi 2: Nếu sau khi điều chuyển, người lao động có nhu cầu làm luôn ở vị trí mới thì sao?
- Trong trường hợp hết thời hạn điều chuyển, mà người lao động có nhu cầu làm việc luôn tại ví trí mới thì doanh nghiệp thì hai bên có thể thỏa thuận có thể bằng:
+ Phụ lục Hợp đồng lao động trong đó có quy định về việc chuyển công việc mới khác so với công việc ban đầu.
+ Hợp đồng lao động mới giữa doanh nghiệp và người lao động. Trong trường hợp này thì giữa doanh nghiệp và người lao động có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động ban đầu và sau đó ký hợp đồng lao động mới.
KẾT LUẬN: Trên đây chỉ là những nội dung cơ bản về điều chuyển người lao động sang làm vị trí khác, để được tư vấn cụ thể và chi tiết hơn, khách hàng vui lòng liên hệ với Luật Toàn Quốc qua tổng đài 19006178 để được hỗ trợ kịp thời.
Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về điều chuyển người lao động sang làm vị trí khác:
Tư vấn qua Tổng đài 19006178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về điều chuyển người lao động sang làm vị trí khác. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.
Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi liên quan tới điều chuyển người lao động sang làm vị trí khác như quy trình điều chuyển nhân sự, mức lương khi điều chuyển công tác về địa chỉ: [email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.
Tư vấn trực tiếp: Nếu bạn sắp xếp được công việc và thời gian bạn có thể đến trực tiếp Công ty Luật Toàn Quốc để được tư vấn về điều chuyển người lao động sang làm vị trí khác. Lưu ý trước khi đến bạn nên gửi câu hỏi, tài liệu kèm theo và gọi điện đặt lịch hẹn tư vấn trước để Luật Toàn Quốc sắp xếp Luật Sư tư vấn cho bạn, khi đi bạn nhớ mang theo hồ sơ.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.
Chuyên viên: Hải Quỳnh
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: [email protected]