Phải làm sao khi đã nghỉ việc nhưng công ty không báo giảm lao động?

Thứ 4 , 13/09/2023, 15:55


Khi người lao động nghỉ việc tại bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần chú ý đến một số vấn đề để bảo vệ quyền lợi của mình, trong đó bao gồm việc quan tâm xem doanh nghiệp đã thông báo giảm lao động chưa. Điều này nhằm mục đích giúp người lao động được hoàn trả lại bảo hiểm xã hội. Vậy trong trường hợp đã nghỉ việc nhưng công ty không báo giảm lao động, thì người lao động cần phải làm như thế nào?

1. Báo giảm lao động là gì?

     Báo giảm lao động hay còn gọi là báo giảm bảo hiểm xã hội là nghiệp vụ mà doanh nghiệp phải thực hiện việc thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) khi số lượng lao động tham gia BHXH của công ty giảm hoặc chuyển đổi cơ quan BHXH. 

2. Nghĩa vụ báo giảm lao động của người sử dụng lao động

Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có ghi nhận rằng:

1. Người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có thay đổi thông tin tham gia bảo hiểm xã hội.

2. Hồ sơ điều chỉnh thông tin cá nhân của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bao gồm:

a) Tờ khai điều chỉnh thông tin cá nhân;

b) Sổ bảo hiểm xã hội;

c) Bản sao giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc điều chỉnh thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật.

     Như vậy, doanh nghiệp có trách nhiệm phải thông báo với cơ quan BHXH bằng văn bản nếu có bất cứ thay đổi gì về thông tin tham gia bảo hiểm xã hội.

     Bên cạnh đó, trong nội dung hướng dẫn về quy trình báo giảm lao động được quy định tại Thủ tục 1.3 Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 896/QĐ-BHXH năm 2021, trong những trường hợp sau doanh nghiệp cần phải báo giảm lao động:

  • Báo giảm lao động đối với các trường hợp người lao động chuyển đi; nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc;

  • Báo giảm do nghỉ hưởng chế độ BHXH (hưu trí, bảo lưu, ốm đau, thai sản);

  • Báo giảm do nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng;

     Vậy trong trường hợp này, khi người lao động đã nghỉ việc, tức là thuộc trường hợp đầu tiên trong các trường hợp báo giảm BHXH, thì người sử dụng lao động cần có trách nhiệm liên hệ đến cơ quan BHXH để cập nhật thông tin mới nhất.

3. Người lao động cần làm gì khi công ty không báo giảm lao động?

      Do việc báo giảm lao động là trách nhiệm của người sử dụng lao động, nên trong trường hợp người lao động đã nghỉ việc thì cần liên hệ lại với công ty cũ để được giải quyết sớm nhất. Để thực hiện thành công thủ tục này, người lao động và người sử dụng lao động cần chuẩn bị những hồ sơ sau đây theo như quy định tại Thủ tục 1.3 Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 896/QĐ-BHXH năm 2021:

(1) Đối với người lao động:

     Người lao động chưa có mã số bảo hiểm xã hội (hoặc tra cứu không thấy mã số bảo hiểm xã hội): Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS).

(2) Đối với đơn vị sử dụng lao động:

  • Danh sách lao động tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động, Bệnh nghề nghiệp (Mẫu D02-LT);

  • Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).

     Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ như trên, doanh nghiệp đến trực tiếp tại cơ quan BHXH đang quản lý công ty ở cấp huyện hoặc cấp tỉnh để nộp bộ hồ sơ.

     Tuy nhiên nếu người lao động vẫn không được công ty cũ thực hiện việc báo giảm và chốt sổ BHXH thì người lao động có quyền khiếu nại lần 1 tới người đứng đầu công ty; khiếu nại lần 2 tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đơn vị đặt trụ sở chính hoặc làm đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân nơi đơn vị đặt trụ sở chính về hành vi vi phạm của doanh nghiệp.

4. Hỏi đáp về vấn đề đã nghỉ việc nhưng công ty không báo giảm lao động

Câu hỏi 1: Thời hạn doanh nghiệp cần báo giảm lao động là bao lâu?

     Tại điểm 2.1 khoản 2 Điều 50 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Quyết định 490/QĐ-BHXH năm 2023 khi có phát sinh giảm người lao động, đơn vị phải kịp thời lập danh sách báo giảm gửi cơ quan bảo hiểm xã hội qua hệ thống giao dịch điện tử ngay trong tháng (tính đến ngày cuối cùng của tháng đó).

Câu hỏi 2: Nếu chậm trễ thông báo giảm lao động thì doanh nghiệp có bị phạt không?

     Chưa có quy định nào nói rằng doanh nghiệp thông báo chậm sẽ bị nộp phạt, tuy nhiên doanh nghiệp sẽ phải đóng số tiền bảo hiểm y tế của các tháng báo giảm chậm và thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng hết tháng đó theo quy định tại điểm 2.1 khoản 2 điều 50 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017.

     Để được tư vấn thêm những thông tin cần thiết về chứng cứ trong vụ án dân sự, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến số điện thoại: 19006178 để được hỗ trợ nhanh nhất!
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Trần Bảo Ngọc

 

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com