Theo quy định pháp luật hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?
Thứ 6 , 22/11/2024, 10:38
1. Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?
Điều 385 Bộ luật dân sự 2015:
“Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Điều 430 Bộ luật dân sự 2015:
“Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.”
Điều 3 Luật thương mại 2005:
“...Mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận…”
Như vậy có thể hiểu, hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.
2. Đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa
2.1. Đặc điểm chung
Có tính đồng thuận giữa các bên: Hợp đồng mua bán hàng hóa được coi là giao kết khi các bên thỏa thuận xong các điều khoản cơ bản, điều khoản có hiệu lực của hợp đồng không phụ thuộc vào thời điểm hàng hóa được bàn giao, việc bàn giao hàng hóa chỉ được coi là hành động của bên bán để thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng mua bán đã có hiệu lực.
Có tính đền bù: Khi bên bán thực hiện nghĩa vụ giao hàng hóa đến bên mua thì sẽ nhận được từ bên mua một lợi ích tương ứng với giá trị hàng hóa theo thỏa thuận dưới dạng khoản tiền thanh toán.
Là hợp đồng song vụ: Các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa đều chịu ràng buộc bởi nghĩa vụ đối với bên còn lại, đồng thời cũng là bên có quyền đòi hỏi đối phương thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Trong hợp đồng mua bán hàng hóa tồn tại hai nghĩa vụ chính mang tính chất qua lại và có sự liên quan mật thiết với nhau, đó là nghĩa vụ của bên bán phải bàn giao hàng hóa cho bên mua và nghĩa vụ thanh toán của bên mua cho bên bán.
2.2. Đặc điểm riêng
Mặt chủ thể: Hợp đồng mua bán hàng hóa hầu như được thiết lập giữa các thương nhân. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân không phải thương nhân cũng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa.
Mặt hình thức, theo quy định tại Điều 24 Luật Thương mại 2005, hợp đồng mua bán hàng hóa có thể được thể hiện bằng hình thức lời nói, văn bản hay hành vi cụ thể của các bên giao kết. Ở một số trường hợp nhất định, pháp luật bắt buộc các bên phải giao kết hợp đồng bằng văn bản, ví dụ như hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được thực hiện bằng hình thức văn bản hay bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương như telex, fax, điện báo hay thông điệp dữ liệu.
Mặt đối tượng, hàng hóa là đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa. Khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại 2005 có quy định, hàng hóa bao gồm tất cả động sản, kể cả động sản được hình thành trong tương lai và cả vật gắn liền với đất đai. Bên cạnh đó, Luật Thương mại 2005 cũng quy định thêm về hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng hóa kinh doanh có điều kiện và hàng hóa cấm kinh doanh. Do đó, không phải tất cả hàng hóa đều được kinh doanh mà phải tuân theo các quy định của pháp luật, có nghĩa đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh thì mới được phép lưu thông cũng như mua bán trên thị trường.
Mặt mục đích, đối với các bên chủ thể cùng là thương nhân thì mục đích là lợi nhuận. Trong hợp đồng mua bán hàng hóa, bên cạnh chủ thể là thương nhân thì còn co các tổ chức, cá nhân không phải là thương nhân, trường hợp này việc thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa là dành cho mục đích sinh hoạt, tiêu dùng hoặc phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức. Những hợp đồng được thiết lập giữa bên không nhằm mục đích sinh lời với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, về nguyên tắc Luật Thương mại 2005 không điều chỉnh, trừ khi bên không nhằm mục đích sinh lời lựa chọn áp dụng Luật Thương mại 2005.
3. Điều kiện hợp đồng mua bán hàng hoá có hiệu lực
Bộ luật Dân sự năm 2015 Điều 117 quy định:
“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.
Như vậy, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa bao gồm:
-
Chủ thể tham gia hợp đồng phải có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Đối với các thương nhân khi tham gia hợp đồng cần phải đáp ứng điều kiện có đăng ký kinh doanh hợp pháp đối với loại hàng hóa giao dịch. Trong trường hợp mua bán hàng hóa có điều kiện kinh doanh thì thương nhân cũng cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh đó theo quy định của pháp luật.
-
Đại diện của các bên giao kết hợp đồng cần phải đúng thẩm quyền, có thể là đại diện theo ủy quyền hoặc đại diện theo pháp luật. Người không có quyền đại diện, khi giao kết sẽ không làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ đối với bên hợp đồng được đại diện, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện.
-
Nội dung và mục đích của hợp đồng mua bán hàng hóa không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, hàng hóa là đối tượng của hợp đồng không bị cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
-
Hợp đồng mua bán hàng hóa được giao kết bảo đảm nguyên tắc của hợp đồng theo quy định của pháp luật như: Tự do giao kết nhưng không trái pháp luật và trái đạo đức xã hội; tự nguyện, bình đẳng, trung thực, ngay thẳng, thiện chí.
-
Hợp đồng có hình thức phù hợp với quy định của pháp luật.
4. Câu hỏi về hợp đồng mua bán hàng hóa là gì
Câu hỏi 1. Cần thỏa thuận những nội dung gì trong hợp đồng mua bán hàng hóa?
Theo quy định của pháp luật thương mại hiện hành không bắt buộc các bên phải thỏa thuận những nội dung nào trong hợp đồng. Tuy nhiên, các nội dung cơ bản mà các bên thường phải nêu rõ trong hợp đồng đó là: Đối tượng hợp đồng (cụ thể là hàng hóa); giá cả, số lượng, chất lượng hàng hóa; thời điểm, địa điểm giao hàng, cách thức thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên, hiệu lực hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, hiệu lực, trường hợp bất khả kháng, phạt hợp đồng,…
Câu hỏi 2. Thời điểm giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa?
Thời điểm giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa là khác nhau đối với các hợp đồng giao kết với hình thức khác nhau:
-
Đối với hợp đồng giao kết trực tiếp bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên sau cùng ký tên vào văn bản.
-
Đối với hợp đồng được giao kết gián tiếp bằng văn bản thì hợp đồng được giao kết khi bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng.
-
Đối với hợp đồng giao kết bằng lời nói: Thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung hợp đồng.
Bài viết liên quan
Nếu còn thắc mắc về hợp đồng mua bán hàng hóa là gì, quý khách hàng xin vui lòng liên hệ đến tổng đài 19006178 để được các luật sư của chúng tôi hỗ trợ hiệu quả nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!
Chuyên viên: Tiến Đạt
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: [email protected]