Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics theo quy định của luật thương mại
Thứ 6 , 22/11/2024, 10:38
Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics
Bạn đang tìm hiểu quy định về dịch vụ Logistics; các dịch vụ kinh doanh logistics gồm những gì; Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics là như thế nào.... Bài viết dưới đây Luật Toàn Quốc sẽ giải đáp cho bạn toàn bộ những vướng mắc trên.
1. Dịch vụ logistics là gì?
Khái niệm về dịch vụ logistics đã được quy định cụ thể tại Điều 233, Luật Thương mại 2005: Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao.
2. Các dịch vụ kinh doanh logistics gồm những gì?
Điều 3 Nghị định 163/2017/NĐ-CP đã liệt kê những dịch vụ logistics được phép kinh doanh, bao gồm:
-
Dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay: là hoạt động liên quan đến việc vận chuyển và xếp dỡ các container hàng hóa trên các phương tiện vận tải
-
Dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển: Bao gồm các hoạt động đóng gói, chèn bạc, đóng thùng gỗ với các mặt hàng dễ vỡ, cho thuê kho bãi để bảo quản hàng hóa.
-
Dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải: Như trên
-
Dịch vụ chuyển phát: Dịch vụ này giúp người gửi hàng hoặc doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa từ một địa điểm đến một địa điểm khác một cách thuận tiện và hiệu quả.
-
Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa: Đây là dịch vụ cung cấp bởi các công ty đại lý vận tải để hỗ trợ khách hàng trong việc tổ chức và quản lý quá trình vận chuyển hàng hóa từ điểm gửi đến điểm nhận. Đại lý vận tải hàng hóa đóng vai trò trung gian giữa người gửi hàng và các nhà vận chuyển
-
Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả dịch vụ thông quan): Đây là một dịch vụ cung cấp bởi các công ty đại lý hải quan để hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân trong việc hoàn thành các thủ tục hải quan liên quan đến nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa. Dịch vụ này đảm bảo rằng hàng hóa có thể thông quan qua cửa khẩu một cách hợp pháp và mượt mà, tuân thủ các quy định và quy trình hải quan.
-
Dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải.
-
Dịch vụ hỗ trợ bán buôn, hỗ trợ bán lẻ bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa và giao hàng.
-
Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển: Đây là dịch vụ cung cấp bởi các công ty vận tải biển hoặc đại lý vận tải biển để hỗ trợ khách hàng trong việc vận chuyển hàng hóa qua biển từ một cảng xuất phát đến cảng đích.
-
Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa: Dịch vụ này liên quan đến việc chuyển chở hàng hóa qua các con sông, hồ, kênh và tuyến đường thủy nội địa trong một quốc gia hoặc khu vực nhất định.
-
Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt: Dịch vụ này liên quan đến việc chuyển chở hàng hóa bằng hệ thống đường sắt. Đây là một phần trong lĩnh vực vận tải và được cung cấp bởi các công ty vận tải đường sắt hoặc đại lý vận tải đường sắt để hỗ trợ khách hàng trong việc vận chuyển hàng hóa trên đường sắt.
-
Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ: Dịch vụ này liên quan đến việc chuyển chở hàng hóa bằng xe ô tô và hệ thống đường bộ. Đây là một phần trong lĩnh vực vận tải và được cung cấp bởi các công ty vận tải đường bộ hoặc đại lý vận tải đường bộ để hỗ trợ khách hàng trong việc vận chuyển hàng hóa trên đường bộ.
-
Dịch vụ vận tải hàng không: Đây là một hình thức vận tải hàng hóa bằng máy bay. Nó liên quan đến việc chuyển chở hàng hóa từ một địa điểm đến địa điểm khác thông qua các dịch vụ hàng không và hạ cánh tại các sân bay trên khắp thế giới. Dịch vụ vận tải hàng không được cung cấp bởi các hãng hàng không hoặc các công ty vận chuyển hàng hóa chuyên nghiệp.
-
Dịch vụ vận tải đa phương thức: Đây là một hình thức vận tải hàng hóa sử dụng sự kết hợp của nhiều phương tiện vận chuyển khác nhau và các phương thức vận chuyển khác nhau để chuyển chở hàng hóa từ điểm xuất phát đến điểm đích. Điều này có thể bao gồm sự kết hợp của đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không.
-
Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật: Đây là một loại dịch vụ được cung cấp để đánh giá, đo lường và xác định tính chất kỹ thuật của các sản phẩm, quy trình hoặc hệ thống. Nó thường được sử dụng để đảm bảo rằng sản phẩm hoặc quy trình đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định và yêu cầu cụ thể.
-
Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.
-
Các dịch vụ khác do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật thương mại.
3. Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics
Nghị định 163/2017/NĐ-CP quy định về Kinh doanh dịch vụ Logistics đã nêu rõ những điều kiện để kinh doanh ngành nghề này, cụ thể đó là:
1. Thương nhân kinh doanh các dịch vụ cụ thể thuộc dịch vụ logistics quy định tại Điều 3 Nghị định này phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với dịch vụ đó.
2. Thương nhân tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác, ngoài việc phải đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với các dịch vụ cụ thể quy định tại Điều 3 Nghị định này, còn phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử.
3. Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics:
Ngoài việc đáp ứng các điều kiện, quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới được cung cấp dịch vụ logistics theo các điều kiện sau:
a) Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển (trừ vận tải nội địa):
- Được thành lập các công ty vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%. Tổng số thuyền viên nước ngoài làm việc trên các tàu treo cờ quốc tịch Việt Nam (hoặc được đăng ký ở Việt Nam) thuộc sở hữu của các công ty này tại Việt Nam không quá 1/3 định biên của tàu. Thuyền trưởng hoặc thuyền phó thứ nhất phải là công dân Việt Nam.
- Công ty vận tải biển nước ngoài được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp.
b) Trường hợp kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển (có thể dành riêng một số khu vực để cung cấp các dịch vụ hoặc áp dụng thủ tục cấp phép tại các khu vực này), được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%. Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
c) Trường hợp kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%.
d) Trường hợp kinh doanh dịch vụ thông quan thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước. Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
đ) Trường hợp kinh doanh các dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước.
e) Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa, dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%.
g) Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ, được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%. 100% lái xe của doanh nghiệp phải là công dân Việt Nam.
h) Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng không.
i) Trường hợp kinh doanh dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật
- Đối với những dịch vụ được cung cấp để thực hiện thẩm quyền của Chính phủ được thực hiện dưới hình thức doanh nghiệp trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước sau ba năm hoặc dưới hình thức doanh nghiệp trong đó không hạn chế vốn góp nhà đầu tư nước ngoài sau năm năm, kể từ khi nhà cung cấp dịch vụ tư nhân được phép kinh doanh các dịch vụ đó.
- Không được kinh doanh dịch vụ kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện vận tải.
- Việc thực hiện dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật bị hạn chế hoạt động tại các khu vực địa lý được cơ quan có thẩm quyền xác định vì lý do an ninh quốc phòng.
4. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế có quy định khác nhau về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics, nhà đầu tư được lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư quy định tại một trong các điều ước đó.
Như vậy, có thể thấy điều kiện để được kinh doanh logistics tại Việt Nam đòi hỏi khá nhiều điều kiện. Trước hết thương nhân cần đáp ứng những điều kiện chung như:
-
Điều kiện về tư cách chủ thể: Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải có đăng ký kinh doanh hợp pháp theo pháp luật Việt Nam. Theo Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định kinh doanh dịch vụ logistics, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty TNHH hai thành viên hoặc công ty cổ phần. Việc tổ chức quản lý trong doanh nghiệp theo quy định về pháp luật doanh nghiệp.
-
Điều kiện về tiêu chuẩn kĩ thuật: Dịch vụ logistics là loại hình dịch vụ đòi hỏi các yêu cầu về kĩ thuật cao. Nhiều loại hình dịch vụ bắt buộc thương nhân khi thực hiện hoạt động kinh doanh phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thiết bị, công cụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kĩ thuật khi thực hiện hoạt động kinh doanh. Pháp luật chuyên ngành sẽ quy định cụ thể điều kiện của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phụ thuộc vào dịch vụ hoặc tổ hợp dịch vụ mà thương nhân cung ứng. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics trước khi thực hiện hoạt động kinh doanh phải tiến hành các thủ tục để chứng minh đáp ứng được điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật theo luật định.
-
Điều kiện về trình độ chuyên môn: Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ nhân viên phải được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành, đúng lĩnh vực, có khả năng thực hiện các công việc trong chuỗi dịch vụ logistics theo phân công. Tùy từng lĩnh vực dịch vụ, pháp luật quy định thương nhân phải có số lượng nhân viên đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn.
Ngoài những điều kiện chung, pháp luật Việt Nam cũng đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn hơn cho nhà đầu tư nước ngoài nếu muốn kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam.
4. Hỏi đáp về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics theo quy định của luật thương mại
Câu hỏi 1. Hợp đồng dịch vụ logistics là gì?
Hợp đồng dịch vụ logistics là sự thỏa thuận theo đó một thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.
Câu hỏi 2. Chủ thể tham gia dịch vụ logistics gồm những ai?
Về chủ thể khi tham gia dịch vụ logistics bao gồm: Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng
-
Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics là doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics.
-
Khách hàng là người có hàng hóa cần gửi hoặc cần nhận và có nhu cầu sử dụng dịch vụ giao nhận.
Bài viết tham khảo:
Để được tư vấn thêm những thông tin cần thiết về Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics theo quy định của luật thương mại, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến số điện thoại: 19006178 để được hỗ trợ nhanh nhất!
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!
Chuyên viên: Trần Bảo Ngọc
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: [email protected]