Hoạt động môi giới thương mại theo quy định của pháp luật

Thứ 6 , 22/11/2024, 10:38


Nền kinh tế ngày càng phát triển cũng như mở cửa hơn, khiến nhiều loại hình dịch vụ cũng xuất hiện nhanh chóng. Trong đó không thể không kể đến dịch vụ môi giới thương mại, đây là hình thức đã giúp nhiều công ty ký kết thành công những hợp đồng với lãi suất cao mà không tốn sức để đi tìm bạn hàng phù hợp. Vậy hoạt động môi giới thương mại là gì? Có đặc điểm gì khiến nó trở nên ngày càng phổ biến trong xã hội?

1. Khái niệm môi giới thương mại

     Tại Điều 150 Luật Thương mại 2005 quy định về môi giới thương mại như sau:

Môi giới thương mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới.

     Như vậy, vai trò của người môi giới trong các hoạt động thương mại khá quan trọng và hiện diện thường xuyên trong đời sống xã hội, họ sẽ làm bên trung gian để hai bên tìm được đối tác phù hợp với mong muốn, tối ưu hoá lợi ích để tiến tới giao kết hợp đồng.

2. Đặc điểm của môi giới thương mại

2.1. Chủ thể

     Chủ thể của quan hệ môi giới thương mại gồm: bên môi giới và bên được môi giới. Bên môi giới phải là thương nhân, không nhất thiết phải có ngành nghề kinh doanh trùng với ngành nghề kinh doanh của bên được môi giới. Bên được môi giới không nhất thiết là thương nhân. Không phải tất cả các bên được môi giới đều có quan hệ môi giới thương mại với bên môi giới, quan hệ này sẽ chỉ được thiết lập khi bên môi giới ký hợp đồng với bên được môi giới. Bên đi môi giới sẽ nhân danh chính mình để quan hệ với các bên được môi giới và làm cầu nối giữa các bên, sau đó các bên được môi giới có thể trực tiếp giao kết hợp đồng với nhau.

2.2. Mục đích

     Mục đích chung của hoạt động môi giới là các bên được môi giới giao kết được hợp đồng với nhau. Mục đích của bên được môi giới là kết nối nhanh chóng với bạn hàng phù hợp mà không cần tốn quá nhiều công sức. Mục đích của bên môi giới là tìm kiếm lợi nhuận từ việc môi giới trung gian cho hai bên.

2.3. Nội dung và phạm vi

     Nội dung hoạt động môi giới rất rộng, bao gồm nhiều hoạt động như: tìm kiếm và cung cấp các thông tin cần thiết về đối tác cho bên được môi giới, tiến hành các hoạt động giới thiệu về hàng hoá, dịch vụ cần môi giới, thu xếp để các bên được môi giới tiếp xúc với nhau, giúp đỡ các bên được môi giới soạn thảo văn bản hợp đồng khi họ yêu cầu,...

     Phạm vi của hoạt động môi giới thương mại không chỉ gói gọn trong lĩnh vực mua bán hàng hoá hay cung ứng dịch vụ, mà nó bao gồm tất cả các hoạt động môi giới với mục đích kiếm lợi nhuận, có thể kể đến loại hình môi giới phổ biến nhất thời điểm bây giờ là môi giới bất động sản.

2.4. Cơ sở pháp lý của quan hệ môi giới thương mại

     Cơ sở pháp lý cho quan hệ môi giới thương mại được dựa trên hợp đồng môi giới thương mại. Theo đó, hợp đồng này chịu sự điều chỉnh của Luật thương mại 2005. Luật thương mại 2005 không quy định hình thức của hợp đồng môi giới thương mại cũng như các nội dung bắt buộc của hợp đồng. Luật cũng không quy định về các nội dung chủ yếu của hợp đồng nhưng cần chú ý thỏa thuận các điều khoản cần thiết như là: nội dung công việc, mức thù lao, thời hạn thực hiện hợp đồng, quyền và nghĩa vụ các bên, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

3. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ môi giới thương mại

3.1. Bên môi giới

     Trong trường hợp không có thoả thuận nào khác giữa các bên, thì Luật thương mại 2005 sẽ là cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của bên môi giới và bên được môi giới. Cụ thể, quyền và nghĩa vụ của bên đi môi giới sẽ được quy định tại Điều 151 và 153 trong Luật thương mại 2005:

Điều 151. Nghĩa vụ của bên môi giới thương mại

      Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên môi giới thương mại có các nghĩa vụ sau:

  • Bảo quản các hàng mẫu hàng hóa, tài liệu được giao để thực hiện việc môi giới và phải hoàn trả cho bên được môi giới sau khi hoàn thành việc môi giới

  • Không được tiết lộ, cung cấp thông tin làm phương hại đến lợi ích của bên được môi giới

  • Chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của các bên được môi giới, nhưng không chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán của họ.

  • Không được tham gia thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới, trừ trường hợp có ủy quyền của của bên được môi giới.

     Như vậy, trong Luật đã quy định khá dễ hiểu về nghĩa vụ của bên đi môi giới, người môi giới sau khi đã hoàn thành công việc môi giới của mình cần có nghĩa vụ hoàn trả lại những hàng hoá, tài liệu cho bên được môi giới. Bên cạnh đó, để việc môi giới thành công và bên môi giới hiểu được chính xác, đầy đủ nhất mong muốn của bên được môi giới thì bên môi giới cần nắm giữ những thông tin cần thiết và phải bảo mật chúng, không được tiết lộ ra bên ngoài ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của bên được môi giới. Tiếp đó, bên môi giới sẽ không thanh toán chi phí trong hợp đồng thay cho bên được môi giới. Cuối cùng, bên môi giới không được ký kết hợp đồng với bên đối tác, trừ trường hợp có ủy quyền của bên công ty mà họ ký kết hợp đồng môi giới. Và khi đã có sự ủy quyền của bên công ty, bên môi giới có thể nhân danh bên công ty này để ký kết và thực hiện hợp đồng với bên đối tác, quan hệ giữa họ và công ty họ ký hợp đồng môi giới lúc này sẽ trở thành quan hệ đại diện cho thương nhân.

​Điều 153. Quyền hưởng thù lao môi giới

  • Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, quyền hưởng thù lao môi giới phát sinh từ thời điểm các bên được môi giới đã ký hợp đồng với nhau

  • Trường hợp không có thỏa thuận, mức thù lao môi giới được xác định theo quy định tại Điều 86 của Luật này

     Quyền của bên môi giới khá đơn giản, mục đích của họ khi tham gia ký kết hợp đồng thiết lập quan hệ môi giới thương mại chủ yếu là để nhận hoa hồng và chi phí phát sinh từ việc môi giới thương mại giữa các bên. Và khi công việc đã hoàn thành, họ cần được trả thù lao tương xứng theo quy định của pháp luật.   

3.2. Bên được môi giới

Điều 152. Nghĩa vụ của bên được môi giới

      Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên được môi giới có các nghĩa vụ sau đây:

  • Cung cấp các thông tin, tài liệu, phương tiện cần thiết liên quan đến hàng hóa, dịch vụ

  • Trả thù lao môi giới và các chi phí hợp lý khác cho bên môi giới. 

     Trong Luật thương mại 2005 chỉ quy định về nghĩa vụ của bên được môi giới, không quy định về quyền của họ. Trong nghĩa vụ của bên được môi giới, họ cần phải cung cấp những thông tin, phương tiện cần thiết cho bên đi môi giới để đạt được lợi ích tối đa và giúp bên môi giới tìm được bạn hàng cho mình một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất. Ngoài ra, họ cần phải trả thù lao cho bên môi giới như trong hợp đồng môi giới thương mại mà hai bên đã thoả thuận.

4. Hỏi đáp về môi giới thương mại

Câu hỏi 1. Khi hai bên không có thoả thuận thì thù lao môi giới được tính như thế nào?

     Luật thương mại 2005 quy định rằng nếu hai bên không có thoả thuận về mức thù lao môi giới, thì mức thù lao này sẽ được xác định theo Điều 86 của Luật này, cụ thể: Trường hợp không có thoả thuận về giá dịch vụ, không có thoả thuận về phương pháp xác định giá dịch vụ và cũng không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ được xác định theo giá của loại dịch vụ đó trong các điều kiện tương tự về phương thức cung ứng, thời điểm cung ứng, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá dịch vụ.

Câu hỏi 2. Môi giới không mang lại kết quả thì bên đi môi giới có được trả thù lao không?

      Điều 154 Luật thương mại 2005 quy định rằng: Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên được môi giới phải thanh toán các chi phí phát sinh hợp lý liên quan đến việc môi giới, kể cả khi việc môi giới không mang lại kết quả cho bên được môi giới.

     Như vậy, kể cả khi việc môi giới do người đi môi giới mang lại không thành công, không đem lại lợi nhuận cho bên được môi giới, thì bên được môi giới vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ trả thù lao và những chi phí phát sinh liên quan đến việc môi giới cho bên đi môi giới.

     Để được tư vấn thêm những thông tin cần thiết về hoạt động môi giới thương mại, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến số điện thoại: 19006178 để được hỗ trợ nhanh nhất!
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Trần Bảo Ngọc

 

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]