Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần theo quy định của pháp luật
Thứ 5 , 28/12/2023, 15:14
1. Công ty cổ phần là gì?
Căn cứ theo Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020, có thể định nghĩa Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp mà vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau là cổ phần và được phát hành ra ngoài thị trường nhằm huy động vốn tham gia đầu tư từ mọi thành phần kinh tế. Người sở hữu cổ phần được gọi là các cổ đông.
Cũng từ quy định của Luật này, có thể rút ra một số đặc điểm cơ bản của Công ty cổ phần như sau:
-
Công ty cổ phần là loại công ty đối vốn. Điều đó có nghĩa là khi thành lập công ty chủ yếu quan tâm đến vốn góp, còn việc ai góp vốn không quan trọng. Vì vậy Công ty cổ phần có cấu trúc vốn mở
-
Vốn điều lệ của Công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Giá trị mỗi cổ phần gọi là mệnh giá cổ phần và được phản ánh trong cổ phiếu. Việc góp vốn vào công ty được thực hiện bằng cách mua cổ phần, mỗi cổ đông có thể mua nhiều cổ phần
-
Số thành viên tối thiểu trong Công ty cổ phần là 03, cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân, không có quy định về số thành viên tối đa
-
Người có cổ phiếu được tự do chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Việc chuyển nhượng được thực hiện theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán.
-
Công ty cổ phần chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty. Các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty
-
Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại, có quyền phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty
-
Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Cơ cấu tổ chức quản lý của Công ty cổ phần
Theo Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020, Công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình là:
-
Mô hình có Ban kiểm soát, bao gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc/Tổng giám đốc. Nếu trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát
-
Mô hình không có Ban kiểm soát, bao gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc/Tổng giám đốc. Trường hợp này yêu cầu công ty có ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị.
Về người đại diện theo pháp luật, căn cứ theo khoản 2 Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020, sẽ bao gồm hai trường hợp:
-
Nếu công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty.
-
Nếu công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
3. Quyền hạn của các cơ quan trong cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần
3.1. Đại hội đồng cổ đông
Đại hội đồng cổ đông bao gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần, thực hiện việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên.
Theo Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020, Đại hội đồng cổ đông còn có quyền quyết định và thông qua những vấn đề quan trọng của công ty như: Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không quy định khác; quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại; xem xét và xử lý các vi phạm của Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên gây thiệt hại cho công ty và cổ đông công ty.
3.2. Hội đồng quản trị
Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ các quyền và nghĩa vụ thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.
Theo Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2020, Hội đồng quản trị có một số quyền quyết định một số vấn đề quan trọng như: Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký kết hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định; giám sát, chỉ đạo Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác trong điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; quyết định thành lập công ty con, lập chi nhánh, văn phòng đại diện và việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác; kiến nghị mức cổ tức được trả; kiến nghị việc tổ chức lại, giải thể, yêu cầu phá sản công ty.
Hội đồng quản trị có từ 03 đến 11 thành viên, số lượng thành viên cụ thể do Điều lệ công ty quy định. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Tuy nhiên, một cá nhân chỉ được bầu làm thành viên độc lập Hội đồng quản trị của một công ty không quá 02 nhiệm kỳ liên tục.
3.3. Giám đốc/Tổng giám đốc
Giám đốc/Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; do Hội đồng quản trị bổ nhiệm từ thành viên Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm.
Theo khoản 3 Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2020, Giám đốc/Tổng giám đốc có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị; tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản trị; quyết định lương và phụ cấp (nếu có) đối với người lao động (trừ chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị); tuyển dụng lao động; kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty cũng như phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh .
Giám đốc/Tổng giám đốc có nhiệm kỳ không quá 05 năm; có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
3.4. Ban kiểm soát
Ban kiểm soát có chức năng giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty và chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Ban kiểm soát có từ 03 đến 05 Kiểm soát viên, nhiệm kỳ của Kiểm soát viên không quá 5 năm và Kiểm soát viên có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
3.5. Ủy ban kiểm toán
Ủy ban kiểm toán là cơ quan chuyên môn thuộc Hội đồng quản trị. Ủy ban kiểm toán có từ 02 thành viên trở lên. Chủ tịch Ủy ban kiểm toán phải là thành viên độc lập Hội đồng quản trị, các thành viên khác của Ủy ban kiểm toán phải là thành viên Hội đồng quản trị không điều hành.
Theo khoản 3 Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2020, Ủy ban kiểm toán có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc giám sát và rà soát các vấn đề liên quan đến kiểm toán của công ty, đảm bảo công ty tuân thủ quy định pháp luật.
4. Hỏi đáp về cơ cấu tổ chức quản lý của Công ty cổ phần theo quy định của pháp luật
Câu hỏi 1: Công ty cổ phần có thể phát hành những loại cổ phần nào?
Theo quy định của pháp luật hiện nay, Công ty cổ phần có 02 loại cổ phần là cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi. Cổ phần phổ thông là bắt buộc phải có, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi.
Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau:
-
Cổ phần ưu đãi biểu quyết;
-
Cổ phần ưu đãi cổ tức;
-
Cổ phần ưu đãi hoàn lại;
-
Cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định.
Trong đó, chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết trong 03 năm đầu sau khi thành lập. Hết thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển thành cổ phần phổ thông.
Câu hỏi 2: Muốn thành lập Công ty cổ phần cần có những điều kiện gì?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, để thành lập Công ty cổ phần thì cần đáp ứng những điều kiện sau:
-
Thành lập công ty cổ phần phải có tối thiểu 3 cổ đông sáng lập, không giới hạn số lượng cổ đông tối đa.
-
Giám đốc/ Tổng giám đốc trong công ty cổ phần không là Giám đốc /Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác.
-
Điều kiện về tên công ty cổ phần: tên công ty không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trước trong toàn quốc gia.
-
Điều kiện về trụ sở: khi thành lập công ty cổ phần phải có trụ sở giao dịch. Trụ sở công ty cổ phần không được là chung cư, khu tập thể.
-
Điều kiện về ngành nghề kinh doanh: khi thành lập công ty cổ phần, ngành nghề sẽ phải áp theo mã hệ thống ngành nghề kinh tế quốc dân. Đối với những ngành nghề có điều kiện phải thỏa mãn các điều kiện để được thành lập.
-
Điều kiện về vốn điều lệ/ vốn pháp định: Vốn điều lệ là số vốn do cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào Điều lệ công ty. Doanh ngiệp chịu trách nhiệm trong phần vốn điều lệ mình đã đăng ký. Vốn điều lệ công ty có liên quan đến mức thuế môn bài phải đóng.
Câu hỏi 3: Công ty cổ phần có những ưu, nhược điểm gì?
Ưu điểm của Công ty cổ phần:
-
Mức độ rủi ro không cao do cổ đông chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ của công ty và các nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi vốn góp của mình.
-
Khả năng huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu ra công chúng là rất cao. Đây là đặc điểm riêng mà chỉ công ty cổ phần mới có.
-
Công ty không giới hạn số lượng cổ đông và có thể gây quỹ trên khắp thế giới. Do đó, công ty cổ phần có khả năng huy động vốn rộng nhất.
-
Cổ đông có thể dễ dàng và tự do chuyển nhượng, mua, bán và thừa kế cổ phiếu thông qua việc bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
-
Khả năng mở rộng các doanh nghiệp lớn và kinh doanh trong hầu hết các lĩnh vực của ngành.
-
Với sự độc lập về quản lý và sở hữu do đó hoạt động của công ty rất hiệu quả.
-
Được tính lương thưởng của các cổ đông góp vốn tại các vị trí quản lý vào chi phí hoạt động công ty để giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
-
Mọi quyết định trong doanh nghiệp đều được thu thập từ các cổ đông nên rất minh bạch trong quản lý điều hành.
Nhược điểm của Công ty cổ phần:
-
Việc quản lý và điều hành tổng công ty rất phức tạp do số lượng cổ đông rất lớn, nhiều người không quen biết nhau, có thể bị phân biệt thành các nhóm cổ đông trái ngược nhau về lợi nhuận.
-
Việc thành lập và quản lý tổng công ty cũng phức tạp hơn các loại hình công ty khác vì nó bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật, đặc biệt là hệ thống tài chính kế toán.
Bài viết liên quan:
Để được tư vấn chi tiết về các quy định liên quan đến vấn đề "Cơ cấu tổ chức quản lý của Công ty cổ phần theo quy định của pháp luật", khách hàng xin vui lòng liên hệ đến tổng đài 19006178 để được hỗ trợ.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!
Chuyên viên: Phạm Đắc Thơm
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: [email protected]