Tội gian lận bảo hiểm y tế theo quy định hiện nay

Thứ 6 , 15/12/2023, 17:17


Bạn có thắc mắc tội gian lận bảo hiểm y tế là gì, bị xử phạt như thế nào khôn. Hãy xem ngay bài viết ngày hôm nay của Luật Toàn Quốc để hiểu thêm về tội gian lận bảo hiểm y tế theo quy định hiện nay bạn nhé

      Bạn có thắc mắc tội gian lận bảo hiểm y tế là gì, bị xử phạt như thế nào khôn. Hãy xem ngay bài viết ngày hôm nay của Luật Toàn Quốc để hiểu thêm về tội gian lận bảo hiểm y tế theo quy định hiện nay bạn nhé.

1. Gian lận bảo hiểm y tế là gì?

     Theo Điều 215 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 và hướng dẫn tại Nghị quyết 05/2019/NQ- HĐTP, gian lận bảo hiểm y tế (BHYT) là việc thực hiện một trong những hành vi sau nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm hoặc gây ra thiệt hại cho nhà nước, cá nhân, tổ chức khác:

  • Lập hồ sơ bệnh án không (ví dụ thực tế người tham gia bảo hiểm y tế không tham gia khám bệnh, chữa bệnh mà vẫn lập hồ sơ bệnh án cho họ).

  • Kê đơn thuốc khống (không có sự việc đi khám, chữa bệnh, không sử dụng thuốc nhưng vẫn kê đơn thuốc cho người có thẻ BHYT).

  • Kê tăng thêm loại thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng.

  • Giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT (lập, sử dụng hồ sơ, thẻ BHYT không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT của người khác để được hưởng chế độ BHYT trái quy định).

  • Sử dụng thẻ BHYT được cấp khống (thẻ BHYT do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người không đóng hoặc không thuộc diện được các tổ chức, nguồn quỹ khác đóng BHYT).

  • Sử dụng thẻ BHYT giả (thẻ BHYT không phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

  • Sử dụng thẻ BHYT đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh để hưởng chế độ BHYT trái quy định.

2. Các yếu tố cấu thành tội gian lận bảo hiểm y tế

2.1. Khách thể của tội phạm

     Tội gian lận bảo hiểm y tế xâm phạm đến trật tự quản lý quỹ bảo hiểm y tế, xâm phạm đến các quy định của nhà nước về bảo hiểm y tế.

     Đối tượng tác động của tội phạm này là đơn thuốc, hồ sơ bệnh án, tiền giường bệnh, thẻ y tế, hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm y tế,... Khách thể của tội phạm ở đây có thể bị xâm hại để chiếm đoạt tiền của cơ quan bảo hiểm.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

     Hành vi: Gian lận trong bảo hiểm y tế để lừa dối cơ quan bảo hiểm hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, hành vi gian lận có thể bao gồm:

  • Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc không hoặc kê tăng số lượng, thêm loại thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế, chi phí giường bệnh và các loại chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng.

  • Giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT giả, thẻ BHYT được cấp khống, thẻ bị sửa chữa, thẻ đã bị thu hồi, thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh để hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.

     Hành vi này được thực hiện bởi cá nhân tham gia BHYT có liên quan hoặc những cán bộ trong các cơ quan y tế. Tội phạm này được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi và gây ra hậu quả là thiệt hại về tài sản cho cơ quan bảo hiểm.

     Hậu quả: Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội gian lận bảo hiểm y tế. Cụ thể, các hành vi cấu thành tội phạm này nếu có hậu quả là thiệt hại từ 20.000.000 đồng trở lên.

     Dấu hiệu khách quan khác: Giá trị tiền bảo hiểm chiếm đoạt cũng là dấu hiệu bắt buộc của tội gian lận bảo hiểm y tế. Ngoài hậu quả thì nếu giá trị tiền BHYT chiếm đoạt từ 10.000.000 đồng thì các hành vi trên cùng cấu thành tội phạm này.

2.3. Chủ thể của tội phạm

     Chủ thể của tội gian lận bảo hiểm y tế là cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi theo quy định của Bộ luật Hình sự.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

     Tội gian lận bảo hiểm y tế được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi gian lận BHYT của mình là vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho cơ quan bảo hiểm Nhà nước, lường trước được các hậu quả có thể xảy ra và mong muốn hậu quả xảy ra. Mục đích của người phạm tội là thu lợi bất chính cùng động cơ vụ lợi.

3. Hình phạt tội gian lận bảo hiểm y tế

     Theo Điều 215 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về hình phạt tội gian lận bảo hiểm y tế:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng;

b) Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

     Như vậy, người phạm tội gian lận bảo hiểm y tế có thể chịu mức phạt tù cao nhất lên đến 10 năm, phạt tiền 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 5 năm.

4. Câu hỏi liên quan tội gian lận bảo hiểm y tế

Câu hỏi 1. Trong thời gian một năm làm tại bệnh viện X, tôi có thực hiện một số hành vi gian lận bảo hiểm y tế và thu được 120 triệu. Giờ bị phát hiện tôi sẽ bị phạt thế nào?

     Theo quy định tại Điều 215 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, trong trường hợp này bạn có thể bị phạt tù từ 01 đến 05 năm, bị phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Câu hỏi 2. Tôi mượn thẻ BHYT của chị gái đi khám bệnh để giảm tiền khám bệnh có được không?

     Pháp luật quy định cấm sử dụng thẻ BHYT của người khác để hưởng chế độ BHYT trái quy định nên bạn không được thực hiện hành vi này, nếu bạn cố tình và gây ra hậu quả lớn có thể bị phạt tù.

Bài viết liên quan:

     Nếu có bất cứ thắc mắc gì liên quan đến tội gian lận bảo hiểm y tế, khách hàng xin vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900 6178 để được các luật sư hỗ trợ hiệu quả nhất.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Tiến Đạt 

 
Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com