Thủ tục thăm gặp người đang bị tạm giam được pháp luật quy định như thế nào?

Chủ nhật , 18/08/2024, 09:02


Để có thể tìm hiểu chi tiết hơn về các vấn đề như người đang bị tạm giam được hiểu như thế nào? Thủ tục thăm gặp người đang bị tạm giam được pháp luật quy định ra sao? Người đang bị tạm giam được gặp người thân bao nhiêu lần? Mời bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây của Luật Toàn Quốc.  

1. Người đang bị tạm giam được hiểu như thế nào?

     Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 60 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2021 quy định rõ về khái niệm bị can.

   “Điều 60. Bị can

1. Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này”.

     Bên cạnh khái niệm bị can, về cụm từ “tạm giam” cũng được căn cứ theo quy định tại Điều 109 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2021. Tại đây, tạm giam có thể được hiểu là một trong các biện pháp ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng minh người bị buộc tội sẽ gây ra một trong số các trường hợp sau:

  • Gây khó khăn trong việc điều tra, truy tố và xét xử. 

  • Người bị buộc tội sẽ tiếp tục phạm tội.

  • Để bảo đảm thi hành án.

     Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 3 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 cũng nêu rõ về khái niệm “người bị tạm giam”. Tại đây, người bị tạm giam chính là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bao gồm:

  • Bị can. 

  • Bị cáo. 

  • Người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án. 

  • Người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.

     Từ đó, có thể hiểu người đang bị tạm giam là tình trạng một người đã bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố một vụ án hình sự mà người đó bị nghi ngờ là thủ phạm.

Thủ tục thăm gặp bị can đang bị tạm giam

2. Thủ tục thăm gặp người đang bị tạm giam được pháp luật quy định như thế nào?

     Thủ tục thăm gặp người đang bị tạm giam được quy định chi tiết trong Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các văn bản hướng dẫn thi hành. Mục đích của việc quy định cụ thể thủ tục này là đảm bảo quyền của người bị tạm giam được gặp gỡ người thân, đồng thời bảo đảm an ninh trật tự của cơ sở giam giữ.

     Theo khoản 1 và khoản 2, Điều 4 Thông tư số 34/2017/TT-BCA quy định việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân; nhận quà; gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu. Tại đây, thủ tục thăm gặp người đang bị tạm giam được pháp luật quy định như sau:

     Thứ nhất, về đối tượng được thăm gặp sẽ bao gồm:

  • Thân nhân: là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại.

  • Luật sư: Được gặp để thực hiện quyền bào chữa.

     Thứ hai, về các giấy tờ cần xuất trình khi đến thăm gặp. Thân nhân đến thăm gặp phải xuất trình, một trong các loại giấy tờ tùy thân sau: 

  • Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân, giấy xác nhận là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.

  • Người dưới 14 tuổi phải có giấy khai sinh.

  • Giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

     Đối với trường hợp người đến thăm gặp không có bất cứ giấy tờ nào có thể chứng minh quan hệ thì người đến thăm gặp phải chuẩn bị:

  • Đơn đề nghị được thăm gặp người bị tạm giam.

  • Đơn đề có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan có thẩm quyền.

     Còn đối với trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ tùy thân thì đơn đề nghị thăm gặp cần phải dán ảnh và đóng dấu giáp lai vào ảnh.

Thủ tục thăm gặp bị can đang bị tạm giam

3. Người đang bị tạm giam thì được gặp người thân bao nhiêu lần?

     Hiện nay, theo quy định tại khoản 4, Điều 4 Thông tư số 34/2017/TT-BCA quy định việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân; nhận quà; gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu. Theo đó, người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng, thời gian gặp trong giờ làm việc, mỗi lần gặp không quá một giờ. Trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. 

     Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân. Đồng thời, theo khoản 6 và khoản 7 của Điều này cũng nêu rõ. Thủ trưởng cơ sở giam giữ là người có thẩm quyền đưa ra quyết định bằng văn bản việc cho gặp thân nhân, nêu rõ thời điểm được gặp thân nhân, cán bộ quản lý trong thời gian thăm gặp và gửi quyết định cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết. 

     Người bị tạm giam không được gặp quá 03 thân nhân trong mỗi lần gặp. Các trường hợp khác do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định. Trường hợp cơ quan đang thụ lý vụ án có yêu cầu giám sát, theo dõi việc thăm gặp thì thủ trưởng cơ sở giam giữ thông báo thời điểm thăm gặp cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết để phối hợp.

4. Câu hỏi liên quan

Câu 1. Người bị tạm giam có những quyền gì?

     Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, người bị tạm giam có những quyền sau đây:

  • Quyền về nhân phẩm và an toàn: Người bị tạm giữ, tạm giam có quyền được bảo vệ về tính mạng, tài sản, thân thể, danh dự, nhân phẩm. Họ cũng có quyền được biết các quyền và nghĩa vụ của mình.

  • Quyền chính trị: Người bị tạm giữ, tạm giam vẫn có quyền tham gia vào các hoạt động chính trị như bầu cử và trưng cầu ý dân.

  • Quyền về cuộc sống: Họ có quyền được đảm bảo các nhu cầu cơ bản như ăn uống, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe, liên lạc với bên ngoài.

  • Quyền về pháp lý: Người bị tạm giữ, tạm giam có quyền được gặp luật sư, được bảo vệ quyền tự bào chữa, được khiếu nại, tố cáo nếu cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm.

  • Quyền khác: Họ được hưởng các quyền khác của công dân trong phạm vi pháp luật cho phép.

Câu 2. Trường hợp nào thì người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân?

      Theo Điều 5, Thông tư số 34/2017/TT-BCA quy định việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân; nhận quà; gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu. Tại đây nêu rõ các trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân gồm:

     Thứ nhất, các trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân thực hiện theo quy định khi thủ trưởng cơ sở giam giữ không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong các trường hợp sau đây và phải nêu rõ lý do:

  • Thân nhân không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân do thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án; người bào chữa không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

  • Trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ hoặc để tổ chức truy bắt người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn.

  • Khi có dịch bệnh xảy ra tại khu vực có cơ sở giam giữ.

  • Khi cấp cứu người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A.

  • Khi đang lấy lời khai, hỏi cung hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang tham gia các hoạt động tố tụng khác.

  • Người bị tạm giữ, người bị tạm giam không đồng ý thăm gặp; trường hợp này, người thăm gặp được trực tiếp gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc không đồng ý thăm gặp.

  • Người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ hai lần trở lên.

  • Người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang bị kỷ luật gồm: người bị cách ly ở buồng kỷ luật nếu có hành vi chống phá quyết liệt cơ sở giam giữ, tự sát, tự gây thương tích cho bản thân, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì bị cùm một chân. Thời gian bị cùm chân do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định. Không áp dụng cùm chân đối với người bị kỷ luật là người dưới 18 tuổi, phụ nữ, người khuyết tật nặng trở lên, người đủ 70 tuổi trở lên. Trong thời gian bị cách ly ở buồng kỷ luật, người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế việc thăm gặp, gửi, nhận thư, nhận quà.

     Thứ hai, khi bàn giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam cho cơ sở giam giữ hoặc khi tiếp nhận hồ sơ hoặc khi có yêu cầu thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải có ý kiến ngay bằng văn bản đề nghị không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam, nêu rõ lý do, thời hạn không cho thăm gặp; cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam và thân nhân của họ biết khi đến thăm gặp.

Bài viết liên quan:

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề “Thủ tục thăm gặp người đang bị tạm giam được pháp luật quy định như thế nào?”, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6178 để được hỗ trợ tư vấn.

Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

Chuyên viên: Vũ Phương Anh

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]