Quy định về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Thứ 4 , 18/05/2022, 10:14


Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định pháp luật hiện hành, khung hình phạt với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo pháp luật hiện nay.

Câu hỏi của bạn:

     Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi muốn nhờ Luật sư tư vấn giúp như sau: Luật sư cho tôi hỏi tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được pháp luật hiện hành quy định như thế nào? Tôi xin cảm ơn!

Trả lời của Luật sư: 

    Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cho chúng tôi, chúng tôi xin đưa ra trường hợp tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017;

Nội dung tư vấn:

1. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là gì?

      Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao của người có chức vụ, quyền hạn và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho lợi ích nhà nước, tập thể, công dân. Hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, thuộc nhóm tội phạm về chức vụ. Đó là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

2. Quy định về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng 

     Hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm như sau:

2. 1. Khách thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

     Khách thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng đến tài sản của cơ quan, tổ chức.

2.2. Chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng 

     Chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự là các cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt đến độ tuổi luật định:

“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”

    Như vậy, đối với tội này, cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên, không phải bất kỳ cá nhân nào đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 12 đều có thể là chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo quy định tại Bộ luật Hình sự, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thuộc phần các tội phạm về chức vụ.

    Do đó, chủ thể của tội này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Đây là yếu tố đầu tiên cần phải xác định khi định tội đối với hành vi phạm tội. Tuy nhiên, mặc dù chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, nhưng trong vụ án có đồng phạm, chủ thể đặc biệt chỉ yêu cầu đối với người thực hành, những người đồng phạm khác không bắt buộc phải là người có chức vụ, quyền hạn.

2.3 Mặt khách quan của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

a. Hành vi khách quan

     Đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, người phạm tội chỉ có hành vi khách quan duy nhất là thiếu trách nhiệm. Theo đó tùy thuộc vào công việc, nhiệm vụ được giao, hoàn cảnh cụ thể mà hành vi thiếu trách nhiệm sẽ có những biểu hiện khác nhau như vi phạm các nguyên tắc bắt buộc, không thực hiện đầy đủ quy trình,...

    Thiếu trách nhiệm theo quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017 là không làm hoặc làm không hết trách nhiệm được giao dẫn đến gây ra hậu quả mà nhẽ ra nếu làm tròn trách nhiệm đối với công việc đó thì không thể gây ra hậu quả. 

b. Hậu quả

     Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm đối với tội này. Theo đó người phạm tội vì thiếu trách nhiệm mà gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm của con người; những thiệt hại về tài sản, uy tín của cơ quan, tổ chức và những thiệt hại phi vật chất khác. Tuy nhiên, đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trách nhiệm của người phạm tội là trách nhiệm gián tiếp đối với hậu quả xảy ra, nghĩa là hành vi thiếu trách nhiệm không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả nghiêm trọng.

     Bộ luật Hình sự hiện nay chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra, tham khảo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP để hướng dẫn một số quy định tại Bộ luật Hình sự 1999 đã hết hiệu lực, do đó, Thông tư này hiện nay chỉ còn giá trị tham khảo thì có thể coi hậu quả nghiêm trọng bao gồm:

  •  Làm chết một người;
  •  Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31 % đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;
  • Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

     Đối với các trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 360 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

2.4. Mặt chủ quan của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

     Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được thực hiện do vô ý, theo Điều 11 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về lỗi vô ý như sau: 

  • Vô ý vì quá tự tin: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
  • Vô ý do cẩu thả: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

     Người phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đều có thể phạm tội trong cả hai trường hợp vô ý trên tùy thuộc vào tính chất công việc, chức vụ, quyền hạn của họ. Tuy nhiên, khi xác định lỗi không bắt buộc phải xác định người đó phạm tội do vô ý vì quá tự tin hay vô ý do cẩu thả.

    Động cơ phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng không phải là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm. Việc xác định động cơ phạm tội chỉ có ý nghĩa xác định tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong việc quyết định hình phạt chứ không có ý nghĩa định tội. 

   So với quy định về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 BLHS năm 1999 chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng nên thực tiễn rất khó xác định. Mặc dù các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương có thông tư liên tịch hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng chỉ mới hướng dẫn các tội xâm phạm sở hữu còn đối với với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng chưa hướng dẫn nên khi có vụ việc xảy ra, các cơ quan tiến hành tố tụng rất khó xác định thế nào là hậu quả nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

3. Khung hình phạt với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

     Theo quy định tại điều 360 Bộ luật hình sự hình phạt đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định như sau:

     - Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, trừ trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

  • Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
  •  Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

  •  Làm chết 02 người;
  •  Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

  •  Làm chết 03 người trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
  • Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

- Người có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, trừ trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

4. Hỏi đáp về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:

Câu hỏi 1: Luật sư cho tôi hỏi: tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại tài sản của nhà nước, cơ quan, doanh nghiệp về mặt khách thể khác nhau như thế nào? Tôi cảm ơn!

      Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

     Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017. Sự khác nhau giữa hai tội trên về mặt khách quan như sau:

     Khách thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng đến tài sản của cơ quan, tổ chức; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức mình bị thoái hoá biến chất.

     Khách thể của tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là quyền sở hữu tài sản của con người của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Câu hỏi 2: Luật sư cho tôi hỏi: tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng có được hưởng án treo không? Tôi cảm ơn!

     Theo Điều 1, Nghị quyết số 02/2018 NQ-HĐTPTANDTC của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo:

“Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.”

     Theo đó, với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng để được hưởng án treo thì người phạm tội phải đáp ứng đủ 6 điều kiện sau đây : bị xử phạt tù không quá 03 năm; có nhân thân tốt; có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên; có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định; xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù; không thuộc các trường hợp không được hưởng án treo.

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như sau:

Tư vấn qua Tổng đài 19006178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng,..Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về địa chỉ: lienheluattoanquoc.vn@gmail.com chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

Luật Toàn Quốc  xin chân thành cảm ơn./.

Chuyên viên: Nguyễn Huệ

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com