Thủ tục hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích
Thứ 3 , 19/11/2024, 10:38
Câu hỏi của bạn:
Chào Luật sư: Luật sư cho tôi hỏi, Thủ tục hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích được thực hiện như thế nào? Mong Luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Câu trả lời của Luật sư:
Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về Thủ tục hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích được thực hiện như thế nào? Chúng tôi xin cung cấp thông tin tư vấn về vấn đề này như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019
Nội dung tư vấn:
1. Hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích khi nào?
Theo Điều 70 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó.
Theo đó, khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống, theo yêu cầu Tòa án ra sẽ quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó.
2. Hồ sơ yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích
- Đơn yêu cầu giải hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích
- Các giấy tờ chứng minh, tài liệu xác thực người đã bị Tòa án tuyên bố mất tích vẫn còn sống (giấy tờ chứng minh ông chính là người đã bị Tòa án tuyên bố mất tích);
- Quyết định của Tòa án tuyên bố người mất tích trước đây.
- Tài liệu chứng minh là người có quyền, lợi ích liên quan đối với trường hợp người có quyền, lợi ích liên quan nộp đơn (Giấy khai sinh, hộ khẩu…).
3. Thủ tục hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích
Căn cứ vào Điều 390 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về việc gửi đơn lên Tòa án để yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích quy định như sau:
“ Người bị Tòa án tuyên bố mất tích trở về hoặc người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật dân sự ” .
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người có yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích chuẩn bị hồ sơ và nộp tại Tòa án đã ra quyết định tuyên bố mất tích.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ, thụ lý hồ sơ
- Khi nhận được hồ sơ yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích thì Tòa án sẽ tiếp nhận đơn và xem xét xem có nhận đơn hay không trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi nhận đơn. trường hợp cần sửa đổi, bổ sung hồ sơ được thực hiện trong thời hạn là 07 ngày. Sau khi người yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ xong thì người yêu cầu nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự. Thẩm phán tiến hành thụ lý đơn yêu cầu sau khi người yêu cầu nộp lệ phí trong thời hạn 05 ngày làm việc. Nếu người người yêu cầu không thực hiện sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu thì Thẩm phán tiến hành trả lại đơn yêu cầu hoặc người yêu cầu không nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự mà không thuộc trường hợp được miễn, không phải nộp lệ phí thì Thẩm phán không tiến hành thụ lý đơn.
- Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu. trong thời gian này Tòa án thực hiện các hoạt động như yêu cầu đương sự bổ sung chứng cứ, tài liệu; tiến hành các hoạt động thu thập thông tin, trưng cầu giám định, định giá tài sản, triệu tập người làm chứng,…
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp thì Tòa án phải mở phiên họp để xét đơn yêu cầu, xem xét xem có thể chấp nhận đơn hay không. Việc quy định như vậy thể hiện được tính khẩn trương trong giải quyết việc dân sự từ phía Tòa án. Cũng do tính chất của yêu cầu không có những vấn đề cần điều tra, xác minh hoặc tiến hành các bước trung gian khác, mà chỉ cần có chứng cứ xác thực về việc người bị tuyên bố mất tích đã trở về hoặc còn sống do người yêu cầu cung cấp nên Tòa án có thể nhanh chóng tiến hành phiên họp giải quyết việc dân sự đó.
- Tòa án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích. Trong trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích và phải quyết định về hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật dân sự. Trong đó hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích được quy định tại Điều 70 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
+ Người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao sau khi đã thanh toán chi phí quản lý.
+ Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích đã được ly hôn thì dù người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống, quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật.
+ Quyết định của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Như vậy, quyền quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích trở về của họ được khôi phục lại và chuyển giao cho các cá nhân đó. Tuy nhiên, cần lưu ý quan hệ nhân thân của họ đối với người vợ/chồng mà Tòa án đã cho ly hôn thì dù có quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích thì quan hệ nhân thân này không được khôi phục.
Bước 3: Nhận kết quả
Quyết định của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho UBND cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
4. Hỏi đáp về thủ tục hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích
Câu hỏi 1. Đơn yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích bao gồm những gì?
Hiện nay, người có yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích có thể sử dụng mẫu đơn số 01/VDS Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP trong đó bao gồm các nội dung sau:
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;
- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;
- Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;
- Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);
- Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;
- Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ vào phần cuối đơn.
Câu hỏi 2. Em gái có quyền yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích thay anh trai không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 70 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích như sau:
“Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó”.
Theo đó, để tòa án huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích khi có các điều kiện sau:
Thứ nhất: Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống;
Thứ hai: Theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan.
Như vậy: Khi ngừi anh trai trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì em gái có quyền yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích thay anh trai.
Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về Thủ tục hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích
Tư vấn qua Tổng đài 1900 6178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về Thủ tục hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích và những vấn đề có liên quan mà bạn còn chưa rõ. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.
Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về Thủ tục hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích tới địa chỉ: [email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!
Chuyên viên: Thu Thủy
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: [email protected]