Điều cần biết về thủ tục đổi sổ đỏ tên chồng thành tên hai vợ chồng

Thứ 6 , 29/09/2023, 15:33


Trên thực tế, khi giao dịch mua bán nhà đất, thường người chồng sẽ được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc này có thể gây ra bất lợi cho người không có tên trong sổ đỏ khi mảnh đất có tranh chấp. Vì vậy luật pháp luôn khuyến khích tuyên truyền về quyền của phụ nữ với tài sản chung trong hôn nhân, và cũng có những quy định rất rõ về thủ tục đổi sổ đỏ tên chồng thành tên hai vợ chồng.

1. Sổ đỏ là gì?

     Trong các văn bản pháp luật hiện hành chưa có một quy định cụ thể nào về khái niệm sổ đỏ, tuy nhiên sổ đỏ được hiểu là thuật ngữ để gọi "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất". Khi sở hữu sổ đỏ, chủ sở hữu có thể chứng minh quyền sử dụng đất và là công cụ bảo vệ quyền hạn, lợi ích của chủ sở hữu đất.

2. Quy định pháp luật về số lượng người đứng tên trên sổ đỏ

     Theo khoản 2 điều 98 Luật đất đai năm 2013 có quy định rằng:

2. Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.

     Từ khoản 2 ở trên, ta có thể hiểu là trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể có tên của một người hoặc nhiều người cùng lúc, không giới hạn số người đăng ký, miễn rằng những người đó có chung quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất trên thửa đất. Vậy nên một mảnh đất có tên cả hai vợ chồng là hoàn toàn hợp pháp.

3. Thủ tục đổi sổ đỏ tên chồng thành tên hai vợ chồng

     Theo khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai 2013 và khoản 2 Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ-CP thì vợ chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi sổ đỏ nếu muốn thay đổi người đứng tên Sổ đỏ từ 1 người thành 2 người:

Điều 98. Luật Đất đai 2013

4. Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.
Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu.

Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ-CP

2. Đối với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng.

Thủ tục để hai vợ chồng cùng đứng tên trên sổ đỏ:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Cả 2 người cần phải chuẩn bị hồ sơ theo đúng quy định của Pháp luật:

  • Sổ hộ khẩu (hoặc Giấy đăng ký kết hôn).

  • Giấy tờ mua bán nhà đất hợp pháp của 2 vợ chồng trong giai đoạn hôn nhân.

  • Giấy tờ tặng cho hoặc thừa kế chung (nếu có).

  • Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK.

  • Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

Bước 2: Nộp hồ sơ làm sổ đỏ đứng tên 2 người tại cơ quan có thẩm quyền.

Người sử dụng đất nộp cần hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Bước 3: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ làm sổ đỏ đứng tên 2 người.

  • Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung (trong thời hạn 03 ngày làm việc).

  • Nếu hồ sơ đủ thì người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận. Viết và đưa Phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người nộp (trong đó ghi ngày hẹn trả kết quả).

Bước 4: Giải quyết yêu cầu.

     Khi nhận được thông báo của chi cục thuế thì hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ đóng các khoản tiền theo thông báo như: Lệ phí cấp Giấy chứng nhận, tiền sử dụng đất (nếu có), lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ (nếu có).

Bước 5: Nhận kết quả.

4. Hỏi đáp về thủ tục đổi sổ đỏ tên chồng thành tên hai vợ chồng

Câu hỏi 1. Nếu sổ đỏ chỉ có tên vợ hoặc tên chồng thì có được coi là tài sản chung không?

     Việc vợ hoặc chồng đứng tên trong Sổ đỏ, Sổ hồng không đồng nghĩa với việc là 100% trường hợp quyền sử dụng đất, nhà ở đó là tài sản riêng.

     Căn cứ khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Điều 9, Điều 10 Nghị định 126/2014/NĐ-CP, nhà đất thuộc những trường hợp sau đây được xác định là tài sản chung của vợ chồng: 

Quyền sử dụng đất:

1) Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân thông qua các hình thức như:

  • Đất được Nhà nước giao cho vợ chồng.

  • Được Nhà nước cho thuê đất (tiền thuê là tài sản chung).

  • Đất nhận chuyển nhượng (tiền dùng để mua tài sản chung, kể cả trường hợp chỉ dùng lương của vợ hoặc của chồng mua đất đó).

  • Đất được thừa kế chung, tặng cho chung.

2) Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của vợ hoặc của chồng nhưng vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

3) Quyền sử dụng đất có được bằng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng.

Nhà ở:

(1) Nhà ở được mua bằng tiền hoặc tài sản chung khác của vợ chồng.

(2) Nhà ở được tặng cho chung, thừa kế chung.

(3) Nhà ở có được bằng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng.

Ngoài ra, trường hợp không có căn cứ để chứng minh nhà đất mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì nhà đất đó được xác định là tài sản chung.

     Như vậy, nếu thuộc vào những trường hợp trên thì dù cho sổ đỏ chỉ đứng tên vợ hoặc chồng thì đó vẫn được coi là tài sản chung.

Câu hỏi 2. Hai vợ chồng cùng đứng tên trên sổ đỏ thì một trong hai người có quyền tự ý giao dịch mua bán nhà đất hay không?

      Trường hợp này thì giao dịch thực hiện quyền với nhà đất cần có sự đồng ý của cả hai. 

     Trường hợp sổ đỏ đứng tên 2 người là vợ chồng thì đất được coi là tài sản do vợ chồng tạo ra, bao gồm thu nhập từ lao động, sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và các khoản thu nhập hợp pháp khác trong thời gian hôn nhân. Ngoài ra, tài sản được thừa kế chung hoặc tặng cho cả hai và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Do vậy, dù hai người cùng đứng tên trên sổ đỏ nên có quyền như nhau, thì khi thực hiện quyền đối với nhà đất, người đứng tên trên sổ đỏ cần có chữ ký của người còn lại.

     Để được tư vấn thêm những thông tin cần thiết về thủ tục đổi sổ đỏ tên chồng thành tên hai vợ chồng, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến số điện thoại: 19006178 để được hỗ trợ nhanh nhất!
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên: Trần Bảo Ngọc

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com