Người quản lý di sản thừa kế là gì theo quy định của pháp luật

Thứ 4 , 20/11/2024, 10:07


     Theo  quy định của pháp luật, khi một người mất đi thì tài sản để lại của người đó sẽ trở thành di sản và phần di sản ấy theo quy định về thừa kế sẽ trao cho người mà người mất chỉ định. Trong quá trình đó thì quyền và nghĩa vụ pháp lý của người quản lý di sản thừa kế cũng vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm và giữ gìn khối di sản tránh thất thoát và hư hỏng. Vậy Người quản lý di sản là ai? Quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản được pháp luật dân sự quy định như thế nào? Hãy cùng Luật Toàn Quốc tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

 

1. Thừa kế là gì?

     Thừa kế được hiểu là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống và phần tài sản đó được gọi là di sản.

     Thừa kế có thể dưới dạng như sau:

  • Thừa kế theo di chúc: là việc chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết theo sự định đoạt của người để lại đi chúc khi họ còn sống. 
  • Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

             

2. Người quản lý di sản thừa kế là gì

     Theo quy định tại Điều 616 Bộ luật Dân sự 2015 thì Người quản lý di sản được hiểu là :

     Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra để lập danh mục tài sản thừa kế, giúp người mất bảo quản, tránh cho phần di sản bị hỏng hoặc mất, thực hiện nghĩa vụ bàn giao di sản cho người thừa kế và không được chiếm dụng tài sản đó dưới bất kỳ hình thức này. Ở đó người quản lý di sản được coi là người đại diện của người thừa kế đối với bên thứ ba liên quan đến di sản thừa kế và sẽ được thỏa thuận mức thù lao với các bên thừa kế.

  • Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.
  • Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 616 Luật Dân sự 2015 thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.

     Tóm lại Người quản lý di sản có thể là một trong những đối tượng sau theo quy định của pháp luật.

  • Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc.
  • Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc, do người thừa thừa kế thỏa thuận với nhau cử ra.
  • Người đang thực tế chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản ( trường hợp di chúc không chỉ định và chưa cử được người quản lý)
  • Cơ Quan nhà nước có thẩm quyền ( Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý)

3. Quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản

     Theo quy định tại Điều 617 Bộ luật dân sự 2015, người quản lí di sản thừa kế có những nghĩa vụ cơ bản sau:

  • Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
  •  Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;

     Theo đó người quản lý di sản hoàn toàn không có quyền định đoạt mua bán, trao đổi di sản này vì không phải chủ sở hữa khối tài sản đó mà quyền đó thuộc về những người thừa kế, do đó nếu muốn bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố,... thì phải có văn bản đồng ý của những người được thừa kế.

  • Thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế;

    Người quản lý di sản có nghĩa vụ thông báo về tình hình cụ thể tài sản thừa kế cũng như quyền và nghĩa vụ gắn liền liên quan đến thừa kế của họ 

  • Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;

     Nghĩa vụ của người quản lí di sản là phải bảo quản tài sản, không làm hư hỏng, thất thoát tài sản... Trường hợp người quản lí di sản có lỗi để di sản bị hao hụt, thất thoát... thì phải bồi thường cho những người thừa kế.

  • Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.

     Người quản lý chỉ có quyền và nghĩa vụ quản lý di sản trong một khoảng thời gian nhất định, trong trường hợp người lập di chúc chỉ định người quản lí di sản thì người này sẽ quản lý đến khi nào tất cả những người thừa kế yêu cầu chuyển di sản để họ chia nhau, người quản lí di sản phải giao lại theo yêu cầu của họ. Mục đích cử người quàn lí di sản là để có người bảo quản tài sản khi chưa chia.

     Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản có nghĩa vụ sau đây:

  • Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác;
  • Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
  • Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
  • Giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế.

3. Quyền của người quản lý di sản

     Người quản lí di sản theo thoả thuận hoặc do người lập di chúc cử ra có các quyền sau quy định tại khoản 1 Điều 618 Bộ luật dân sự năm 2015:

     Người quản lý di sản được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra; cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý di sản có quyền sau đây:

  • Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;
  • Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
  • Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.

     Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật Dân sự này có quyền sau đây:

  • Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;
  • Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
  • Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.

     Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.

4. Các trường hợp hạn chế phân chia di sản thừa kế.

     Các trường hợp hạn chế phân chia di sản được quy định rõ ràng tại điều 661 Bộ luật Dân sự :

  • Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.
  • Trường hợp yêu cầu chia di sản mà việc chia ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định là không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.

             

5. Hỏi đáp về Người quản lý di sản thừa kế là gì theo quy định của pháp luật

Câu hỏi 1: Xin hỏi phía luật sư rằng bố tôi để lại phần di sản thừa kế cho anh em tôi và chúng tôi đã thống nhât muốn bán phần tài sản đó để chia tiền, vậy xin hỏi rằng chúng tôi có thể thỏa thuận với người quản lý di sản bán hộ được không ?

     Căn cứ pháp lý tại Điểm b Khoản 1 Điều 617 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

     “Điều 617. Nghĩa vụ của người quản lý di sản

     1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:

     ...

     b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản; "

     Như vậy thông thường người quản lý di sản không được bán phần di sản vì phần tài sản này không phải sở hữu của họ mà họ được định đoạt, nhưng nếu anh em trong gia đình bạn thống nhất muốn bán phần di sản đó để chia thì những người có quyền thừa kế trong gia đình bạn thì có thể tiến hành thực hiện việc làm văn bản đồng ý việc bán phần di sản đó . Trong trường hợp đó bạn có thể thỏa thuận với người quản lý di sản bán phần tài sản đó với điều kiện có văn bản đồng ý như trên.

Câu hỏi 2: Ai là người có thể quản lý di sản thừa kế của người chưa thành niên khi cha mẹ của trẻ đều mất ?

     Ở trường hợp này Người giám hộ cho người chưa thành niên có những quyền sau đây, theo quy định tại Điều 58 Bộ luật dân sự 2015 

  • Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;
  • Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;
  • Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

    Như vậy khi bố mẹ của trẻ mất thì  Người giám sát việc giám hộ sẽ quản lý tài sản của người được giám hộ, hay chính là quản lý khối di sản mà bố mẹ để lại trong trường hợp này. Theo khoản 1 Điều 59 Bộ luật dân sự 2015 thì: 

  • Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. 
  • Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

      Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung người quản lý di sản thừa kế là gì quý khách hàng có thể liên hệ đến tổng đài 1900.6178 để được hỗ trợ tư vấn.

   Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn.                                         

                                                                                                                                                            Chuyên viên: Anh Phương

 

 

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]