Theo quy định của pháp luật khi nào phải có người giám hộ?

Thứ 7 , 12/08/2023, 11:59


     Thực tiễn hiện nay, pháp luật hiện hành đã quy định ngày càng chặt chẽ và cụ thể về những vấn đề về người giám hộ nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên hoặc người bị mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên vấn đề liên quan đến việc giám hộ là vấn đề không phải ai cũng nắm rõ. Vậy khi nào phải có người giám hộ, quyền và nghĩa vụ của người giám hộ được quy định như thế nào?. Luật Toàn Quốc sẽ đồng hành cùng các bạn để tìm hiểu các quy định của pháp luật dân sự liên quan đến các trường hợp cần có người giám hộ.

 

1. Người giám hộ là gì ? 

    Theo quy định tại khoản 1 điều 46 Bộ luật dân sự 2015 thì Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).

     Giám hộ là chế định của pháp luật nhằm khắc phục tình trạng những người có năng lực hành vi dân sự nhưng bị hạn chế hoặc không có khả năng trong việc thực hiện hành vi dân sự của mình, không thể thực hiện quyền và nghĩa vụ nhằm bảo vệ quyền lợi của bản thân họ. Người giám hộ sẽ là người đại diện theo pháp luật của người được giám hộ trong mối quan hệ với Nhà nước và trong hầu hết các giao dịch trừ các giao dịch đơn giản.

      Người giám hộ theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Dân sự 2015 có thể là :

  • Cá nhân (cha, mẹ, con đã thành niên, anh, chị em, ông, bà và những người thân thích khác);
  • Pháp nhân (gồm các tổ chức xã hội, từ thiện hay cơ quan Nhà nước)

                 

2. Các hình thức của giám hộ

     Theo quy định pháp luật, cụ thể là Điều 52, 53, 54 Bộ luật Dân sự 2015 có hai hình thức giám hộ là:

  • Giám hộ đương nhiên: là hình thức giám hộ mà người giám hộ đương nhiên chỉ có thể là cá nhân bao gồm cha, mẹ, con đã thành niên, anh, chị em, ông, bà và những người thân thích khác.
  •  Giám hộ được cử, chỉ định: là hình thức cử người giám hộ theo trình tự do pháp luật quy định trong trường hợp không có người giám hộ đương nhiên. Cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có thể trở thành người giám hộ được cử.

3. Khi nào phải có người giám hộ

     Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 47 Bộ luật Dân sự 2015 thì người được giám hộ là:

  • Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
  • Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
  • Người mất năng lực hành vi dân sự;
  • Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

     Bên cạnh đó, Một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu.

     Căn cứ theo điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thì một người được coi là mất hành vi dân sự khi bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành và Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

     Theo quy định tại Điều 24 Bộ luật Dân sự 2015 thì  thì được hiểu là người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình, được Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

     Cũng theo quy định của pháp luật, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được hiểu là người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự và trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi căn cứ Điều 23 Bộ luật Dân sự 2015.

     Như vậy những trường hợp trên là những người cần có người giám hộ theo quy định của luật dân sự, bởi họ không thể tự mình bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của họ khi tham gia các quan hệ pháp luật dân sự. Vì vậy để đảm bảo quyền bình đẳng của các chủ thể đồng thời để bảo vệ người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong các quan hệ dân sự mà quy định về giám hộ đã được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự 2015 để áp dụng vào thực tế.

              

4. Hỏi đáp về khi nào phải có người giám hộ ?

Câu hỏi 1: Xin hỏi phí luật sư rằng cháu của tôi 17 tuổi và bố cháu đã mất và mẹ bị mất  năng lực hành vi dân sự vậy cháu có cần người giám hộ không?

     Căn cứ điểm a,b khoản 1 Điều 47 Bộ luật Dân sự 2015:

     "Điều 47. Người được giám hộ

     1. Người được giám hộ bao gồm:

    a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;

     b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;"."

     Như vậy căn cứ theo quy định trên và cháu của bạn 17 tuổi là người chưa thành niên nên cháu của bạn sẽ phải có người giám hộ và với trường hợp này người giám hộ đương nhiên của cháu căn cứ theo điều 52 Bộ luật dân sự 2015 theo thứ tự sau :

  • Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
  • Trường hợp không có người giám hộ theo quy định trên thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
  • Trường hợp không có người giám hộ quy định tại 2 Điểm trên thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ. 

Câu hỏi 2 : Xin hỏi phía luật sư rằng mẹ tôi bị tâm thần và mất năng lực hành vi dân sự xin hỏi tôi là con cả nhưng không đủ khả năng chăm sóc mẹ vì tôi đang trong Nam con anh em tôi ở ngoài Bắc vậy thì người giám hộ đương nhiên theo quy định của pháp luật bao gồm những ai? Với tình huống của tôi thì tôi có phải người giám hộ đương nhiên không

     Căn cứ khoản 2 Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015:

     Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:

     "2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ."

     Như vậy với trường hợp của bạn nếu bạn là con cả nhưng không đáp ứng được các điều kiện quy định tại điều 49 thì bạn sẽ không thuộc trường hợp là người giám hộ đương nhiên:

     "Điều 49. Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ

     Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:

     1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

     2. Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

     3. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.

      4. Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên."

    Tuy điều luật này không quy định rõ điều kiện cần thiết này là gì nhưng có thể hiểu đó là điều kiện kinh tế và điều kiện thực tế khác (sinh sống cùng nơi cư trú hoặc cho người được giám hộ cùng cư trú, sinh sống với mình hoặc có thể thường xuyên giám sát, quản lí được người được giám hộ).

     Như vậy bạn có thể trao đổi lại với anh em trong gia đình bạn để thống nhất được người giám hộ và xem xét được điều kiện tốt nhất cho mẹ của bạn

     Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề Khi nào phải có người giám hộ bạn có thể liên hệ cho chúng tôi qua số tổng đài 1900.6178 để được hỗ trợ tư vấn.

 

   Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn.                               

                                                                                                                                                       Chuyên viên: Anh Phương

.

 

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com