Gia công trong thương mại là gì?
Thứ 6 , 22/11/2024, 10:38
1. Gia công trong thương mại là gì?
Điều 178 Luật Thương mại 2005 quy định: "Gia công trong thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao"
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005, hoạt động thương mại được định nghĩa là " hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác".
Như vậy, có thể thấy rằng, gia công là một hoạt động thương mại trong đó bên nhận gia công sau khi nhận một phần hoặc toàn bộ nguyên vật liệu của bên đặt gia công, sẽ thực hiện một hoặc nhiều công đoạn để làm ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công. Đây là hoạt động dựa trên hợp đồng giữa hai bên, trong đó quy định yêu cầu đối với hàng hóa được gia công, thời gian gia công, thù lao cho hoạt động gia công và một số vấn đề khác.
2. Hàng hóa được gia công
Điều 180 Luật Thương mại 2005 quy định về hàng hóa gia công như sau:
Điều 180: Hàng hóa gia công
1. Tất cả các loại hàng hóa đều có thể được gia công, trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh.
2. Trường hợp gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ ở nước ngoài thì hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu có thể được gia công nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Từ quy định trên có thể thấy pháp luật cho phép có thể thực hiện gia công với hầu hết tất cả các loại hàng hóa, chỉ trừ những hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh.
Điều 6 Luật Đầu tư 2020 quy định về các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, trong đó đề cập đến cấm kinh doanh các loại chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này; các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ luc II của Luật này; các loại mẫu vật của các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp, mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này.
Từ đó có thể kết luận hầu hết các loại hàng hóa đều có thể được gia công, chỉ trừ một số loại hàng hóa bị cấm như: chất ma túy, các hóa chất khoáng vật hay các mẫu vật động-thực vật hoãng dã... theo quy định.
Ngoài ra, trong trường hợp muốn gia công các loại hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất-nhập khẩu cho các thương nhân nước ngoài để tiêu thụ ở nước ngoài thì phải có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hàng hóa thuộc diện này có thể kể đến như: Vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, trang thiết bị kỹ thuật quân sự; Các sản phẩm mật mã được dùng để bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước; Gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ gỗ rừng tự nhiên trong nước;…..
3. Quy định về hợp đồng gia công thương mại
Các quy định liên quan đến hợp đồng gia công được quy định tại Mục 11 của Bộ luật Dân sự 2015
Theo Điều 542 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công. Đối tượng của hợp đồng gia công là vật được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn mà các bên thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Từ những quy định của pháp luật, có thể thấy hợp đồng gia công có những đặc điểm pháp lý sau:
-
Hợp đồng gia công là hợp đồng song vụ: Bên gia công có quyền yêu cầu bên đặt gia công phải chuyển cho mình vật liệu đạt tiêu chuẩn về chất lượng, chủng loại, tính đồng bộ và số lượng cùng vật mẫu, bản vẽ để chế tạo. Bên gia công yêu cầu bên đặt gia công nhận tài sản mới do chính mình tạo ra và trả tiền công như đã thỏa thuận. Bên nhận gia công có quyền yêu cầu bên thuê gia công cung cấp nguyên vật liệu đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chủng loại, đồng đều, số lượng cũng như mẫu, bản vẽ để sản xuất. Người gia công yêu cầu bên thuê gia công nhận các sản phẩm mới do nhà gia công làm ra và trả thù lao đã thỏa thuận.
-
Hợp đồng gia công là hợp đồng có đền bù: Số tiền mà bên thuê gia công phải trả cho bên nhận gia công là tiền công. Khoản thù lao này là khoản thù lao mà hai bên đã thỏa thuận trong Điều khoản chung.
-
Hợp đồng gia công có kết quả được vật thế hóa: Đối tượng được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn đã thỏa thuận giữa các bên hoặc xác lập trước theo quy định của pháp luật. Mẫu hoặc tiêu chuẩn vật gia công chỉ được hiện thực hóa (vật chất hóa hoặc trở thành hàng hóa) sau khi bên nhận gia công đã hoàn thành thao tác gia công.
4. Một số câu hỏi liên quan đến vấn đề Gia công trong thương mại là gì?
Câu hỏi 1: Hợp đồng gia công có phải hợp đồng dịch vụ không?
Hợp đồng gia công không phải là hợp đồng dịch vụ.
Hợp đồng gia công và hợp đồng dịch vụ có một số điểm giống nhau như: trong cả hai loại hợp đồng, sẽ có một bên (bên nhận gia công, bên nhận dịch vụ) sẽ bằng công sức của mình thực hiện một công việc để đem lại lợi ích cho một bên khác (bên đặt gia công, bên thuê dịch vụ)và khi hợp đồng hoàn thành thì bên nhận gia công (bên nhận dịch vụ) sẽ được bên còn lại trả một khoản thù lao như đã thỏa thuận.
Tuy nhiên vẫn có sự khác biệt giữa hợp đồng gia công và hợp đồng dịch vụ, đó chính là đối tượng của hợp đồng. Đối tượng của hợp đồng gia công, như đã nêu ở trên, là vật được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn mà các bên thoả thuận hoặc pháp luật có quy định, do đó có thể nói hợp đồng gia công có kết quả được vật thể hóa. Còn đối tượng của hợp đồng dịch vụ là một công việc. Quá trình thực hiện hợp đồng sẽ không tạo ra sản phẩm mới mà sẽ làm tăng thêm chất lượng của tài sản, khắc phục, sửa chữa tài sản bị hư hỏng hoặc bên làm dịch vụ hoàn thành một công việc theo như thoả thuận.
Do đó hợp đồng gia công không phải là hợp đồng dịch vụ.
Câu hỏi 2: Pháp luật quy định như thế nào về thù lao gia công?
Thù lao gia công được quy định tại Điều 183 Luật Thương mại 2005, theo đó:
-
Bên nhận gia công có thể nhận thù lao gia công bằng tiền hoặc bằng sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị dùng để gia công.
-
Trường hợp gia công hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, nếu bên nhận gia công nhận thù lao gia công bằng sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị dùng để gia công thì phải tuân thủ các quy định về nhập khẩu đối với sản phẩm, máy móc, thiết bị đó.
Bài viết liên quan:
Để được tư vấn thêm về các vấn đề liên quan đến Gia công trong thương mại là gì, quý khách hàng vui lòng liên hệ 1900 6178.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn.
Chuyên viên: Phạm Đắc Thơm
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: [email protected]