Điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực theo quy định của pháp luật hiện hành

Thứ 6 , 08/11/2024, 08:44


Quy định về giao dịch dân sự, Điều kiện giao dịch dân sự có hiệu lực qua một trường hợp giao dịch dân sự cụ thể.

Câu hỏi của bạn: Xin chào Luật sư, Luật sư cho tôi hỏi điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực là gì? Mong luật sư giải đáp giúp! Tôi xin cảm ơn! 

Câu trả lời của Luật sư: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Toàn Quốc. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về điều kiện để hợp đồng giao dịch dân sự có hiệu lực như sau

Cơ sở pháp lý:

  • Bộ Luật Dân sự 2015

1. Giao dịch dân sự là gì?

     Theo quy định tại Điều 116 Bộ Luật Dân sự 2015: "Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự".

     Điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực là những yếu tố giao dịch dân sự cần có theo quy định pháp luật để giao dịch đó có gia strij pháp lý.

 

2. Điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực

Điều 117 Bộ Luật dân sự quy định về điều kiện giao dịch dân sự có hiệu lực như sau

  • Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
  • Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
  • Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
  •  Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

2.1.Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập

2.1.1.Đối với cá nhân

     Giao dịch dân sự do cá nhân xác lập chỉ có hiệu lực nếu phù hợp với mức độ năng lực hành vi dân sự được quy định từ Điều 16 đến Điều 24 BLDS 2015.

  • Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp họ bị toà án tuyên bố mất năng lực hành vi, tuyên bố hạn chế năng lực hành vi. Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được toàn quyền xác lập mọi giao dịch dân sự.
  • Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ, khi xác lập thực hiện giao dịch dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật trừ những giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
  • Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng kí và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Ví dụ lập di chúc phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
  • Những người chưa đủ 6 tuổi, người mất năng lực hành vi không được phép xác lập giao dịch dân sự. Mọi giao dịch dân sự của những người này đều do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

2.1.2.Đối với pháp nhân 

     Pháp nhân tham gia vào giao dịch dân sự thông qua người đại diện của họ (đại diện theo pháp luật và theo uỷ quyền). Các giao dịch dân sự do người đại diện hợp pháp xác lập làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của pháp nhân. Tuy nhiên, cũng giống như cá nhân, pháp nhân chỉ tham gia các giao dịch dân sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của pháp nhân, phù hợp với năng lực chủ thể mà pháp luật ghi nhận cho pháp nhân. Người đại diện xác lập giao dịch dân sự làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của pháp nhân trong phạm vi nhiệm vụ của chủ thể đó được điều lệ hoặc pháp luật quy định. Những giao dịch dân sự được xác lập không nhân danh và vì lợi ích của pháp nhân, pháp nhân sẽ không chịu trách nhiệm.

     Cũng tương tự như cá nhân, khi pháp nhân tham gia vào các giao dịch dân sự cần có năng lực chủ thể phù hợp với giao dịch được xác lập. Năng lực chủ thể của pháp nhân bao gồm năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự của pháp nhân. Theo quy định tại Điều 86 BLDS 2015  năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự và không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Năng lực hành vi dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điếm pháp nhân được thành lập hợp pháp (từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập pháp nhân; hay nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký). Như vậy năng lực hành vi dân sự của pháp nhân cũng phát sinh đồng thời cùng thời điểm phát sinh năng lực pháp luật dân sự

2.2.Chủ thể tham gia hoàn toàn tự nguyện 

     Bản chất của giao dịch dân sự là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí, cho nên “tự nguyện” bao gồm các yếu tố cấu thành là tự do ý chí và bày tỏ ý chí.

     Nguyên tắc được quy định tại Khoản 2 Điều 3 BLDS tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận. Vi phạm sự tự nguyện của chủ thể là vi phạm pháp luật. Vì vậy, giao dịch dân sự thiếu sự tự nguyện không làm phát sinh hậu quả pháp lí. BLDS quy định một số trường hợp giao dịch dân sự xác lập không có sự tự nguyện sẽ bị vô hiệu. Đó là các trường hợp vô hiệu do giả tạo; do nhầm lẫn; do bị lừa dối, bị đe doạ, cưỡng ép; do xác lập tại thời điểm mà không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

 

2.3. Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

     Điều 118 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích mà chủ thế mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó. Còn nội dung của giao dịch dân sự là tổng hợp các điều khoản, các cam kết xác định quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể, có tính chất ràng buộc các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự. 

    Để giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật thì mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Điều cấm của luật là những quy định không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Chỉ những tài sản được phép giao dịch, những công việc được phép thực hiện không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội mới là đối tượng của giao dịch dân sự. Những giao dịch xác lập nhằm trốn tránh pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội là những giao dịch dân sự có mục đích và nội dung không hợp pháp, không làm phát sinh hiệu lực pháp luật của giao dịch dân sự đó.

2.4. Hình thức của giao dịch dân sự phải phù hợp với quy định của pháp luật

      Hình thức của giao dịch dân sự là phương tiện thể hiện nội dung của giao dịch dân sự. Theo quy định tại Điều 119 BLDS 2015 "Giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể". Người xác lập giao dịch dân sự có quyền lựa chọn hình thức của giao dịch dân sự đó. Chỉ trong một số trường hợp đặc biệt thì pháp luật mới có yêu cầu về hình thức buộc các chủ thể phải tuân thủ theo như phải được thể hiện bằng văn bản, phải được công chứng nhà nước chứng nhận, được chứng thực, đăng kí hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.

2.4.1.Hình thức miệng (bằng lời nói)

     Hình thức miệng được coi là hình thức phổ biến nhất trong xã hội hiện nay mặc dù hình thức này có độ xác thực thấp nhất. Hình thức miệng thường được áp dụng đối với các giao dịch dân sự được thực hiện ngay và chấm dứt ngay sau đó (mua bán trao tay) hoặc giữa các chủ thể có quan hệ mật thiết, tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau (bạn bè, người thân cho vay, mượn tài sản…). Nhưng cũng có trường hợp giao dịch dân sự nếu được thể hiện bằng hình thức miệng phải bảo đảm tuân thủ những điều kiện luật định mới có giá trị (di chúc miệng – Điều 629 BLDS 2015)

2.4.2.Hình thức văn bản

      Hình thức giao dịch bằng văn bản thường được áp dụng trong trường hợp các bên tham gia giao dịch dân sự thoả thuận hoặc pháp luật quy định giao dịch dân sự phải thể hiện bằng hình thức văn bản. Nội dung giao dịch dân sự được thể hiện trên văn bản có chữ kí xác nhận của các chủ thể cho nên hình thức này là chứng cứ xác định chủ thể đã tham gia vào một giao dịch dân sự rõ ràng hơn so với trường hợp giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói.

      Văn bản có công chứng, chứng thực được áp dụng trong những trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự bắt buộc phải được lập thành văn bản hoặc các bên có thoả thuận.

2.4.3.Hình thức giao dịch bằng hành vi

     Giao dịch dân sự có thể được xác lập thông qua những hành vi nhất định theo quy ước định trước. Đây là hình thức giản tiện nhất của giao dịch dân sự. Giao dịch dân sự có thể được xác lập thông qua hình thức này mà không nhất thiết phải có sự hiện diện đồng thời của tất cả các bên tại nơi giao kết. Hình thức này càng ngày càng trở nên phổ biến, nhất là tại những quốc gia có nền công nghiệp tự động hoá phát triển. 

3. Câu hỏi của bạn về điều kiện giao dịch dân sự có hiệu lực.

Câu hỏi 1: Cho tôi hỏi đã ký hợp đồng sau đó phát hiện ra có sự nhầm lẫn thông tin sản phẩm thì giao dịch này có vô hiệu không?

     Theo quy định tại điều 126 Bộ Luật dân sự:

  • Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
  • Giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được.

     Như vậy, trước hết đối với giao dịch này cần xác định giao dịch dân sự đã xác lập đã làm cho mục đích của các bên đạt được chưa hoặc các bên có thể khắc phụ được sự nhầm lẫn này hay không. Trường hợp gia dịch dân sự đó làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định pháp luật.

Câu hỏi 2: Hình thức để giao dịch dân sự có hiệu lực?

     Như đã trình bày ở trên hình thức của giao dịch dân sự sẽ phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể khi tham gia áp dụng hoặc pháp luật có quy định về hình thức giao dịch đối với đối tượng của giao dịch thì các bên phải tuân theo. Giao dịch dân sự được xác lập thông qua 3 hình thức: Hình thức bằng lời nói, hình thức bằng văn bản, hình thức giao dịch bằng hành vi. Người xác lập giao dịch dân sự có quyền lựa chọn hình thức của giao dịch dân sự đó. Chỉ trong một số trường hợp đặc biệt thì pháp luật mới có yêu cầu về hình thức buộc các chủ thể phải tuân thủ theo như phải được thể hiện bằng văn bản, phải được công chứng nhà nước chứng nhận, được chứng thực, đăng kí hoặc phải xin phép chủ thể tham gia phải tuân theo các quy định đó thì giao dịch dân sự mới có hiệu lực.

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

Tư vấn qua Tổng đài 19006178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự và những vấn đề có liên quan mà bạn còn chưa rõ. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự về địa chỉ: [email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

Chuyên viên: Lê Vũ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: [email protected]