Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo quy định hiện nay
Thứ 7 , 09/11/2024, 09:12
Câu hỏi của bạn:
Xin chào Luật sư. Tôi có một câu hỏi muốn nhờ Luật sư giải đáp giúp như sau. Gia đình tôi hiện đang có nguyện vọng trồng cây ăn quả trên đất mảnh đất trồng lúa. Cho tôi hỏi việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa cần đáp ứng điều kiện gì và quy trình thủ tục thực hiện ra sao. Rất mong Luật sư sớm phản hồi. Tôi xin cảm ơn!
Câu trả lời của Luật sư:
Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đến cho chúng tôi. Chúng tôi đưa ra quan điểm tư vấn của mình về vấn đề này như sau:
Cơ sở pháp lý:
- Luật trồng trọt 2018
- Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa
- Nghị định 94/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật trồng trọt về giống cây trồng và canh tác
Hiện nay, ở nước ta, lúa vẫn là cây lương thực quan trọng nhất, do lúa là loại lương thực chính được sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày của phần lớn người dân, đồng thời đây cũng là mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực ra bên ngoài.
1. Đất trồng lúa là gì?
Nghị Định 35/2015/NĐ-CP giải thích:
Đất trồng lúa là đất có các điều kiện phù hợp để trồng lúa, bao gồm đất chuyên trồng lúa nước và đất trồng lúa khác.
Trồng trọt hiện nay chiếm tỷ trọng cao trong ngành nông nghiệp do vậy bảo vệ diện tích đất trồng lúa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
2. Điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giúp đa dạng hóa cây trồng, tận dụng tối đa lợi ích của đất tăng thu nhập cho người sử dụng đất. Tuy nhiên chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng, đặc tính tự nhiên của đất trồng lúa, làm suy giảm diện tích đất trồng lúa. Do đó việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phải đáp ứng một số điều kiện được quy định tại Khoản 1 Điều 56 Luật trồng trọt 2018:
“1. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được quy định như sau:
a) Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu;
b) Hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi;
c) Bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương;
d) Không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại.”
Điều này được hướng dẫn tại Điều 13 Nghị Định 94/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật trồng trọt về giống cây trồng và canh tác
a) Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa.
c) Trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120 cen-ti-mét so với mặt ruộng.
Theo đó kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất đồng trồng lúa của cấp dưới sẽ căn cứ vào kế hoạch của cấp trên để ban hành:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phạm vi toàn quốc theo Mẫu số 01.CĐ Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định 94/2019/NĐ-CP
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phạm vi toàn quốc; đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp huyện; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên phạm vi toàn tỉnh theo Mẫu số 02.CĐ Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định 94/2019/NĐ-CP
- Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phạm vi toàn tỉnh; đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện, ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên phạm vi toàn huyện theo Mẫu số 02.CĐ Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định 94/2019/NĐ-CP
- Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ nhu cầu chuyển đổi của tổ chức, cá nhân trên địa bàn và kế hoạch chuyển đổi của cấp huyện ban hành kế hoạch chuyển đổi trên địa bàn theo Mẫu số 03.CĐ Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định 94/2019/NĐ-CP
3.Trình tự thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa
Để tận dụng tối đa tài nguyên đất trồng và nhu cầu của nhân dân Nhà nước tạo điều kiện tối đa về quy trình để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Điều này được quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định 94/2019/NĐ-CP về trình tự, thủ tục như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất trồng lúa hợp pháp có nhu cầu chuyển đổi có nhu cầu chuyển sang trồng cây lâu năm gửi 01 bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp xã theo Mẫu số 04.CĐ Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định 94/2019NĐ-CP
Bước 2: Xử lý hồ sơ
- Trường hợp bản đăng ký chuyển đổi không hợp lệ: Trong thời gian 03 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã phải hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân chỉnh sửa, bổ sung bản đăng ký.
- Trường hợp bản đăng ký chuyển đổi hợp lệ: Trong thời gian 05 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã có ý kiến “Đồng ý cho chuyển đổi”, đóng dấu vào bản đăng ký, vào sổ theo dõi và gửi lại cho người sử dụng đất.
- Trường hợp không đồng ý: Ủy ban nhân dân cấp xã phải trả lời bằng văn bản theo Mẫu số 05.CĐ Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định 94/2019/NĐ-CP
Bước 3: Kiểm tra, giám sát
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trong trên đất trồng lúa có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi và báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi theo quy định.
Khi được chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa người có đất chuyển đổi không được làm hư hỏng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng và ảnh hưởng xấu tới việc sản xuất lúa ở khu vực liền kề. Trong trường hợp làm hư hỏng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng thì phải có biện pháp khắc phục kịp thời và phải bồi thường nếu gây ảnh hưởng xấu tới việc sản xuất lúa của các hộ ở khu vực liền kề và trong trường hợp đất bị nhiễm mặn tạm thời trong vụ nuôi trồng thủy sản nước mặn, thì phải có biện pháp phục hồi để trồng vụ lúa ngay sau vụ nuôi trồng thủy sản
4. Câu hỏi của bạn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa
Câu hỏi 1: Mức phạt vi phạm hành chính về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được quy định như thế nào?
Mức xử phạt đối với hành vi này được quy định tại Điều 13 Nghị Định 91/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định:
Một là, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa khi chưa có ý kiến đồng ý cho chuyển đổi của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 13 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng dưới 0,5 héc ta;
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 01 héc ta trở lên;
Hai là, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa vi phạm quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 13 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng dưới 0,5 héc ta;
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 01 héc ta trở lên;
Biện pháp khắc phục hậu quả
- Buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm
- Buộc đăng ký việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với Ủy ban nhân dân cấp xã khi đủ điều kiện
Câu hỏi 2: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 được sửa đổi bổ sung Khoản 8 Điều 1 Nghị Định 04/2022/NĐ-CP thì chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với mức phạt tiền đến 100 triệu đồng. Do đó, trong các trường hợp vi phạm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trong phạm vi diện tích lớn, mức xử phạt từ 5.000.000 đồng trở lên thì thẩm quyền xử phạt thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện.
Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa:
Tư vấn qua Tổng đài 19006178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và những vấn đề có liên quan mà bạn còn chưa rõ. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.
Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và các vấn đề có liên quan về địa chỉ: l[email protected] chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./. Chuyên viên: Lê Vũ
Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn
-
Số ĐT của bạn *
-
Chọn gói dịch vụ *
Gửi yêu cầu tư vấn
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC
463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 1900 6178
Email: [email protected]