Quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu

Thứ 4 , 19/07/2023, 16:34


     Thực tiễn hiện nay có rất nhiều giao dịch dân sự xảy ra hàng ngày, hàng giờ, tuy nhiên không phải giao dịch nào cũng có hiệu lực pháp luật, có những giao dịch vô hiệu do nhiều lý do khác nhau theo quy định của pháp luật. Vậy khi giao dịch dân sự vô hiệu thì việc bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình được quy định như thế nào? Luật Toàn Quốc sẽ cung cấp thông tin về vấn đề này qua bài viết sau:

Câu hỏi của bạn:

     Thưa Luật sư, tôi muốn hỏi pháp luật hiện nay quy định như thế nào về vấn đề bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình. Tôi mong Luật sư tư vấn giải đáp cho tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Câu trả lời của Luật sư:

     Luật Toàn Quốc cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi về vấn đề Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình. Chúng tôi xin đưa ra thông tin tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật dân sự năm 2015

Nội dung tư vấn:

1. Người thứ ba ngay tình là ai?

     Pháp luật dân sự hiện nay không định nghĩa cụ thể thế nào là người thứ ba ngay tình nhưng theo Từ điển Luật học có giải thích: "Người thứ ba ngay tình khi tham gia giao dịch dân sự vô hiệu là người được chuyển giao tài sản thông qua giao dịch mà họ không biết, không buộc phải biết tài sản đó do người chuyển giao cho họ thu được từ một giao dịch dân sự vô hiệu".

     Như vậy, có thể hiểu người thứ ba ngay tình là người mà tại thời điểm tham gia giao dịch dân sự họ không có cơ sở để biết việc giao dịch của mình với người không có quyền định đoạt tài sản hoặc đối tượng tài sản của giao dịch liên quan đến giao dịch trước đó đã bị vô hiệu, do họ hoàn toàn tin rằng người giao dịch với mình là người có quyền giao dịch và đối tượng tài sản của giao dịch đáp ứng các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực.

2. Quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình

     Trong giao dịch dân sự vô hiệu, người thứ ba ngay tình hoàn toàn không có lỗi nên các giao dịch được tạo lập sẽ được pháp luật bảo vệ. Cụ thể, Điều 133 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về vấn đề này như sau:

Điều 133. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu

1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.

2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.

     Theo quy định trên thì tuỳ từng loại giao dịch dân sự trong các trường hợp cụ thể mà pháp luật sẽ đưa ra những quy định khác nhau để bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình. 

3. Các điều kiện để người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi

     Theo quy định tại Điều 133 Bộ luật dân sự năm 2015 thì để người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi khi giao dịch dân sự vô hiệu cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

     Thứ nhất, trước khi người thứ ba tham gia vào giao dịch dân sự thì đã có một giao dịch dân sự trước đó được xác lập, thực hiện nhưng giao dịch dân sự trước đó đã bị vô hiệu.

     Thứ hai, người thứ ba xác lập giao dịch dân sự phải ngay tình. Tức là, người thứ ba không biết hoặc không thể biết những giao dịch trước đó bị vô hiệu bởi bất cứ lý do nào, họ có căn cứ tin rằng đối tượng và chủ thể giao dịch với mình đủ điều kiện mà pháp luật quy định.

     Thứ ba, tài sản là đối tượng của giao dịch phải là tài sản được phép giao dịch. Tức là những tài sản này là tài sản không bị cấm giao dịch theo quy định của pháp luật. Đối với những tài sản mà pháp luật cấm giao dịch thì người thứ ba buộc phải biết và việc xác lập giao dịch đối với loại tài sản này đều bất hợp pháp, không được pháp luật bảo vệ. 

     Thứ tư, người thứ ba có được tài sản thông qua giao dịch dân sự có đền bù. Đó là những giao dịch mà trong đó một bên sau khi thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bên kia thì sẽ nhận được những lợi ích vật chất từ phía bên kia. Khi đó, giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực. 

4. Hỏi đáp về Bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình

Câu hỏi 1: Chủ sở hữu tài sản có được đòi lại tài sản đã chuyển giao cho người thứ ba ngay tình không?

     Căn cứ vào quy định tại Điều 167 Bộ luật dân sự năm 2015 thì chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình nếu tài sản đó là động sản không phải đăng ký, trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản. Trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản thông qua hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.

Câu hỏi 2: Người thứ ba ngay tình sau khi nhận chuyển giao tài sản thì có được bán lại cho một người khác không?

     Căn cứ vào quy định tại Điều 133 Bộ luật dân sự năm 2015 thì trong trường hợp tài sản đã được chuyển giao cho người thứ ba thông qua một giao dịch dân sự có hiệu lực thì người thứ ba ngay tình có quyền sở hữu tài sản đó và được bán lại cho một người khác. Ngược lại, trong trường hợp giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba vô hiệu thì người thứ ba không có quyền sở hữu đối với tài sản và không được bán cho người khác.

Dịch vụ hỗ trợ khách hàng về Bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình

Tư vấn qua Tổng đài 1900 6178: Đây là hình thức tư vấn được nhiều khách hàng sử dụng nhất, vì bạn có thể đặt thêm các câu hỏi về Bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình và những vấn đề có liên quan mà bạn còn chưa rõ. Chỉ sau một vài câu hỏi của Luật Sư, vấn đề của bạn sẽ được giải quyết; bạn có thể gọi cho Luật Toàn Quốc vào bất cứ thời gian nào chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.

Tư vấn qua Email: Bạn có thể gửi Email câu hỏi về Bảo vệ người thứ ba ngay tình tới địa chỉ: lienheluattoanquoc.vn@gmail.com chúng tôi sẽ biên tập và trả lời qua Email cho bạn. Tuy nhiên việc trả lời qua Email sẽ mất nhiều thời gian và không thể diễn tả được hết ý của câu hỏi vì vậy bạn nên gọi cho Luật Toàn Quốc để được tư vấn tốt nhất.

Tư vấn trực tiếp: Nếu bạn sắp xếp được công việc và thời gian bạn có thể đến trực tiếp Công ty Luật Toàn Quốc để được tư vấn về Bảo vệ người thứ ba ngay tình. Lưu ý trước khi đến bạn nên gửi câu hỏi, tài liệu kèm theo và gọi điện đặt lịch hẹn tư vấn trước để Luật Toàn Quốc sắp xếp Luật Sư tư vấn cho bạn, khi đi bạn nhớ mang theo hồ sơ.

Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./. 

Chuyên viên: Phương Anh

 

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com