Tội trốn đóng bảo hiểm cho người lao động

Thứ 2 , 25/12/2023, 09:49


     Trên thực tế có không ít trường hợp các công ty, doanh nghiệp dùng nhiều cách để trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, hành vi này làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Bài viết này sẽ giúp quý độc giả nắm bắt được các quy định của pháp luật về tội trốn đóng bảo hiểm cho người lao động.

1. Tội trốn đóng bảo hiểm cho người lao động là gì?

       Theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn về một số thuật ngữ được sử dụng trong quy định về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:

       Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, mà không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

       Gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trường hợp cố ý không kê khai hoặc kê khai không đúng thực tế việc đóng bảo hiểm với cơ quan có thẩm quyền.

       Không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trường hợp người sử dụng lao động không gửi hồ sơ đăng ký đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động; hoặc có gửi hồ sơ và đã xác định rõ, đầy đủ số người phải đóng hoặc các khoản phải đóng, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp, nhưng không đóng tiền cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định.

       Không đóng đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là việc người sử dụng lao động đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp nhưng chỉ đóng một phần tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định...

2. Dấu hiệu pháp lý của tội trốn đóng bảo hiểm cho người lao động

  • Khách thể của tội phạm

      Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý trong lĩnh vực bảo hiểm. Việc không tuân thủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động dẫn tới sự thâm hụt các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Hay nói cách khác, trật tự quản lý trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải được coi là khách thể bảo vệ của pháp luật hình sự và trong trường hợp bị xâm phạm ở mức độ đáng kể, quan hệ xã hội trong kinh doanh bảo hiểm trở thành khách thể của tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.

  • Mặt khách quan của tội phạm

      Tội phạm thể hiện ở hành vi của người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định. Hành vi vi phạm ở đây là dưới dạng không hành động - không thực hiện một nghĩa vụ pháp lý bắt buộc trong khi có đủ điều kiện thực hiện. Hành vi trốn đóng bảo hiểm và hành vi không đóng bảo hiểm cho đủ số người lao động chỉ khác nhau là không đóng cho toàn bộ hay không đóng cho một bộ phận người lao động trong đơn vị. 

      Hậu quả của tội phạm trốn đóng bảo hiểm cho người lao động đó là gây thâm hụt về quỹ bảo hiểm. Những biểu hiện cụ thể về hậu quả của tội phạm này dẫn đến những rối loạn trong lĩnh vực bảo hiểm. Nhà nước sẽ không thu được đủ số tiền cần phải thu từ những người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

  • Mặt chủ quan của tội phạm

      Người thực hiện hành vi trốn đóng bảo hiểm cho người lao động là do cố ý trực tiếp, tức là nhận thức rõ về hành vi của mình là hành vi gian dối trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm, thấy trước được hậu quả của hành vi gian dối trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Biểu hiện mục đích của người phạm tội là của thu lợi, người phạm tội tìm cách trốn thực hiện nghĩa vụ đóng tiền bảo hiểm bắt buộc.

  • Chủ thể của tội phạm

      Theo quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc cho người lao động và người lao động cũng có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho chính mình. Tuy nhiên, chủ thể của hành vi trốn đóng bảo hiểm của người lao động là người sử dụng lao động.

3. Mức xử phạt đối với tội trốn đóng bảo hiểm cho người lao động       

       Tại Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là một trong các hành vi bị nghiêm cấm do đó người sử dụng lao động  không đóng BHXH cho người lao động sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

       Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng quy định người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng BHXH cho người lao động từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

       Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp cụ thể và mức độ vi phạm, doanh nghiệp còn có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

  • Với cá nhân:

      Chế tài xử lý quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Theo đó, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: 

  • Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
  • Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

     Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: Phạm tội 02 lần trở lên; Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 216 Bộ luật hình sự, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm.

      Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên; Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều 216 Bộ luật hình sự, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

      Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

  • Với pháp nhân thương mại

      Theo quy định, pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

      Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì bị phạt như sau: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 216 Bộ luật hình sự, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 216 Bộ luật hình sự, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

     Nếu doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thể bị phạt tiền từ 200 triệu đồng lên đến mức cao nhất là 3 tỷ đồng.

 4. Hỏi đáp về tội trốn đóng bảo hiểm cho người lao động

Câu hỏi 1: Người lao động cần làm gì khi công ty không đóng bảo hiểm xã hội?

      Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 24/2018, trong vòng 180 ngày, kể từ ngày biết được công ty không đóng BHXH cho mình, người lao động yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu cho mình để xem xét lại hành vi không nộp tiền BHXH.

       Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày yêu cầu giải quyết, nếu công ty vẫn không đóng hoặc người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết của công ty thì người lao động được quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

       Trường hợp người lao động không được giải quyết khiếu nại hoặc kết quả giải quyết khiếu nại không thỏa đáng thì có thể khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện, nơi công ty đóng trụ sở để yêu cầu giải quyết các quyền lợi liên quan trong thời gian làm việc mà không được đóng bảo hiểm.

Câu hỏi 2: Thời hiệu khiếu nại lần đầu đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là bao lâu?

Căn cứ  khoản 1 Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định về thời hiệu khiếu nại 

Thời hiệu khiếu nại

1. Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 180 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sử dụng lao động, của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, của tổ chức dịch vụ việc làm, tổ chức có liên quan đến hoạt động tạo việc làm cho người lao động, tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bị khiếu nại.

2. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

       Như vậy, người lao động được khiếu nại người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội cho mình với thời hạn khiếu nại lần đầu là 180 ngày. 

 Bài viết liên quan:

     Để được tư vấn chi tiết về các quy định liên quan đến vấn đề "Tội trốn đóng bảo hiểm cho người lao động", khách hàng xin vui lòng liên hệ đến tổng đài 19006178 để được hỗ trợ.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên:  Lê Vũ Hải Đăng

Luật sư gọi luôn cho bạn
×

Gửi số điện thoại của bạn để luật sư tư vấn

  • Số ĐT của bạn *
  • Chọn gói dịch vụ *

Gửi yêu cầu tư vấn

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LUẬT TOÀN QUỐC

463 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 1900 6178

Email: lienhe@luattoanquoc.com